Gian lận điểm thi tốt nghiệp THPT: Danh sách mật, dư luận muốn công khai

Theo nhiều chuyên gia, nên công khai phụ huynh có thí sinh được nâng điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018 để cảnh báo, ngăn ngừa việc gian lận điểm thi cũng như những tiêu cực tương tự

Ngày 12/4, ông Trần Văn Trọng, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Sơn La, cho biết sở đã có danh sách chấm thẩm định các bài thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018 do Bộ GD-ĐT gửi. Tuy nhiên, văn bản này đóng dấu mật nên chỉ ban giám đốc sở được tiếp cận.

Không đủ điều kiện thí sinh sẽ trượt tốt nghiệp

"Bản thân tôi là chánh văn phòng nhưng cũng không được tiếp cận danh sách đó. Bộ GD-ĐT giao cho người nào phụ trách thì chỉ người đó được tiếp cận. Đây là quy định bảo mật của Bộ GD-ĐT, cũng không cung cấp cho báo chí mà chỉ dùng cho công tác quản lý nhà nước" - ông Trọng thông tin.

Ông Trọng cho biết sở đang cập nhật điểm thi mới của các thí sinh do Bộ GD-ĐT chấm thẩm định. "Sau khi cập nhật điểm thi mới, thí sinh nào không đủ điểm thi tốt nghiệp thì sẽ bị trượt tốt nghiệp. Qua đó, chúng tôi sẽ thu hồi bằng tốt nghiệp của những học sinh này" - ông Trọng nhấn mạnh.

Gian lận điểm thi tốt nghiệp THPT: Danh sách mật, dư luận muốn công khai - Ảnh 1.

Trụ sở Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La, nơi có nhiều cán bộ bị khởi tố liên quan đến vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia năm 2018

Phóng viên Báo Người Lao Động đã liên hệ với Ban Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La nhưng những người này đều từ chối trả lời.

Đáng chú ý, trong danh sách 44 thí sinh được nâng điểm của tỉnh Sơn La do Bộ GD-ĐT công bố có tới 12 trường hợp là con em các cán bộ đang công tác trong ngành giáo dục tỉnh này: Phó giám đốc sở, chánh thanh tra sở, trưởng phòng giáo dục trung học, chuyên viên sở, hiệu trưởng, giáo viên một số trường THPT trên địa bàn. Mức điểm được sửa của các thí sinh thấp nhất là 3, cao nhất lên tới 17,75 điểm.

Tham nhũng quyền lực?

Đại biểu Quốc hội Phan Viết Lượng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho biết rất sốc và buồn vì những vi phạm lại xảy ra ở chính những người được nhà nước, nhân dân tin tưởng, giao trọng trách. "Có những thí sinh phấn đấu, nỗ lực hết mình cũng chỉ cải thiện được một vài điểm, đằng này lại gian lận mỗi môn tới 5-7 điểm, tổng 3 môn gần 20 điểm. Sự trắng trợn này không chỉ gây bức xúc mà còn ảnh hưởng đến niềm tin, đến hình ảnh nhà giáo cũng như ngành giáo dục" - ông Lượng bày tỏ.

Theo ông Lượng, cơ quan điều tra phải làm việc thật nghiêm túc với các đối tượng đã bị khởi tố. Sau đó, từ những lời khai của các đối tượng này để làm những bước tiếp theo, xem những ai tác động, mua điểm, chạy điểm. "Không thể có chuyện một người không bị tác động, không có động cơ gì mà lại sửa điểm vài chục bài thi như vậy" - ông Lượng nhấn mạnh.

Đồng quan điểm với ông Lượng, chuyên gia kinh tế - TS Vũ Đình Ánh cho rằng dù chưa có bằng chứng cụ thể về việc nhiều phụ huynh của các thí sinh được nâng điểm là cán bộ, người có chức vụ nhưng phải khẳng định các thí sinh không thể tự nâng điểm mà ở đây là lỗi của phụ huynh. "Nếu danh sách ấy có nhiều quan chức, thậm chí là quan chức cấp cao, thì không loại trừ bên cạnh tiền bạc có cả vấn đề quyền lực. Ở đây cũng có thể có yếu tố tham nhũng quyền lực, lợi dụng vị trí của mình để gây ảnh hưởng" - ông Ánh nêu vấn đề.

Có thể khởi tố

Ông Trần Quốc Tuấn, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Sơn La, cho biết Cơ quan An ninh Điều tra tỉnh Sơn La hiện đang xác minh làm rõ có hay không việc phụ huynh bỏ tiền "mua điểm thi". Nếu phát hiện trường hợp phụ huynh "mua điểm thi" cho các thí sinh thì phụ thuộc vào tính chất sự việc sẽ xử lý, thậm chí có thể bị xử lý hình sự.

Luật sư Giang Hồng Thanh (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng nếu cơ quan điều tra chứng minh được các phụ huynh đã nhờ vả, tác động để người có thẩm quyền sửa điểm thi kèm theo đó là tiền, tài sản, lợi ích vật chất trị giá từ 2 triệu đồng trở lên hoặc lợi ích phi vật chất khác, họ có thể bị xử lý hình sự về tội "Đưa hối lộ" theo điều 364 Bộ Luật Hình sự 2015. Cũng theo luật sư Thanh, các thí sinh được sửa điểm thi sẽ không bị xử phạt hành chính cũng như hình sự. 

Bộ GD-ĐT vẫn đang điều tra

Ngày 12/4, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho biết các cơ quan chức năng vẫn đang điều tra, củng cố hồ sơ để xử lý sai phạm nâng điểm thi ở 2 tỉnh Sơn La và Hòa Bình.

Cũng theo ông Trinh, việc xử lý thí sinh vi phạm quy chế thi năm 2018 được quy định ở điều 49 trong Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT áp dụng cho năm 2018. Như vậy, đến thời điểm này, các thí sinh bị hạ điểm của 2 tỉnh Sơn La và Hòa Bình vẫn có thể được đăng ký dự thi kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Tuy nhiên, nếu kết quả điều tra xác định được thí sinh nào sai phạm thì sẽ bị các cơ quan chức năng xử lý theo quy định.

Y.Anh

chọn
Địa phương được dự báo là 'thủ phủ công nghiệp' mới ở phía nam vừa hút hơn 1,5 tỷ USD vốn ngoại sau một quý
Quý I/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 13 dự án FDI với tổng vốn đầu thu thu hút hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước với tổng đầu tư thu hút gần 25.000 tỷ đồng.