Giám sát PCCC, nhiều bộ trưởng quan trọng 'chưa một lần đến dự họp'

Theo bà Lê Thị Nga, khó khăn trong giám sát PCCC là có một số bộ rất quan trọng chưa một lần bộ trưởng đến dự cuộc làm việc nào của đoàn mà "nay cử người này, mai cử người khác".

Nhiều vấn đề bức xúc, bất cập trong thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018 đã được các đại biểu chỉ ra khi Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về nội dung này.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt cho biết hiện vẫn còn 2.662 công trình có nguy hiểm về cháy, nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế hoặc đã thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC.

"Tính đến tháng 7/2018, còn 110 công trình chung cư, nhà cao tầng đã được chủ đầu tư đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC", ông Việt cho hay.

Bên cạnh đó, còn có biểu hiện tiêu cực trong hoạt động thanh tra, kiểm tra nên tác dụng răn đe, phòng ngừa vi phạm pháp luật về PCCC còn hạn chế.

Giám sát PCCC, nhiều bộ trưởng quan trọng 'chưa một lần đến dự họp' - Ảnh 1.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc thực hiện chính sách pháp luật PCCC giai đoạn 2014-2018. (Ảnh: Minh Quân).

Đề nghị công khai ngay và nêu rõ trách nhiệm

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đặt câu hỏi: "Phê duyệt dự án có, phê duyệt thẩm định PCCC có, kiểm tra, thanh tra, giám sát có, nhưng tại sao lại xảy ra những trường hợp như thế?".

Theo ông, báo cáo phải nêu được bao nhiêu bộ, ngành, địa phương và bao nhiêu công trình vi phạm, trách nhiệm cụ thể của từng chủ thể quản lý Nhà nước thế nào. "Tôi thấy trách nhiệm quản lý Nhà nước, vấn đề tổ chức thực hiện pháp luật là khâu yếu", ông nhận xét.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị công khai ngay 2.662 công trình đã đưa vào sử dụng mà chưa được thẩm duyệt, chưa nghiệm thu PCCC để người dân biết và tự tìm những biện pháp phòng, chống cháy nổ cho mình.

Về nhận định của Đoàn giám sát rằng "có biểu hiện tiêu cực trong hoạt động thanh tra", bà Hải đặt vấn đề: “Có hiện tượng phạt cho tồn tại hay không đối với 2.662 công trình trên? Đề nghị phải công khai ngay và nêu rõ trách nhiệm thuộc về ai, vì làm như thế ảnh hưởng đến an toàn sống cho rất nhiều người dân”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đề nghị Chính phủ chỉ ra để đoàn giám sát biết những nơi còn vi phạm là ở đâu.

Giám sát PCCC, nhiều bộ trưởng quan trọng 'chưa một lần đến dự họp' - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga. (Ảnh: Minh Quân).

Bên cạnh đó, bà Nga nhắc đến vấn đề cơ bản là việc chấp hành luật không nghiêm từ tất cả các chủ thể.

"Tôi phụ trách đi mấy tỉnh và nghe một số bộ, tất cả các chủ thể ở những góc độ khác nhau chấp hành luật không nghiêm thì chúng ta kiến nghị cái gì”, bà phản ánh. Đồng thời bà nêu khó khăn trong quá trình giám sát là có một số bộ rất quan trọng chưa một lần bộ trưởng đến dự cuộc làm việc nào của đoàn.

Bộ Công an thường xuyên cử thứ trưởng Lê Quý Vương, các bộ khác khi thì thứ trưởng, khi thì vụ trưởng sang. Những bộ quan trọng như Bộ Nông nghiệp, Bộ Xây dựng chưa thấy lúc nào bộ trưởng dành thời gian để nghe Đoàn giám sát báo cáo.

"Các thứ trưởng nắm rất sâu nhưng đáng ngại nhất là cho đi họp theo kiểu chạy tiếp sức. Những hôm làm việc với các bộ, lần này thì ông thứ trưởng này, lần khác thì ông vụ trưởng phụ trách mảng khác, như vậy thì làm sao mà chất lượng giám sát tốt được”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp thẳng thắn.

Theo bà, những bộ trưởng liên quan ít nhất cũng phải một lần đến nghe Đoàn giám sát để biết mảng của mình hiện nay đang bức xúc thế nào.

Công khai dự án vi phạm để dân không mua nữa

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nhắc đến tác động của việc Quốc hội thảo luận về công tác giám sát PCCC với cả hai chiều tốt - xấu. Ông lo có thể sau chuyên đề giám sát này dân sợ không mua chung cư, thị trường bất động sản sẽ sụt ngay.

“Hàng nghìn chung cư cơ bản tốt, đáp ứng yêu cầu PCCC và được kiểm tra rồi. Số không đạt yêu cầu cũng còn nhiều nhưng tính trên tổng số cũng ít. Nếu không cẩn thận tuyên bố lên, dân sợ không mua nhà chung cư, thị trường bất động sản sẽ sụt giảm”, ông Định băn khoăn.

Giám sát PCCC, nhiều bộ trưởng quan trọng 'chưa một lần đến dự họp' - Ảnh 3.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định. (Ảnh: Minh Quân).

“Anh Định nói ảnh hưởng đến thị trường bất động sản. Tôi cho rằng ảnh hưởng cũng phải làm”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phản biện. Theo bà, doanh nghiệp nào làm như vậy mà bán nhà, sau này khách không mua thì phải chịu.

“Làm không tốt, bây giờ Quốc hội lại sợ bảo đừng đụng đến chuyện bán nhà, theo tôi không ổn. Phải công khai ra để sau này dân không mua nữa”, bà Nga kiên quyết.

Nhấn mạnh đến nhiệm vụ tuyên truyền, ông Nguyễn Khắc Định cho rằng phải giáo dục, vận động mỗi người dân, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp "tự lo cho mình trước khi Nhà nước lo".

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu dẫn chứng nhiều kinh nghiệm PCCC ở một số nước tiên tiến nhưng lại bày tỏ lo lắng việc PCCC ở Việt Nam. Ông ví dụ ngay căn nhà nơi mình đang sống. Đó là nhà công vụ như “không thấy chống cháy nằm ở đâu”.

Giám sát PCCC, nhiều bộ trưởng quan trọng 'chưa một lần đến dự họp' - Ảnh 4.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu. (Ảnh: Minh Quân).

“Ngay kể cả với cán bộ cấp cao như mình cũng về mặt chủ quan, nhận thức trực quan không có, cháy thì lo chạy thôi chứ không biết gì. Bây giờ nếu cháy tôi cũng chỉ nghĩ tìm đường chạy thoát thân chứ không biết cách nào, vì mình không có gì, ở nhà mình cũng vậy”, ông Giàu chia sẻ và góp ý nên có những quy định pháp luật sát cuộc sống hơn.

“Nói như anh Giàu là tẩu mã vi thượng sách, nghĩa là chạy thôi. Nhưng phải có chỗ nào mà chạy, trên tầng 40 thì không biết chạy chỗ nào”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải băn khoăn.

Ông cho rằng các tòa nhà cao tầng bắt buộc phải đầu tư các trang thiết bị chuyên dùng, hoặc thiết kế những tầng trung gian để nếu có hỏa hoạn xảy ra thì người dân có thể tránh tại đây - nơi có hệ thống phòng cháy, chữa cháy rất tốt.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.