Hình minh hoạ (Nguồn: Sookhtejet)
Trước khi chuẩn bị nói một điều gì, hãy dừng lại và suy nghĩ về điều bạn chuẩn bị nói. Có rất nhiều người không suy nghĩ trước khi nói và khi họ nói ra lại không truyền đạt được đúng ý mà họ muốn.
Trước khi nói bất cứ điều gì, hãy dừng lại vài giây để nghĩ về cách diễn đạt cũng như là điều mình muốn nói. Suy nghĩ trước khi nói là điểm tạo sự khác biệt giữa một người giao tiếp tốt với một người nông nổi trong mắt những người xung quanh.
Khi nói chuyện với người khác, đừng quên để ý tới những tín hiệu ngôn ngữ cơ thể của họ để có thể điều chỉnh cuộc nói chuyện kịp thời, nếu không tinh tế để ý, chúng ta có thể rơi vào hoàn cảnh nói mà chẳng ai nghe hoặc tệ hơn là không được mời đến cuộc gặp gỡ tiếp theo.
Ngay khi bạn nhận ra bạn đã nói quá nhiều, hãy hít thở và cho người khác cơ hội nói chuyện.
Những dấu hiệu sau đây sẽ cho bạn biết đối phương không còn muốn tiếp tục nói chuyện nữa:
- Ngáp
- Không còn giao tiếp bằng mắt với bạn
- Liếc quanh phòng như đang tìm kiếm một lối thoát
- Lùi lại
- Không còn phản ứng với những lời bạn nói
- Gõ nhịp bằng chân hoặc hướng mũi chân về lối ra gần nhất
Một trong những cách tuyệt vời nhất để mọi người nghĩ bạn là một người giao tiếp tốt đó chính là lắng nghe họ nói, để có thể lắng nghe thì bạn phải yên lặng và tập trung vào những điều họ đang nói.
Điều này thể hiện rằng bạn hứng thú với điều họ nói và sau đó khi tới lượt bạn nói, bạn sẽ được đền đáp. Bên cạnh đó, lắng nghe còn là cách tốt nhất để làm quen với một ai đó.
Cách để thể hiện sự lắng nghe của bạn:
- Duy trì sự tương tác bằng mắt
- Gật đầu hay nói những câu ngắn thể hiện rằng mình hiểu ý của đối phương như: "Dạ", "Vâng", "Tôi đồng ý"…
- Đặt câu hỏi
- Công nhận, khen những ý kiến hay của đối phương
Tóm tắt
Ba nguyên tắc khi nói chuyện với người khác
1. Suy nghĩ trước khi nói
2. Để ý biểu hiện của đối phương
3. Lắng nghe