Giá đất Đông Anh đang 'nhảy múa' cùng thông tin quy hoạch lên thành phố

Vài tháng qua, ảnh hưởng bởi dịch bệnh, giá đất Đông Anh đi ngang và ít có giao dịch. Tuy nhiên, thông tin lên thành phố đã khiến BĐS nơi đây có dấu hiệu sôi động trở lại.

Nghiên cứu đưa Đông Anh lên thành phố

Mới đây, Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Lưu Quang Huy cho biết, định hướng triển khai trong điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô sẽ nghiên cứu mô hình “Thành phố trong Thành phố” tại khu vực phía Bắc, trong đó có huyện Đông Anh. 

Dự kiến đến năm 2025, Hà Nội sẽ hoàn thành Đề án xây dựng thành quận đối với 5 huyện gồm Đông Anh, Hoài Đức, Thanh Trì, Gia Lâm, Đan Phượng; dự báo tỷ lệ đô thị hóa sẽ khoảng 60 - 65%, phù hợp với định hướng Quy hoạch chung.

Đông Anh chưa lên thành phố, giá đất nhiều nơi đã ngang ngửa nội thành - Ảnh 1.

Huyện Đông Anh được nghiên cứu lên thành phố. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ).

Trước đó, UBND TP Hà Nội đã có tờ trình HĐND thành phố về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Trong lĩnh vực quy hoạch, đô thị, Hà Nội sẽ xây dựng, trình phê duyệt Quy hoạch TP Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cụ thể có việc nghiên cứu đề xuất chủ trương và quy hoạch vùng huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh thành thành phố.

Đất đấu giá 80 triệu đồng/m2

Đáng chú ý, vài tháng gần đây, nhiều phiên đấu giá đất tại Đông Anh ghi nhận mức chênh lệch vài chục tỷ đồng. 

Ngày 10/10, huyện Đông Anh tổ chức phiên đấu giá quyền sử dụng đất tại điểm X1 thôn Lê Xá, xã Mai Lâm. 62 khách hàng đã đăng ký 137 bộ hồ sơ đấu giá 22 thửa đất. Giá khởi điểm từ 43 đến 50 triệu đồng/m2.

Kết quả, tổng số tiền thu được từ phiên đấu giá là trên 124,1 tỷ đồng, tăng hơn 37 tỷ đồng so với giá khởi điểm. Giá trúng cao nhất là 80,1 triệu đồng/m2, ngang ngửa với một số khu vực trong nội thành Hà Nội. Giá trúng thấp nhất là 51,4 triệu đồng/m2.

Cùng ngày, tại địa phương cũng diễn ra phiên đấu giá tại điểm X6 thôn Tiên Kha, xã Tiên Dương. 74 khách hàng với 135 bộ hồ sơ tham gia đấu giá 18 thửa đất, có tổng diện tích là 1.507,82 m2. Giá khởi điểm cho các thửa đất thấp nhất từ 16 đến 28 triệu đồng/m2.

Kết quả 18 khách hàng trúng đấu giá, với giá trúng cao nhất là 45,1 triệu đồng/m2, giá trúng thấp nhất là 21,1 triệu đồng/m2. Tổng số tiền thu được hơn 53,4 tỷ đồng, tăng 16,7 tỷ đồng so với giá khởi điểm. 

Đông Anh chưa lên thành phố, giá đất nhiều nơi đã ngang ngửa nội thành - Ảnh 2.

Đất đấu giá tại Đông Anh trung bình từ 30 đến 65 triệu đồng/m2.

Theo khảo sát của người viết, hiện tại, đất đấu giá tại Đông Anh trung bình từ 30 đến 65 triệu đồng/m2.  

Thậm chí tại một số vị trí đẹp, gần các khu đô thị như Happy Land, 319 Uy Nỗ, và gần đường giao thông trục chính như trục Nhật Tân - Nội Bài sẽ có giá từ 70 - 90 triệu đồng/m2. 

Có nhiều thửa đất riêng lẻ diện tích từ 150 đến 260 m2 được đấu giá kèm với tài sản với mức giá 3 - 15 tỷ đồng. 

Giá đất khu vực trung tâm hơn 100 triệu đồng/m2

Khu vực thị trấn, nhiều nơi gần các trục giao thông chính có giá lên đến hơn 100 triệu đồng/m2.

Tại các xã như Đông Hội, Vĩnh Ngọc, Mai Lâm, Xuân Canh, một số vị trí gần quy hoạch cầu Tứ Liên, công viên Kim Quy, dự án thành phố thông minh BRG Smart City, đất có mức giá khoảng 60 - 80 triệu đồng/m2. 

Một lô đất sau trạm y tế xã Vĩnh Ngọc, đối diện tòa nhà Intracom Vĩnh Ngọc, gần công viên Kim Quy, BRG Smart City được rao bán với mức giá 81 triệu đồng/m2. 

Một số khu vực xa hơn như Dục Tú, Liên Hà, Xuân Nộn, giá đất dao động khoảng từ 15 đến 36 triệu đồng/m2. 

Một môi giới cho biết, thị trường BĐS Đông Anh trải qua nhiều lần sốt đất và giá đất đến nay đã ở ngưỡng rất cao. 

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, khoảng ba tháng vừa qua, giá đất Đông Anh đi ngang và ít có giao dịch. Tuy nhiên, thông tin dự kiến đưa Đông Anh lên thành phố sẽ có thể đẩy giá đất lên cao hơn trong thời gian tới.

Nhiều dự án lớn đổ về, hạ tầng được đầu tư

Trong số ba huyện đang có đề xuất quy hoạch lên thành phố, Đông Anh là khu vực có tốc độ đô thị hóa cao vượt trội. Hà Nội và địa phương luôn dành ngân sách lớn cho việc đầu tư hạ tầng tại huyện. Nhờ đó, bất động sản được hưởng lợi và liên tục tăng giá, đặc biệt trong vòng một năm trở lại đây. 

Đông Anh chưa lên thành phố, giá đất nhiều nơi đã ngang ngửa nội thành - Ảnh 3.

Nhiều dự án lớn đổ về, hạ tầng Đông Anh đang được đầu tư. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ).

Mới đây, nhiều doanh nghiệp lớn đã có các động thái đáng chú ý khi rót vốn vào nhiều dự án ở Đông Anh.

Ngày 20/9, HĐQT của CTCP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC), công ty con của Vingroup đã thông qua phương án điều chỉnh kế hoạch sử dụng tiền thu được từ đợt phát hành 753 triệu cổ phiếu (tương đương 7.530 tỷ đồng) cho cổ đông hiện hữu.

Theo đó, VEFAC chuyển mục đích sử dụng 1.197 tỷ đồng dự kiến ban đầu cho dự án Khu chức năng đô thị Nam Đại lộ Thăng Long sang hai dự án tại huyện Đông Anh, Hà Nội; gồm Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia và Khu đô thị mới tại các xã Xuân Canh, Đông Hội và Mai Lâm (Vinhomes Cổ Loa).

Sau khi điều chỉnh, vốn đầu tư vào Trung tâm hội chợ triển lãm Quốc Gia tăng lên 1.308 tỷ đồng và Khu đô thị mới tại các xã Xuân Canh, Đông Hội và Mai Lâm tăng lên 6.221 tỷ đồng (gồm 1.710 tỷ đồng giải phóng mặt bằng và 4.511 tỷ đồng chi phí xây dựng).

Bên cạnh thông tin lên quận và thành phố mới đây, thì các dự án quy mô lớn đang được triển khai trên địa bàn tỉnh đã giúp thị trường BĐS Đông Anh trở nên sôi động. 

Đáng chú ý có Thành phố thông minh BRG Smart City khoảng 271,5 ha do Tập đoàn Sumitomo và Tập đoàn BRG đang triển khai tại các xã Vĩnh Ngọc, Hải Bối. Dự án 4 tỷ USD chia thành 5 giai đoạn thực hiện, dự kiến hoàn thành toàn bộ vào cuối năm 2028.

Dự án Công viên Kim Quy của Sungroup với quy mô trên 101 ha, dự kiến hoàn thành quý IV/2022. 

Dự án giải phóng mặt bằng xây dựng Tổ hợp y tế - Chăm sóc sức khỏe công nghệ cao tại Hà Nội của CTCP phát triển y tế quốc tế TH rộng 40,7 ha.

Bên cạnh các siêu dự án của loạt ông lớn, Đông Anh là nơi quy tụ của hàng chục khu đô thị, khu nhà ở, tái định cư trong tương lai như khu nhà ở xã hội Green Link City, khu đô thị Kosy Complex Kim Nỗ, khu công nghiệp Bắc Thăng Long, khu đô thị Bắc Thăng Long - Vân Trì, khu tái định cư Cổ Loa, dự án Khu liên hợp Bệnh Viện CHI, công viên phần mềm Vintech,...

Ngoài việc thu hút các dự án lớn, Đông Anh cũng có nhiều kế hoạch xây dựng hệ thống cầu, đường chuẩn bị triển khai. Đáng chú ý có dự án cầu Tứ Liên, tuyến đường vành đai 2 và 3, quy mô 8 - 10 làn xe đi qua địa phận huyện Đông Anh dự kiến triển khai trong giai đoạn từ nay đến 2030.

Ngoài ra, trong tương lai tuyến đường Vành đai 3,5 có chiều dài khoảng 9,1 km sẽ chạy qua địa bàn huyện Mê Linh và huyện Đông Anh. Dọc tuyến đường này chính là nơi dự kiến quy hoạch xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 7 đi nổi tại dải phân cách, và đi qua nhiều khu đô thị lớn trong khu vực.

Bên cạnh đó, thành phố sẽ xây dựng hai tuyến đường gom dọc theo QL3 mới (đoạn từ nút giao giữa đường Vành đai 3 với đường QL3 mới) đến hết địa phận huyện Đông Anh; xây dựng tuyến đường nối trục từ QL3 (cũ) đến tuyến đường Võ Nguyên Giáp.

chọn
Địa phương được dự báo là 'thủ phủ công nghiệp' mới ở phía nam vừa hút hơn 1,5 tỷ USD vốn ngoại sau một quý
Quý I/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 13 dự án FDI với tổng vốn đầu thu thu hút hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước với tổng đầu tư thu hút gần 25.000 tỷ đồng.