Liên quan đến việc xử lí các thí sinh gian lận điểm thi THPT quốc gia ở một số tỉnh thời gian qua, nhiều ý kiến chuyên gia giáo dục cho rằng nên công khai danh tính của phụ huynh những em này và xử lí thật nghiêm.
TS Hoàng Ngọc Vinh, Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT). Ảnh: Tuổi trẻ.
Trao đổi với chúng tôi, TS Hoàng Ngọc Vinh, Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cho rằng, bây giờ thử hỏi số giáo viên và thí sinh tham dự kì thi THPT của năm 2018 có đồng tình chuyện công bố danh tính các thí sinh và phụ huynh gian lận điểm thi hay không?
"Theo quan điểm cá nhân tôi thấy rằng, nhiều người dân cảm thấy bức xúc về chuyện chưa công bố danh tính các phụ huynh đã 'chạy điểm, mua điểm' cho con để được đỗ đại học. Tôi nghĩ các cơ quan chức năng cần phải công bố tên của những vị này và phải xử lí kỉ luật thật nghiêm. Thậm chí có thể xem xét cách chức nếu người đó có chức quyền, vì đây là một trong các hình thức tham nhũng.
Đối với những thí sinh được nâng điểm, sự thật thì chỉ có một, báo chí cũng đã nêu và trước sau gì dư luận cũng sẽ biết. Cái chính là vẫn có một số ý kiến cho rằng, Bộ GD&ĐT chưa công bố danh tính của phụ huynh 'mua điểm' vì đó là quan chức hoặc người giàu có. Tôi nghĩ việc này phải làm quyết liệt để đảm bảo tính răn đe xã hội chung.
Ai có thể đảm bảo rằng năm 2019 hoàn toàn không xảy ra tiêu cực, gian lận thi cử. Không ở địa phương thì cũng có thể là ở trường đại học. Xử lí làm sao cho thật nghiêm minh thì mới có tác động đến những ai có ý định muốn gian lận cũng phải từ bỏ ý định", ông Vinh nhấn mạnh.
TS Lê Viết Khuyến, Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT)
TS Lê Viết Khuyến, Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho hay, một khi cơ quan chức năng có đầy đủ chứng lí về thí sinh gian lận điểm thi thì phải công khai cho dư luận biết.
"Lâu nay chúng ta vẫn bị lẩn quẩn giữa chuyện 'nhân văn hay không nhân văn' về chuyện công khai danh tính thí sinh gian lận điểm thi. Tôi cho chỉ là ngụy biện mà thôi. Ở góc độ luật pháp đều đã có qui định rõ ràng rồi. Các bậc phụ huynh nào vi phạm pháp luật mà mua điểm cho con mình thì cần phải công khai.
Còn đối với những thí sinh gian lận điểm thi do được nâng điểm mà vẫn được học ở các trường đại học, nhà trường cần phải buộc thôi học các em này. Điều này cần phải làm cho rõ vì sự việc thuộc ở phạm trù pháp luật chứ không còn là ở phạm trù nhân văn hay không nhân văn nữa", TS Khuyến nói.
Thông tin từ Cục Đào tạo (Bộ Công an) cho biết, sau khi nhận được công văn kèm theo danh sách 64 thí sinh được nâng điểm thi THPT quốc gia từ Sở GD&ĐT Hòa Bình, Cục đã gửi danh sách về cho các trường trực thuộc Bộ Công an để rà soát, đối chiếu. Kết quả cho thấy, có 28 thí sinh gian lận điểm thi.
Các trường công an cũng đã làm các thủ tục để trả các em này về địa phương, nơi các em đăng kí sơ tuyển.
Lực lượng chức năng tiến hành khám xét phòng làm việc của lãnh đạo Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT Hòa Bình vì liên quan sai phạm thi THPT quốc gia 2018. Ảnh: Đình Tuệ.
Theo kết luận điều tra của cơ quan Công an đã phát hiện có 64 thí sinh ở Hòa Bình (gồm 63 em của năm 2018 và một em của năm 2017) có sự thay đổi điểm thi. Điểm chấm thẩm định thấp hơn so với công bố trước đó. Có bài được nâng điểm ít nhất từ 0,2 điểm đến cao nhất 9,25 điểm/ một môn thi...
Ngay sau đó, Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng), Cục Đào tạo (Bộ Công an) và các trường đại học, cao đẳng để chủ động liên hệ tới Sở GD&ĐT Hòa Bình để cập nhật kết quả chấm thẩm định của các thí sinh gian lận điểm thi nói trên.
PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lí chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, những thí sinh gian lận thi cử sẽ bị xử lí nghiêm theo đúng quy chế.
Giáo dục 16:50 | 06/06/2019
Giáo dục 07:00 | 06/06/2019
Giáo dục 11:17 | 05/06/2019
Giáo dục 09:56 | 05/06/2019
Giáo dục 06:54 | 31/05/2019
Giáo dục 18:23 | 29/05/2019
Giáo dục 16:51 | 28/05/2019
Giáo dục 07:02 | 27/05/2019