Báo cáo sản xuất mía đường nửa đầu tháng 7/2020 của Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết theo thông tin từ tổ chức ISO, trong nửa đầu tháng 7/2020 chỉ số giá đường thô và đường trắng có xu hướng giảm với nguồn cung dồi dào từ Brazil và nhu cầu không cao.
Mức giảm của đường trắng nhiều hơn và chênh lệch đường thô – đường trắng ở tuần thứ hai của tháng 7 hiện ở dưới mức 80 USD/tấn.
Trong khi đó, tại thị trường Việt Nam, trong nửa đầu tháng 7/2020 đường nhập khẩu tràn ngập thị trường. Các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu đã cạnh tranh hỗn loạn với nhau và đẩy giá thị trường xuống mức thấp.
Giá đường sản xuất từ mía trong nước tùy phẩm cấp đường (chất lượng và cỡ hạt) giá (có VAT, đồng/ kg) dao động ở mức như sau:
Đường sản xuất từ mía hầu như không tiêu thụ được, khi giá đường nhập khẩu chính ngạch (theo ATIGA) cạnh tranh lẫn nhau đẩy giá càng ngày càng thấp hơn, đến mức thấp hơn giá vốn nhập khẩu.
Theo VSSA nhập khẩu đường và chất tạo ngọt đang được tiếp tục nhập về ồ ạt. Nguồn cung đường đang dư thừa và cạnh tranh hỗn loạn khiến giá đường trên thị trường tiếp tục xu hướng giảm về cuối tháng.
Đường sản xuất từ mía hầu như tiếp tục không tiêu thụ được vì giá trên thị trường vẫn bị dìm dưới giá thành sản xuất.
"Vụ mía đã kết thúc, các loại đường có nguồn gốc nước ngoài vẫn tiếp tục thâm nhập thị trường, đường sản xuất từ mía trong nước vẫn tiêu thụ kém và tồn kho. Như vậy các nguồn cung vẫn dồi dào, do đó không có hiện tượng thiếu hụt đường trong tháng 7/2020 và các tháng tới tại thị trường trong nước", Hiệp hội mía đường dự báo.
Tuy đã chấm dứt giãn cách xã hội và nhu cầu đường bắt đầu tăng, nhưng các loại đường có nguồn gốc nước ngoài vẫn đang chiếm vai trò chủ đạo trên thị trường, nên xu hướng giá sẽ vẫn ở mức thấp dưới mức giá thành sản xuất của đường sản xuất từ mía trong nước, dẫn đến khó khăn ngày càng tăng cho các doanh nghiệp mía đường và nông dân trồng mía.