Thu nhập bình quân của người Việt tăng thêm hơn 10 triệu đồng mỗi năm sau khi tính lại GDP

Quy mô GDP giai đoạn 2010-2017 sau khi Tổng Cục Thống kê đánh giá lại đã tăng 935.000 tỉ đồng mỗi năm. GDP bình quân đầu người cũng tăng thêm 10,3 triệu đồng/người/năm. Theo Quỹ Tiền tệ thế giới, việc thống kê lại các kết quả kinh tế vĩ mô là phù hợp với thông lệ thống kê quốc tế.

Quy mô GDP giai đoạn 2010-2017 tăng  935.000 tỉ đồng mỗi năm

Công bố số liệu đánh giá lại quy mô GDP giai đoạn 2010-2017, Tổng Cục Thống kê cho biết quy mô GDP sau đánh giá lại theo giá hiện hành tăng bình quân 25,45%/năm trong giai đoạn này, tương ứng tăng 935.000 tỉ đồng mỗi năm.

tuyenduongsatdothi_metrotuyenso1_anhdoclap5_sveq

Quy mô GDP giai đoạn 2010-2017 tăng 25,45%/năm. (Ảnh: Thanh Niên).

Kết quả thống kê cho thấy năm 2011, GDP có tỉ lệ tăng cao nhất, với 27,3% và năm 2015 có tỉ lệ tăng thấp nhất với 23,8%. Năm 2017, quy mô GDP sau khi đánh giá lại đạt 6,294 triệu tỉ đồng, tăng gần 1,3 triệu tỉ đồng so với số đã công bố trước đây.

Về khu vực kinh tế, giai đoạn 2010-2017, bình quân mỗi năm so với số đã công bố, cơ cấu giá trị tăng thêm của khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản trong GDP giảm từ 17,4% xuống còn 14,7%.

Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng từ 33% lên 34,8%. Khu vực dịch vụ tăng từ 39,2% lên 41,2%. 

Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng về quy mô so với số đã công bố, nhưng cơ cấu trong GDP giảm từ 10,4% xuống 9,3% bình quân cả giai đoạn. 

Theo Tổng Cục Thống kê, tuy thay đổi về quy mô nhưng nhìn chung, tốc độ tăng GDP hàng năm không có biến động lớn so với số đã công bố. 

Theo đó, tốc độ tăng GDP hàng năm giai đoạn 2011-2017 tăng nhẹ, mỗi năm tăng từ 0,13-0,48 điểm %, trong đó năm 2016 tăng cao nhất với 0,48 điểm %. 

Tốc độ tăng GDP các năm giai đoạn 2011-2017 lần lượt là: 6,41%; 5,5%; 5,55%; 6,42%; 6,99%; 6,69%; 6,94%.

Sau đánh giá lại, GDP đầu người tăng, thu ngân sách giảm

Quy mô GDP thay đổi dẫn tới các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp khác cũng thay đổi. 

Cụ thể, tích luỹ tài sản bình quân mỗi năm tăng 28,98%. Tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư thay đổi đáng kể, bình quân tăng 26,37%/năm. Tổng thu nhập quốc gia (GNI) bình quân mỗi năm tăng 26,6%. 

Ảnh chụp Màn hình 2019-12-14 lúc 10

Tăng trưởng GDP giai đoạn 2011-2017 sau đánh giá lại của Tổng Cục Thống kê. (Đồ hoạ: Quốc Minh).

GDP bình quân đầu người tăng thêm 10,3 triệu đồng/người/năm, tương ứng 25,6%. 

Tỉ lệ vốn đầu tư so với GDP bình quân mỗi năm khoảng 33,3%/năm, tăng thêm 0,7 điểm %.  Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (hệ số ICOR) không có sự thay đổi lớn, giai đoạn 2011-2017 là 5,98 (giảm 0,27). 

Tổng Cục Thống kê cũng cho biết sau khi đánh giá lại, tỉ lệ thu ngân sách nhà nước so với GDP giảm bình quân mỗi năm khoảng 1,1%. 

Tỉ lệ thuế trừ trợ cấp sản phẩm so với GDP giảm bình quân mỗi năm khoảng 1,1%. Tỉ lệ chi ngân sách so với GDP bình quân là 23,2% (số đã công bố là 29,1%/năm). 

Tỉ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP giảm bình quân 1,2%/năm. Tỉ lệ dư nợ công so với GDP bình quân giai đoạn 2010-2017 giảm khoảng 11,6%/năm. 

Năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) bình quân giai đoạn 2015-2017 đóng góp 46,4% trong GDP, giảm 0,13 điểm % so với ước tính trước đây. 

Đánh giá lại quy mô GDP là phù hợp thông lệ quốc tế

Cơ quan thống kê cho biết, mục đích sử dụng kết quả đánh giá lại quy mô GDP là để đánh giá đúng bức tranh, năng lực của nền kinh tế, đánh giá hiệu quả các chính sách kinh tế. 

Các con số này sẽ dùng để xây dựng các mục tiêu trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030, và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2021-2025. Tuy nhiên, kết quả này không dùng để đánh giá mức độ hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020 và các kì kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2016-2020. 

Đoàn chuyên gia của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng Tổng Cục Thống kê đánh giá lại quy mô GDP là phù hợp với thông lệ thống kê quốc tế.

Ông Kamal Malhotra, điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, cho rằng việc điều chỉnh GDP chỉ là bước thực hiện đầu tiên, các bước tiếp theo là phải đảm bảo tính gắn kết theo chiều ngang, đặc biệt là sự thống nhất theo các năm, từ đó đưa ra các báo cáo tính GDP chất lượng.

Theo ông, kết quả đánh giá lại cho thấy nhiều ngành công nghiệp và nông nghiệp trước kia chiếm 1/2 giá trị kinh tế giờ đã giảm đi rất nhiều, thay thế bằng ngành dịch vụ, công nghệ. Do các nền kinh tế đang thay đổi nhanh chóng như vậy nên việc điều chỉnh GDP trong tương lai cần thực hiện thường xuyên hơn.

Trước đó, Báo cáo trước Quốc hội tại phiên chất vấn chiều 8/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã khẳng định việc tính toán lại GDP là cần thiết, và dữ liệu này chỉ áp dụng sau năm 2020, chứ không đưa vào các báo cáo gửi Quốc hội, văn kiện Đảng.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.