Giá tiêu đạt 70.000 - 80.000 đồng/kg vào năm sau?

Ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho rằng giá tiêu có thể đạt mức 70.000 - 80.000 đồng/kg vào năm sau, do nguồn cung dự báo giảm mạnh.

Giá tiêu có thể giảm vào đầu 2021

Giá tiêu trong nước thời gian gần đây đang trên đà phục hồi trở lại. Theo số liệu của Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), giá tiêu trong tháng 11 tăng mạnh so với tháng 10 do ảnh hưởng của mưa lũ đến các vùng trồng trọng điểm. 

Giá tiêu tại Bà Rịa Vũng Tàu tăng 3.000 đồng/kg lên mức 57.500 đồng/kg. Giá tiêu tại Đắk Lắk, Đắk Nông tăng 3.500 đồng/kg lên 56.000 đồng/kg. Giá tiêu tại Đồng Nai tăng 3.000 đồng/kg lên 55.000 đồng/kg. Giá tiêu tại Gia Lai tăng 2.500 đồng/kg lên 54.500 đồng/kg. 

Nếu so với hồi đầu năm, mức giá tiêu hiện tại tăng tới 40%.

Tình trạng mưa lũ đe dọa các vườn trồng hạt tiêu trước nguy cơ bùng phát dịch bệnh. 

Do đó, khả năng tái canh cây tiêu thấp. Tỉnh Đắk Nông được dự báo sản lượng tốt và ổn định so với các vùng trồng hạt tiêu khác trong kỳ thu hoạch mới. Mặc dù vậy, dự báo sản lượng hạt tiêu của tỉnh Đắk Nông vẫn có khả năng giảm từ 10-15%.

Với việc sản lượng giảm, nhiều ý kiến cho rằng chu kỳ tiêu tăng giá sẽ bắt đầu từ năm 2021. Tuy nhiên, một số khác cho rằng nhu cầu vẫn đang thấp do chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19.

Trao đổi với người viết ông Phan Minh Thông Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Phúc Sinh Group cho rằng nếu không có dịch Covid-19, theo quy luật cung - cầu, giá tiêu sang năm 2021 có thể tăng bởi trong nhiều năm qua, ngành đã chịu áp lực dư cung quá lớn.

“Ngày xưa 10 người muốn bán thì bây giờ con số ấy giờ lên 50 - 60 người. Trong khi nhu cầu không có do nhiều nhà hàng trên thế giới phải đóng cửa. 

Phân khúc nhà hàng, khách sạn ở Châu Âu tiêu thụ rất nhiều hồ tiêu của Việt Nam nhưng hiện cũng đang bị tê liệt. Thậm chí, sang năm 2021, tôi cho rằng lượng tiêu thụ hồ tiêu của Việt Nam có thể giảm tới 50%”, ông Thông nói. 

Ông Thông cho biết một số khách hàng của Phúc Sinh mua hàng từ tháng 2 nhưng hiện vẫn còn tồn kho. Công ty không dám thu mua quá nhiều như trước đây. 

Ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho biết thời điểm giáp Tết Nguyên đán là lúc Đắk Nông thu hoạch. Đây là khu vực chiếm một nửa sản lượng tiêu của Việt Nam. 

Trong khi đó, hồ tiêu là nguồn thu chính của Đắk Nông do đó áp lực bán ra rất lớn để trang trải cuộc sống. 

Ở đầu xuất khẩu của doanh nghiệp đang bị ngưng trệ. Do đó, sẽ xảy ra tình trạng  người bán thì nhiều người mua thì ít, các thương lái, doanh nghiệp có thể ép giá, kéo theo giá tiêu có thể giảm vào đầu năm 2020.

Đầu tháng 12, giá tiêu đã có dấu hiệu giảm nhẹ ở một số khu vực. Theo Cục Xuất nhập khẩu, giá hạt tiêu đen trong nước biến động không đồng nhất so với cuối tháng 11/2020. 

Ngày 8/12, giá hạt tiêu đen giảm ở hầu hết các khu vực sản xuất, nhưng tăng tại Đồng Nai. Theo đó, giá hạt tiêu tại huyện Chư Sê tỉnh Gia Lai giảm 2,7%, xuống còn 55.000 đồng/kg. 

Giá tại các khu vực sản xuất khác phổ biến ở mức 56.500 – 58.000 đồng/kg. Ngược lại, giá hạt tiêu đen tại tỉnh Đồng Nai tăng 1,8% so với ngày 30/11, lên mức 56.000 đồng/kg. 

Giá tiêu có thể đạt 70.000 - 80.000 đồng/kg trong năm 2021?

Tuy nhiên, ông Bính lạc quan rằng sau Đắk Nông, thời gian thu hoạch của các vùng khác sẽ đến như Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Gia Lai (tháng 3 - tháng 4). Đây là những vùng không quá lệ thuộc vào loại cây này nên áp lực bán sẽ thấp hơn nhiều so với Đắk Nông.

Bên cạnh đó, sản lượng tiêu được dự báo sẽ giảm khoảng 30% trong niên vụ tới nên người bán có thể giữ lại. Ở chiều mua vào, thời điểm này các doanh nghiệp đang có nhu cầu nhập hàng vào kho để bán ra. Do đó, ông Bính dự báo giá tiêu có thể tăng ở giai đoạn này.

“Năm 2021, giá tiêu có thể đạt 70.000 - 80.000 đồng/kg”, ông Bính nhận định.

Việc Việt Nam đã ký Hiệp định Thương mại Tự do với EU được kỳ vọng sẽ là cú hích lớn cho việc tiêu thụ hồ tiêu tại thị trường này vào năm 2021. 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết một số nền kinh tế hàng đầu châu Âu như Đức, Anh và Italy đang nỗ lực đẩy mạnh các biện pháp phòng dịch với hy vọng sẽ tránh được việc phải áp đặt lệnh phong tỏa trên diện rộng. 

Bên cạnh áp lực từ dịch Covid-19 đến ngành tiêu xuất khẩu sang EU thì việc Việt Nam tham gia ký kết Hiệp định Thương mại tự do EVFTA đang đặt ngành hạt tiêu nước ta trước những cơ hội và thách thức mới. Trong đó, vấn đề rào cản kỹ thuật và vệ sinh an toàn thực phẩm cần được chú trọng.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.