Giải bài toán mở rộng 'chiếc áo hẹp' cho đô thị trung tâm Hà Nội

Những năm gần đây, đô thị trung tâm TP Hà Nội phát triển chóng mặt, từ mật độ dân số, phương tiện giao thông, hạ tầng xây dựng, giao thông… Đô thị trung tâm Hà Nội đã nhanh chóng biến thành “chiếc áo hẹp” và là vấn đề nan giải cho nhiều cấp, nhiều ngành.

Những năm gần đây, đô thị trung tâm TP Hà Nội phát triển chóng mặt, từ mật độ dân số, phương tiện giao thông, hạ tầng xây dựng, giao thông… Đô thị trung tâm Hà Nội đã nhanh chóng biến thành “chiếc áo hẹp” và là vấn đề nan giải cho nhiều cấp, nhiều ngành. 

Mở rộng đô thị vệ tinh

Mặc dù, Thành phố luôn có nhiều chủ trương, giải pháp, biện tháo để tháo gỡ cho áp lực đô thị nhưng việc phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông, xây dựng, quy hoạch luôn không đáp ứng được nhu cấp phát triển và chưa bắt nhịp song hành với sự chuyển mình của Thủ đô Hà Nội - Trái tim của cả nước.

Những điều này có thể dễ dàng nhận biết, mỗi sáng sớm giờ cao điểm, hay là giờ tan tầm nhiều đường phố, nhất là các tuyến vành đai xuyên tâm và hướng tâm đều tắc nghẽn trầm trọng. Sự phân bổ tòa nhà cao tầng, khu đô thị mới, trường học mới chưa đồng bộ cùng với giao thông đã gia tăng thêm áp lực cho đô thị. 

Điển hình có thể thấy ở tuyến đường vành đai lớn bậc nhất vùng Thủ đô, từng được xem là dự án “khung” với mức đầu tư cao đều không đáp ứng được cho người đi lại như: đường vành đại 1 đoạn Hoàng Cầu - Đê La Thành - Voi Phục; Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Láng; Vành đai 3 trên cao và Khuất Duy Tiến; đường Lê Văn Lương kéo dài…

Vì vậy, TP Hà Nội đang đặt mục tiêu rất lớn trong việc đẩy nhanh hình thành các khu đô thị lớn tại các huyện chuẩn bị lên quận ở ven trung tâm; các thành phố thông minh; các thành phố vệ tinh… Theo Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 (điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô) đã định hướng xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (Hòa Lạc, Xuân Mai). 

Trong quy hoạch, nay mai thành phố phía Bắc dự kiến hình thành trên cơ sở điều chỉnh mở rộng không gian phát triển đô thị trên toàn bộ lãnh thổ các huyện Đông Anh, Sóc Sơn và một phần phía Tây đường Vành đai 4 thuộc huyện Mê Linh. Hà Nội dự kiến thành phố phía Bắc có tổng diện tích khoảng 633 km2, bao gồm toàn bộ địa giới hành chính các huyện Đông Anh, Sóc Sơn và Mê Linh, quy mô đơn vị hành chính gồm 45 phường và 24 xã.

Theo số liệu của UBND TP Hà Nội, hiện trạng toàn khu vực Đông Anh – Mê Linh – Sóc Sơn rộng khoảng trên 630 km2, dân số khoảng 1 triệu người (Cả thành phố Hà Nội hiện khoảng 10 triệu người). Định hướng Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội được phê duyệt tại Quyết định 1259 QĐ-TTg, ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, khu đô thị Mê Linh - Đông Anh được định hướng xây dựng thành đô thị đặc thù gắn với vùng trồng hoa truyền thống. 

Cùng đó, khu đô thị Đông Anh định hướng trở thành trung tâm hành chính, thương mại, giao dịch quốc tế, công nghiệp kỹ thuật cao, phát triển du lịch gắn với bảo tồn di tích Cổ Loa và đầm Vân Trì. Đô thị vệ tinh Sóc Sơn là trung tâm giáo dục và đào tạo. Đây cũng là khu vực phát triển đô thị ở phía Đông đường Vành đai 4.

Để thực hiện quy hoạch chung nói trên, hơn chục năm qua thành phố Hà Nội đã đánh giá các tiềm năng, lợi thế, cũng như những khó khăn bất cập. Đến nay thành phố đã xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa, gần hoàn tất quy trình để chuẩn bị công bộ huyện Đông Anh thành quận. 

Có thể nói, trong khu vực xây dựng thành phố vệ tinh hiện còn những điểm nghẽn, đó là tổ chức thực hiện quy hoạch chậm do thiếu nguồn lực; liên kết và kết nối vùng, kết nối hai bên sông Hồng còn chưa được đầu tư hoàn chỉnh. Các dự án chậm triển khai, dự án treo theo mô hình khu ở dân cư làm ảnh hưởng tới mặt bằng phát triển.

Việc tổ chức thực hiện quy hoạch và quản lý phát triển đô thị còn nảy sinh khó khăn, tình trang xây dựng vi phạm trên đất rừng, đất nông nghiệp vẫn tiếp diễn hàng ngày. Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đã đưa ra định hướng xây dựng thành phố phía Bắc là trung tâm dịch vụ chất lượng cao; trung tâm dịch vụ y tế, giáo dục cấp vùng phía Đông Bắc, trung tâm nghiên cứu khoa học - ứng dụng chất lượng cao; là đầu mối giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy thành phố dịch vụ, hội nhập quốc tế; trung tâm hành chính, thương mại, giao dịch quốc tế, công nghiệp kỹ thuật cao, phát triển du lịch gắn với bảo tồn di tích văn hóa, đóng vai trò động lực phát triển ở phía Bắc Thủ đô.  

Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, về định hướng phát triển không gian sẽ xây dựng thành phố phía Bắc là một đô thị trẻ, giàu có và năng động dựa trên sức mạnh nội sinh sẵn có như khai thác tối đa tiềm năng của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, vị trí giao thoa giữa trục kinh tế Đông - Tây và Bắc - Nam của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, là thành phố xanh - sạch - thông minh, làm đối trọng và bổ trợ cho đô thị trung tâm đang quá tải. 

Thành phố sẽ xây dựng khu vực này thành trung tâm đối thoại, hợp tác quốc tế tầm cỡ khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Phát triển công nghiệp du lịch kết hợp truyền thống trên cơ sở quần thể thành Cổ Loa, đền Sóc. Trung tâm logistics lớn nhất miền Bắc, trung tâm đầu mối giao thương quốc tế, cảng cạn ICD, thúc đẩy hạ tầng xuất nhập khẩu, trung tâm thương mại miễn thuế, outlet lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Hà Nội sẽ khai thác lợi thế sân bay quốc tế Nội Bài, tạo dựng hình ảnh đô thị mới hiện đại phía Bắc sông Hồng gắn với dịch vụ cấp vùng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và các khu công nghiệp thành một khu vực phát triển thương mại, logistics và trung chuyển hàng hóa quốc tế.

Bên cạnh đó, hình thành đô thị mới cao tầng, hiện đại theo mô hình TOD, đô thị thông minh hai bên tuyến đường Võ Nguyên Giáp. Hình thành các tổ hợp công trình công cộng, dịch vụ, khách sạn, thương mại, tài chính, ngân hàng lớn. Khai thác, cải tạo các sông Cà Lồ, sông Thiếp - đầm Vân Trì, sông Ngũ huyện Khê tạo thành trục không gian cây xanh mặt nước Vân Trì - sông Thiếp - Cổ Loa, phát triển lan tỏa tới các điểm không gian xanh trong lõi khu vực đô thị, kết hợp với công viên rừng quanh sân bay Nội Bài tạo thành không gian xanh đô thị của trung tâm thành phố phía Bắc; đồng thời, cải tạo các khu vực dân cư hiện hữu gắn với bảo tồn các công trình di tích, văn hóa lịch sử, tảo tồn triệt để hệ sinh quyển rừng và hệ động thực vật Sóc Sơn…

Kết nối giao thông liên vùng

Để dần hình thành các khu đô thị vệ tinh, kết nối với trung tâm thành phố Hà Nội giúp người dân thuận tiện trong sinh hoạt, kinh doanh, lao động, học tập, thành phố Hà Nội đang đặc biệt chú trọng chỉ đạo đẩy nhanh xây dựng các tuyến đường giao thông lớn, huyết mạch, liên tỉnh, liên vùng và liên huyện. Chỉ khi phát triển tốt giao thông, đi lại thuận tiện thì mới có thể phát triển được đô thị, kéo giãn mật độ dân số, nới rộng “chiếc áo hẹp” đô thị. 

Thành phố đang khẩn trương thực hiện Dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Đây là tuyến đường Vành đai vùng  Thủ đô dài 112,8 km (gồm 103,1 km đường vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối theo  hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long). Điểm đầu nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn), điểm cuối nằm trên đường  cao tốc Nội Bài - Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh). Dự án được  chia thành 7 dự án thành phần, có tổng mức đầu tư dự kiến cho giai đoạn 1  khoảng 85,8 nghìn tỷ đồng.   

Ngày 25/6/2023, tuyến đường vành đai 4 Vùng Thủ đô đã khởi công tại 3 địa phương (Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh). Đến nay, dự  án đã bàn giao mặt bằng đạt 82%, tỷ lệ mặt bằng có thể triển khai thi công là  68,5%; trong đó, thành phố Hà Nội bàn giao 81%; Hưng Yên 83,4%; Bắc Ninh  83,4%. Dự kiến dự án hoàn thành cơ bản trong năm 2026 và đưa vào khai thác  năm 2027. Đến nay, dự án đã giải ngân 5,9% kế hoạch vốn.

Bên cạnh đó, Dự án đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục là một trong những dự án quan trọng bậc nhất thực hiện hàng chục năm qua chưa hoàn thành bởi nhiều vướng mắc (giai đoạn 1). Dự  án có chiều dài 2.274 m, mặt cắt ngang 50 m. Điểm đầu tuyến đường giao với  đường Cát Linh - La Thành - Yên Lãng tại Hoàng Cầu (quận Đống Đa) và điểm cuối tại nút giao thông Voi Phục (quận Ba Đình). Mức đầu tư giai đoạn 1 dự án  là 7.211 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Thành phố; trong đó, chi phí xây dựng 627 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 5.818 tỷ đồng. Đến nay, dự án đã giải ngân 21,8% kế hoạch vốn.

Đối với Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai là tuyến giao thông huyết mạch phía Nam Hà Nội. Khởi công  ngày 03/12/2022, cải tạo 21,7 km đoạn nút giao Ba La, quận Hà Đông đến Thị  trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ. Dự án nâng cấp thành 4 - 6 làn xe, vận tốc  thiết kế 80 km/h, chiều rộng nền đường được mở từ 50 - 60 m góp phần hoàn  chỉnh trục đường hướng tâm kết nối Quốc lộ 21A đường Hồ Chí Minh và tuyến  đường Vành đai 4 vùng Thủ đô. Tổng vốn đầu tư 8,1 nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách Thành phố; trong đó, trên 5,1 nghìn tỷ đồng giải phóng mặt bằng; 2,9 nghìn tỷ đồng chi phí xây dựng, mua sắm thiết bị. Thời gian thi công toàn dự án từ năm 2022 đến năm 2027. Hiện dự án đã giải ngân đạt 5,9% kế hoạch vốn. 

Dự án tuyến đường cao tốc Đại Lộ Thăng Long, đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình cũng đã khởi công ngày 10/10/2023, với chiều dài 6,7 km, điểm đầu kết nối giữa cao tốc Đại Lộ Thăng Long với Quốc Lộ 21, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, điểm cuối kết nối với đường Hòa Lạc, Hòa Bình. Đường có mặt cắt ngang từ 120 - 180 m. Tổng mức đầu tư toàn dự án 5.249 tỷ đồng. Hiện tại, dự án đã giải ngân đạt 4,6% kế hoạch vốn.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, về giải pháp phát triển giao thông, thành phố sẽ rà soát, đánh giá thực trạng quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô, từ đó tập trung nguồn lực đầu tư các dự án quan trọng, có tính chất kết nối, đường vành đai, đường hướng tâm… Đặc biệt, thành phố sẽ có đề án riêng để phát triển đường sắt đô thị. Đề án này sẽ được thành phố tập trung nghiên cứu để báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến.

"Khi làm đề án tổng thể 12 tuyến đường sắt đô thị thì thành phố mới có nguồn lực riêng để bảo đảm thực hiện. Thành phố không thể làm từng dự án một, vì nếu làm từng dự án thì sẽ mất cả trăm năm để thực hiện khối lượng này", Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho hay.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.