Tăng trưởng việc làm mạnh mẽ của Mỹ cho thấy khả năng phục hồi của nền kinh tế. (Ảnh: Reuters).
Theo báo cáo của Bộ Lao động Hoa Kỳ, tỉ lệ thất nghiệp hiện đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần nửa thế kỉ qua, và mức lương của người lao động đang tăng cao nhất trong hơn một thập kỉ trở lại đây.
Cùng với đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vào tháng 10 cũng cho biết sẽ không cần phải giảm thêm lãi suất nữa. Trong năm nay, Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ đã phải 3 lần cắt giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế có dấu hiệu suy thoái.
Các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ dự kiến sẽ làm nổi bật khả năng phục hồi của nền kinh tế, khi họ gặp nhau vào ngày 10/12 tới đây, mặc dù căng thẳng thương mại với Trung Quốc vẫn chưa có hồi kết.
Với một báo cáo về sự gia tăng việc làm mạnh mẽ, giảm tỉ lệ thất nghiệp, và tăng trưởng tốt trong thu nhập, Chris Low - một nhà kinh tế trưởng tại FHN Financial ở New York cho biết: "Fed sẽ coi đây là một căn cứ rõ ràng để quyết định không cần phải giảm tiếp lãi suất trong năm nay".
Biên chế phi nông nghiệp đã tăng tăng thêm 266.000 việc làm vào tháng trước, trong đó 60.200 việc làm đến từ các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, các nhà hàng và quán bar cũng tăng cường tuyển dụng.
Tuy nhiên, thời tiết lạnh hơn trong tháng 11 cũng đã hạn chế số việc làm tại các công trường xây dựng.
Các chuyên gia kinh tế của Reuters cho biết trong tháng này, dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ có thêm 180.000 việc làm mới. Mức tăng số lượng việc làm mạnh mẽ cho thấy cuộc thương chiến kéo dài 17 tháng với Trung Quốc, vốn đã khiến ngành sản xuất rơi vào suy thoái, vẫn chưa lan sang các lĩnh vực kinh tế khác của nền kinh tế.
Báo cáo đầy tích cực này cũng sẽ giảm bớt áp lực lên chính quyền Trump trên bàn đàm phán thoả thuận thương mại với Trung Quốc.
"Các nhà đàm phán có thể thúc đẩy một đường lối cứng rắn hơn trước Bắc Kinh", ông Edward Zhao, một nhà kinh tế cấp cao tại Glassdoor ở San Francisco cho biết.
Trước đó, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã dập tắt niềm tin kinh doanh của các nhà đầu tư, cắt giảm chi tiêu vốn, đẩy nền sản xuất vào suy thoái.