Giá cao su Đông Nam Á tăng vọt khi thị trường cung khan hiếm

Giá cao su đã tăng vọt lên mức cao nhất trong hơn ba năm khi nhu cầu găng tay bảo hộ tăng cao do cuộc khủng hoảng Covid-19 và nhu cầu phục hồi ở Trung Quốc, trong khi nguồn cung vẫn khan hiếm do các nhà sản xuất đang vật lộn để bổ sung dự trữ.

Sản xuất cao su trên khắp Đông Nam Á – nơi chiếm 2/3 tổng cung cao su thiên nhiên toàn cầu – đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình trạng thiếu lao động do Covid-19 và lũ lụt cũng như các hiện tượng thời tiết bất lợi khác tại Thái Lan và Việt Nam.

Dữ liệu mới đây đã cho thấy chênh lệch cung cầu đang nới rộng và các nhà kinh doanh cao su lo ngại tình trạng thiếu cung sẽ còn trầm trọng hơn nữa do những bất ổn về chính trị ở Thái Lan, nước sản xuất cao su hàng đầu thế giới.

Ông Shinichi Kato, chủ tịch hãng kinh doanh cao su nguyên liệu của Shinichi Kato Office cho biết: "Có nhiều khả năng xung đột giữa chính quyền và những người biểu tình chống chính phủ ở Thái Lan sẽ còn tiếp tục gia tăng, sẽ gây gián đoạn nguồn cung và làm dấy lên lo ngại sẽ thiếu cung trầm trọng hơn nữa".

Giá cao su kì hạn trên sàn giao dịch Osaka (Nhật Bản) ngày 29/10 đã đạt mức cao nhất kể từ tháng 2/2017, tăng đến hơn 40% so với cuối tháng 9/2020.

Giá cao su trên sàn Thượng Hải (Trung Quốc) cũng đang đứng ở mức cao nhất 3 năm, sau khi tăng 26% từ đầu năm đến nay. Giá tại Singapore và Thái Lan cũng tăng mạnh.

Nhu cầu găng tay cao su trên toàn cầu đã tăng hơn 20% trong năm nay lên 360 tỉ chiếc do đại dịch Covid-19, mức tăng kỉ lục trong lịch sử, theo Hiệp hội các nhà sản xuất găng tay cao su Malaysia (MARGMA) và Trung tâm Tình báo Kinh tế có trụ sở tại Bangkok.

Ông Kanyarat Kanjanavisut, nhà phân tích cấp cao thuộc Trung tâm Tình báo Kinh tế cho biết: "Chúng tôi tin rằng nhu cầu đối với găng tay cao su sẽ còn tiếp tục tăng chừng nào chưa có vắc-xin ngừa Covid-19. Trong hai tháng còn lại của năm, nhu cầu chắc chắn vẫn tăng cao".

Còn MARGMA thì cho biết Malaysia, một trung tâm sản xuất của hãng sản xuất găng tay hàng đầu thế giới Top Glove, đã chứng kiến xuất khẩu găng tay cao su tăng vọt 48% trong 6 tháng đầu năm 2020. MARGMA cũng dự đoán tình trạng thiếu găng tay cao su trên toàn cầu sẽ còn kéo dài tới quí I/2022.

Một thương nhân thuộc công ty kinh doanh cao su có trụ sở ở Singapore cho biết: "Nhu cầu cao su để sản xuất găng tay quá mạnh và đang lấn vào nguồn cung cao su nguyên liệu dành cho các sản phẩm khác như lốp xe".

Theo Hội đồng Cao su Quốc tế Ba bên (ITRC), sản lượng cao su của Thái Lan, Indonesia và Malaysia năm 2020 sẽ giảm từ nay đến cuối năm, để cả năm nay giảm khoảng 9,8%.

Giá cao su tấm hun khói (RSS3) của Thái Lan đã tăng 76% trong năm nay và riêng tháng 10 tăng 36%.

"Điều đáng lo ngại là sản lượng cao su trong tháng 10/2020 vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường nước ngoài", Giám đốc Cơ quan Quản lí Cao su Thái Lan, ông Nakorn Tangavirapat cho biết.

Trong khi đó, sự hồi phục ở Trung Quốc, nơi đầu tiên phát hiện ca nhiễm Covid-19, càng khiến nguồn cung bị thắt chặt. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này đã tăng trưởng 4,9% trong quí III/2020 so với cùng kì năm trước.

Ông Kato cho biết: "Đơn đặt hàng từ các nhà sản xuất lốp xe Trung Quốc tăng mạnh…. đã khiến cho nguồn cung cao su RSS3 sụt giảm nghiêm trọng, nhất là những hợp đồng kì hạn gần".

Doanh số bán ô tô của Trung Quốc đã có 6 tháng tăng liên tiếp, trong đó tháng 9/2020 tăng 12,8%.

"Chúng tôi rất lạc quan về triển vọng nhu cầu lốp xe ở Trung Quốc trong 3 tháng tới, vì tiêu thụ xe tải nặng tại thị trường này vẫn đang tăng trưởng với tốc độ 50 - 60% mỗi năm, trong khi tiêu thụ xe chở khách cũng tăng 5 - 10% mỗi năm", một nhà phân tích từ hãng CITIC Futures cho biết.

chọn
Ông lớn bất động sản Thái Bình sắp làm khu công nghiệp đầu tay ở Hà Tĩnh
Dragon Group được biết đến là hệ sinh thái đa ngành sở hữu nhiều dự án bất động sản lớn ở Thái Bình. Sắp tới, doanh nghiệp này sẽ đầu tư thêm KCN Gia Lách mở rộng 194 ha tại Nghi Xuân, Hà Tĩnh.