Như chúng tôi đã thông tin, ông Phạm Ngọc Ninh, GĐ phòng giao dịch của một ngân hàng tại Hà Nội trong năm 2015 và 2016 đã ký và đóng dấu vào văn bản đề nghị một số người có sổ tiết kiệm tại ngân hàng để cho ông Nguyễn Xuân Huế (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Kỹ thuật Xuân Hiếu) vay tiền.
Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề trên, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Bùi Bá Thiện (Thanh Xuân, Hà Nội), một người được ông Phạm Ngọc Ninh gửi văn bản đề nghị cho mượn sổ tiết kiệm để làm bảo đảm cho vợ chồng ông Nguyễn Xuân Huế vay tiền tại ngân hàng này.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Bùi Bá Thiện cho biết, vào tháng 10/2015, ông Ninh đã ký văn bản đề nghị ông cho mượn 1 sổ tiết kiệm để làm đảm bảo cho vợ chồng ông Huế vay số tiền 9 tỷ đồng tại ngân hàng với thời hạn tối đa là 1 tháng (kể từ ngày phát vay).
“Nếu hết thời hạn 1 tháng (kể từ ngày 15/10/2015), tôi cam kết sẽ giải tỏa và hoàn trả lại sổ tiết kiệm nói trên. Nếu ông Huế không trả được nợ, tôi cam kết bàn giao toàn bộ bản chính giấy tờ thuộc quyền quản lý của Công ty Xuân Hiếu, ông Huế, bà Điệp bao gồm: 6 bất động sản và 2 xe ô tô”, ông Thiện thông tin về văn bản đề nghị.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là theo tìm hiểu của chúng tôi, hai xe ô tô (Lexus màu vàng và xe ô tô Toyota Fortuner màu đen) được ông Phạm Ngọc Ninh liệt kê trong văn bản đề nghị ông Thiện cho mượn sổ tiết kiệm nêu trên tại, thời điểm đó đang là tài sản thế chấp tại ngân hàng.
Cụ thể, chiếc xe ô tô nhãn hiệu Lexus màu vàng đã được thế chấp vào ngân hàng SHB từ năm 2011, còn chiếc xe ô tô Toyota Fortuner màu đen được thế chấp vào ngân hàng từ năm 2014.
Luật sư Hà Huy Phong, Giám đốc Công ty Luật Inteco (Hà Nội) cho biết, về nguyên tắc, một tài sản vẫn được quyền thế chấp cho 2 người nhận thế chấp nhưng phải được người nhận thế chấp đầu tiên đồng ý.
“Tài sản thế chấp vào ngân hàng rồi và ngân hàng chưa đồng ý mà đem đi thế chấp cho một bên khác là sai. Trong thực tế, khi đã thế chấp cho ngân hàng, ngân hàng đã giữ giấy tờ gốc thì làm sao có thể thế chấp cho bên khác”, Luật sư Phong thông tin.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.
Liên quan đến việc ký và đóng dấu vào vào văn bản đề nghị, đại diện ngân hàng này cho biết: “Việc ông Ninh tùy tiện đóng dấu vào văn bản không theo mẫu của ngân hàng là hoàn toàn vi phạm quy định của ngân hàng. Trong hồ sơ ở ngân hàng không có bất cứ một chứng từ nào liên quan đến bảo lãnh. Trên hệ thống cũng không nhập bất cứ một thông tin gì liên quan đến khoản này, nó chỉ là đơn thuần cá nhân và xảy ra sau khi việc vay nợ đã hình thành”. |
Hải Dương: Thiếu nợ Ngân hàng, khách hàng được mời lên trụ sở Công an huyện để làm việc?
Một người ở Hải Dương đã nhận được tờ thông báo có đóng dấu đỏ đề chữ "Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam Chi nhánh Hải ... |