Người cha của 93 người con
Ông Nhật cùng "gia tài" của mình. Ảnh: Trang Anh |
Vào một buổi chiều nắng như đổ lửa, dưới con đường đất đỏ chạy dài trên những triền đồi, nắng thì bụi mù trời, mưa xuống thì trở nên lầy lội, trơn trượt chúng tôi tìm về ngôi nhà của ông Đinh Minh Nhật (SN 1962, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai).
Nở nụ cười trìu mến, ông Nhật vui vẻ mời khách vào nhà. Nhấp chén trà đắng, ông Nhật chỉ tay ra sân, nơi những đứa trẻ đang vui đùa rồi khoe với chúng tôi về 93 người con, ông nói đó là tài sản vô giá mà ông trời đã ban cho ông.
Ông Nhật cho hay, hiện tại người con lớn nhất của ông đã 21 tuổi và đang theo học tại một trường Đại học ở Huế, còn những người con còn lại vẫn đang sinh sống và học tập tại Gia Lai cùng ông.
Nhớ về những ngày đầu mang những đứa trẻ bất hạnh về nuôi dưỡng, ông Nhật chỉ cười rồi lắc đầu “Vất vả lắm cô ạ. Một thân một mình, lại chưa có con nên chật vật mãi tôi mới nuôi được mấy đứa nhỏ lớn như bây giờ. Ngày ngày tôi vẫn đi làm thuê, ai gọi làm gì tôi đều đi hết. May mắn nhà có ít đất, tôi trồng thêm600 gốc tiêu, 600 gốc cà phê để lấy tiền nuôi bọn trẻ”.
Ông Nhật cùng dạy các con của mình học tập, bổ sung kiến thức. Ảnh: Trang Anh |
Nói về người con đầu tiên của mình khiến ông có động lực để giúp đỡ những hoàn cảnh khác. Ông cho hay, vào một chiều khi ông vào ngôi làng ở huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) ông vô cùng bất ngờ và bàng hoàng khi thấy người dân đang chuẩn bị chôn sống một đứa trẻ đang còn đỏ hỏn. Lúc này, ông chẳng suy nghĩ mà lao vào can ngăn dân làng và ôm trọn đứa bé vào lòng. Khi đó, ông mới biết đứa bé bị chôn sống là do phải theo tục lệ của làng. Bởi người mẹ khi sinh con ra mất đi thì người con ấy phải bị chôn sống theo mẹ.
Nhìn đứa bé với gương mặt ngây thơ, non nớt chưa cảm nhận được sự sống bao lâu lại sắp phải lìa xa cõi đòi vì tập tục lạc hậu khiến ông không đành lòng. Ông bắt đầu xin dân làng tha mạng cho đứa bé và để ông mang về nuôi dưỡng. Sau hồi lâu thuyết phục và nộp phạt để cúng thần linh, cuối cùng đứa bé cũng thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”.
Ông mang đứa bé về nhà rồi bắt đầu tìm đến các nhà dân để xin từng giọt sữa cho đứa trẻ sơ sinh bú. Tuy nhiên, do đứa bé khát sữa nên bú nhiều, sợ hết sữa cho con mình nên những người mẹ ấy không cho ông xin sữa nữa. Từ đó, ông bắt đầu đi làm thuê để kiếm thêm tiền mua sữa ngoài cho đứa bé bú. May mắn, đứa trẻ ngoan ngoãn, khỏe mạnh nên lớn nhanh và không quấy khóc khiến ông cũng vơi bớt phần nào khó khăn. Giờ đấy, đứa bé đỏ hỏn ngày nào đã 11 tuổi và được ông đặt cho cái tên là Hồng Phúc.
Chia sẻ về tên của người con đầu tiên, ông Nhật nghẹn ngào nói: “Tôi đặt tên con là Hồng Phúc với mong muốn con nhận được nhiều may mắn trong cuộc sống. Bên cạnh đó, tôi cũng hy vọng sau này lớn lên con sẽ là người sống tình cảm và biết quý trọng tình yêu giữa con người với con người”.
Tình yêu thương giữa con người với con người
Những người con của ông vui, hạnh phúc khi được ông cưu mang, chở che. Ảnh: Trang Anh |
Sau khi cứu sống Phúc, ông Nhật bắt đầu gặp và đưa những đứa trẻ bất hạnh không gia đình hoặc bị bố mẹ bỏ rơi về nhà nuôi dưỡng. Mỗi hoàn cảnh, mỗi trường hợp là một kỉ niệm khiến ông không thể nào quên.
Như trường hợp của Đinh Thúi, đứa bé bị bố mẹ bỏ rơi khi cơ thể cháu không có hậu môn, lại mắc chứng bệnh Down từ khi lọt lòng. Thương xót đứa trẻ, lại không đành lòng nhìn Thúi bị tước đoạt mạng sống, ông đưa đứa trẻ về rồi tức tốc mang xuống TP Hồ Chí Minh để tạo hậu môn giả. Sau nhiều ngày ăn ngủ tại bệnh viện, đứa bé may mắn được các bác sĩ cứu sống và khỏe mạnh trở về. Từ đó, ông nuôi và chăm sóc Thúi như con ruột của mình.
Ông Nhật luôn tận tâm, chăm sóc các con từ miếng ăn, giấc ngủ. Ảnh: Trang Anh |
Từ một, hai đứa trẻ đến nay ông đã nuôi dưỡng và chăm sóc cho 93 trường hợp. Những em nào có khả năng học tập ông đều cố gắng làm lụng để cho các em đi học cho bằng bạn, bằng bè. Còn những em không có khả năng đến trường ông cũng tìm cho các em cái nghề phù hợp để có thể tự lao động kiếm sống nuôi bản thân.
Ngoài những giờ học trên lớp, khi về nhà ông còn giành thời gian bổ sung kiến thức cho các em. Không chỉ dạy kiến thức có trong sách vở, ông còn dạy cho những người con của mình cách sống và cách làm người thông qua những mẩu chuyện, bà hát về gia đình.
“Thông qua những bài hát, câu chuyện về tình cảm gia đình, tôi mong muốn các con phải biết trân trọng, yêu thương lẫn nhau. Sau này lớn lên các con phải biết quý trọng gia đình của mình để không còn trường hợp những đứa trẻ bơ vơ, thiếu thốn tình cảm của bố mẹ”, ông Nhật tâm sự.
Ông luôn gần gũi, chia sẻv à dạy các con tình yêu thương giữa con người với con người. Ảnh: Trang Anh |
Nói về trường hợp của ông Nhật, ông Lê Sĩ Quý, chủ tịch UBND xã Ia Hlốp cho biết, ông Nhật nhận nuôi những đứa trẻ mồ côi, không nơi tương tựa là việc làm đáng hoan nghênh.
Để giúp đỡ thêm cho cơ sở của ông, bên phía chính quyền địa phương cũng kêu gọi các đoàn từ thiện, mạnh thường quân giúp đỡ. Tuy nhiên, hiện nay số trẻ tại đây khá lớn nên cơ sở cũng gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, do đó ông hy vọng sẽ có nhiều sự giúp đỡ hơn nữa để các cháu có điều kiện học tập tốt.
Chàng trai 8x bỏ mức lương 15 triệu đồng về quê nhà trồng rau sạch
Bỏ mức lương 15 triệu đồng/tháng, chàng trai trẻ về nhà bắt đầu “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" với mô hình trồng ... |