Giá cao su tăng nhẹ đầu tháng 8 nhờ tín hiệu kinh tế tích cực của Mỹ và Trung Quốc

Thị trường cũng kì vọng chính phủ Nhật Bản tăng cường kích thích kinh tế. Mưa lớn tại nhiều bang trồng cao su ở Ấn Độ khiến hoạt động khai thác mủ gián đoạn cũng là yếu tố hỗ trợ giá cao su.

Bản tin thị trường nông, lâm, thủy sản số ra mới nhất của Bộ Công Thương cho biết trong 10 ngày đầu tháng 8/2020, giá cao su tại thị trường châu Á có xu hướng tăng so với tháng 7/2020.

Cụ thể, tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka Exchange (OSE), ngày 8/8, giá cao su RSS3 hạn tháng 9/2020 giao dịch ở mức 166,5 Yên/kg (tương đương 1,57 USD/kg), tăng 4,5% so với ngày 31/7.

Tại Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), ngày 10/8 giá cao su RSS3 giao hạn tháng 9/2020 giao dịch ở mức 11.160 NDT/tấn (tương đương 1,6 USD/ kg), tăng 3% so với ngày 31/7.

cao su - Ảnh 1.

Diễn biến giá cao su RSS3 giao hạn tháng 9/2020 tại sàn OSE trong tháng 8/2020 (ĐVT: Yên/kg). Nguồn: Bộ Công Thương/cf.market-info.jp.

Tại Thái Lan, ngày 10/8, giá cao su RSS 3 chào bán ở mức 50,3 Baht/kg (tương đương 1,61 USD/kg), tăng 6,3% so với ngày 31/7.

Theo Bộ Công Thương giá cao su trong 10 ngày đầu tháng 8/2020 tăng do được hỗ trợ bởi các thông tin kinh tế tích cực từ Mỹ, Trung Quốc và thị trường vọng chính phủ Nhật Bản tăng cường kích thích kinh tế. 

Mưa lớn tại nhiều bang trồng cao su của Ấn Độ khiến hoạt động khai thác mủ gián đoạn cũng là yếu tố hỗ trợ giá cao su.

Ngoài ra kinh tế Trung Quốc tiếp tục phục hồi khi chỉ số các nhà quản trị mua hàng (PMI) của nước này trong tháng 7/2020 đạt 51,1 điểm. Kinh tế Mỹ cũng có dấu hiệu hồi phục trong tháng 7/2020.

Viện Quản lí nguồn cung Mỹ (ISM) cho biết khoảng 72% doanh nghiệp báo cáo có tăng trưởng trong tháng 7/2020. 

Còn theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Thái Lan, 6 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu cao su (mã HS: 4001; 4002; 4003; 4005) của Thái Lan đạt 2,39 triệu tấn, trị giá 99,56 tỉ Baht (tương đương 3,21 tỉ USD), giảm 3% về lượng và giảm 6,4% về trị giá so với cùng năm 2019. 

Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 60,4% trong tổng lượng cao su xuất khẩu của Thái Lan trong 6 tháng đầu năm 2020, đạt 1,45 triệu tấn, trị giá 59,96 tỉ Baht (tương đương với 1,93 tỉ USD), tăng 10,2% về lượng và tăng 7,7% về trị giá so với cùng năm 2019. 

Trong thời gian này, Thái Lan xuất khẩu 1,33 triệu tấn cao su tự nhiên (mã HS 4001), trị giá 52,55 tỉ Baht (tương đương 1,69 tỉ USD), giảm 24,6% về lượng và giảm 30,8% về trị giá so với cùng năm 2019. 

Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 36,3%, đạt 483.960 tấn, trị giá 18,84 tỉ Baht (tương đương 608,07 triệu USD), giảm hơn 25% về lượng và giảm hơn 30% về trị giá so với cùng năm 2019.

Cơ cấu thị trường xuất khẩu cao su tự nhiên của Thái Lan trong 6 tháng đầu năm 2020 có sự thay đổi khi tỉ trọng xuất khẩu sang thị trường Malaysia và Hàn Quốc tăng, trong khi tỉ trọng xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ và Trung Quốc lại giảm.

Ngoài ra, xuất khẩu cao su tổng hợp (mã HS 4002) của Thái Lan đạt 994.270 tấn, trị giá 43,26 tỉ Baht (tương đương 1,41 tỉ USD), tăng hơn 27% về lượng và tăng 24,4% về trị giá so với cùng năm 2019. 

Trong đó, 92,9% lượng cao su tổng hợp xuất khẩu của Thái Lan là xuất khẩu sang Trung Quốc, đạt 923.670 tấn, trị giá 39,99 tỉ Baht (tương đương 1,29 tỉ USD), tăng 48,7% về lượng và tăng hơn 46% về trị giá so với cùng năm 2019. 

Bộ Công Thương dự báo giá cao su trên thị trường trong ngắn hạn khó giữ xu hướng tăng mạnh do giá dầu thế giới ở mức thấp và diễn biến khó lường của dịch Covid-19, giá cao su sẽ biến động trong biên độ hẹp.

chọn
Diễn biến mới tại sân golf Đồi Cù từng xây dựng sai phép của Hoàng Gia ĐL
Hoàng Gia ĐL vừa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho hạng mục clubhouse hơn 15.000 m2 tại dự án sân golf Đà Lạt. Công trình này từng bị phát hiện vi phạm xây dựng không phép khiến chủ đầu tư bị phạt 240 triệu đồng.