Giá heo hơi tăng phi mã, người chăn nuôi ở vựa heo lớn nhất nước nôn nóng tái đàn nhưng không còn con giống

Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai - ông Nguyễn Kim Đoán, cho biết giá heo hơi “nhảy múa kinh hoàng” hiện nay là mức tăng thực, do nguồn cung khan hiếm. Ông cho biết, người chăn nuôi ở vựa heo lớn nhất nước này nôn nóng tái đàn nhưng thực tế nguồn heo giống hiện nay đang rất ít.

Với giá heo hơi cao kỉ lục này, ông Đoán lại khẳng định đây là giá thực, và sẽ còn tăng tiếp cho đến cuối năm. Bởi heo đã không còn nhiều sau đợt dịch tả châu Phi kéo dài nhiều tháng, trong khi thị trường đang vào mùa cao điểm tiêu dùng. 

Thương lái đổi giá mua từng giờ, giá nhảy múa kinh hoàng

- Trước tình hình giá heo hơi tăng chóng mặt những ngày qua và đạt đỉnh cao chưa từng có, ông có thể cho biết hiện thị trường heo hơi tại Đồng Nai đang diễn biến thế nào? Nông dân còn heo để bán giá cao như hiện nay không?

- Giá heo hơi những ngày qua tại Đồng Nai nhảy múa kinh hoàng và tăng từng ngày. Cuối tuần rồi, ngày 5/10, giá heo hơi thương lái gom trên địa bàn chỉ 51.000 đồng/kg thì đến đầu tuần, giá đã nhảy lên 54.000 đồng/kg. Một ngày sau, vào 8/10, giá tăng thêm 2.000-3.000 đồng/kg nữa, lên thành 56.000-57.000 đồng/kg.

Xem thêm: Giá heo hơi hôm nay 12/10: Miền Nam có nơi tăng đến 9.000 đồng/kg

images2153826_images2147605_1T4b

Ông Đoán cho biết giá heo hơi cuối năm sẽ tăng mạnh do thiếu nguồn cung. (Ảnh: Báo Đồng Nai).

Đến hôm nay, giá heo hơi tính chung trên địa bàn và các huyện có số lượng heo lớn như Thống Nhất, giá đã lên 59.000-60.000 đồng/kg. Thực tế, tại một số nơi trong tỉnh, thương lái đã trả hơn 60.000 đồng/kg để gom heo. 

- Đó là giá thương lái đưa ra, vậy các doanh nghiệp lớn thì đang thu mua như thế nào, thưa ông?

- CP miền Nam đưa ra giá hôm 10/10 là 56.500 đồng/kg. Mức giá này cũng tăng liên tục những ngày đầu tháng 10. So với cuối tuần rồi, chỉ mới ngày vài nhưng giá heo hơi CP đưa ra đã tăng lên thêm 6.500 đồng/kg. CP tăng giá nên thương lái phải đưa ra mức giá cao hơn CP để mua được heo trong bối cảnh nguồn cung đang bắt đầu hiếm hiện nay. 

Giá tăng liên tục từng giờ, người chăn nuôi bán hàng sợ "hớ" nên ai cũng muốn "ghim" lại tại chuồng chờ giá lên. Hiện nay, mỗi ngày heo lên 2-3 giá, vừa sáng đang ở một mức thì đến trưa, chiều thương lái đã đưa ra mức giá khác. Đây là lí do khiến người chăn nuôi chủ động "ém" heo tại chuồng, mong ngóng mức giá cao hơn.

Đây đúng là đợt tăng giá thực, và còn tăng cao đến cuối năm

- Ông đánh giá thế nào về tình hình giá heo hơi những ngày sắp tới. Lượng heo tại Đồng Nai hiện có đảm bảo cung ứng cho TP HCM và khu vực phía Nam sau đợt dịch kéo dài vừa qua?

- Dù giá heo hơi đang nhảy múa kinh hoàng, và những ngày sắp tới xu hướng sẽ tiếp tục tăng, nhưng phải lưu ý rằng, đây là mức tăng giá thực, không ảo như những đợt tăng giá trước, do nguồn cung khan hiếm bởi dịch tả châu Phi. Vì vậy, việc xác định xu hướng cũng chính xác hơn.

Có thể thấy, qua vài tháng kể từ khi bùng phát dịch, lứa heo nuôi giữa thời điểm dịch đó đã lớn và đang chờ xuất chuồng, tình hình bán buôn hiện nay nếu so với cuối năm tạm gọi là có thể bình yên. 3 tháng cuối năm, Tết tới khi nhu cầu tăng cao, nhưng hộ chăn nuôi nhỏ hết heo, các trang trại lớn cũng giảm thì sẽ bắt đầu khan hiếm hơn, đẩy giá heo hơi tăng cao hơn nữa.

IMG_7819

Thịt heo tại các chợ nhỏ lẻ đang tiêu thụ tốt dù giá đã tăng lên đến 25.000 đồng/kg so với vài tháng trước. (Ảnh: Phúc Minh).

Ngoài ra, có một điểm đáng chú ý là hiện giá heo miền Nam cũng nhích lên từng ngày và không còn chênh lệch quá nhiều với giá heo miền Bắc, nên cũng ít có hiện tượng gom heo, bán heo ra các tỉnh phía Bắc, mà người chăn nuôi vẫn tiếp tục mong ngóng với mức giá tốt hơn và phục vụ nhu cầu thị trường phía Nam.

Tổng đàn heo tại Đồng Nai đang như thế nào kể từ khi bùng phát dịch tả châu Phi?

- Trước khi dịch bùng phát, tổng đàn heo của Đồng Nai là 2,5 triệu con, theo thống kê hiện nay, con số này chỉ còn khoảng 1,5 triệu con. Tuy nhiên, số lượng heo còn lại có thể thấp hơn do thống kê thực hiện dựa trên số heo đã tiêu hủy, nhiều hộ chăn nuôi đã bán chạy dịch thì sẽ ảnh hưởng đến tổng đàn chung.

Dịch tả heo châu Phi khiến tỉnh Đồng Nai phải tiêu hủy hơn 1 triệu con heo, và thương lái đang gom heo ráo riết là nguyên nhân khiến nguồn cung sẽ xuống thấp, giá heo sẽ tiếp tục leo lên cao nữa vào thời điểm cuối năm.

- Tình hình kiểm soát dịch tại địa phương hiện thế nào thưa ông? Các hộ có heo bị tiêu hủy vì dịch tả châu Phi hiện đã nhận được hỗ trợ chưa, ông có thể thông tin thêm về việc này?

- Như tôi đã nói, tổng đàn heo đã giảm mạnh nên số lượng còn lại cũng không còn nhiều. Bớt nuôi thì dịch trên địa bàn cũng đã bớt và nhiều nơi cũng đã ổn định hơn.

Về việc hỗ trợ cho người chăn nuôi, tính đến nay, tỉnh Đồng Nai đã có nhiều đợt hỗ trợ cho từng địa phương. Sở dĩ việc hỗ trợ chia theo đợt vì phụ thuộc vào thời gian thống kê, thời điểm tiến hành tiêu hủy heo bệnh. Đến thời điểm này, tiền hỗ trợ đã được đến tay các hộ chăn nuôi.

Không còn con giống để tái đàn

- Nguồn heo dự báo sẽ thiếu hụt, trong khi Đồng Nai là vùng chăn nuôi heo lớn nhất, cung ứng cho thị trường phía Nam và TP HCM. Hiện các hộ chăn nuôi, trang trại có được phép tái đàn để chuẩn bị cho cuối năm, Tết đến không, thưa ông?

- Cách đây 2 tuần, tỉnh cũng đã tính có phương án khuyến khích cho việc tái đàn. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng, muốn tái đàn thì bắt buộc phải có con giống. Từ trước đến nay, người chăn nuôi trên địa bàn tái đàn bằng cách tự túc con giống, tức lấy đàn heo con từ con nái. 

images2127166_7A

Ông Đoán cho biết heo giống tại Đồng Nai đang hiếm nên việc tái đàn của người chăn nuôi gặp khó khăn. (Ảnh: Báo Đồng Nai).

Tuy nhiên, đợt dịch vừa qua, đàn heo nái bị tàn phá khủng khiếp, dịch quét qua là đàn nái tan tát nên hiện nay người chăn nuôi muốn tái đàn cũng không có con giống. 

Một nguồn heo giống còn lại là đến từ các trang trại. Tuy nhiên, số lượng heo giống của trang trại cũng không còn dồi dào như trước. Trong bối cảnh hiện nay, các trang trại này cũng phải chủ động con giống để tự tái đàn. Vì vậy, nguồn cung vốn đã hiếm nay lại càng khó hơn.

- Nếu tái đàn trong thời điểm này, liệu có khả năng khiến dịch quay trở lại và diễn biến phức tạp hơn, thưa ông?

- Đây cũng là điều chúng tôi lo lắng, khi các hộ chăn nuôi đồng loạt tái đàn để đón sóng giá heo hơi được dự báo tăng cao cuối năm, nếu không kiểm soát, nhất là kiểm soát về các biện pháp an toàn sinh học, thì khả năng dịch tả châu Phi sẽ quay trở lại và diễn biến phức tạp.

Trước mắt, việc tái đàn đang gặp khó do thiếu hụt nguồn cung heo giống. Vì vậy, khi các hộ chăn nuôi bắt đầu tái đàn để chuẩn bị cho heo cuối năm thì chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ về thông tin và các biện pháp an toàn, để tránh tối đa việc mang mầm bệnh đến khu vực chăn nuôi.

Xin cảm ơn ông!