Nhiều băng nhóm giang hồ khu vực giáp ranh bị lực lượng Công an "xoá sổ". Ảnh: CA cung cấp |
Đánh bật sào huyệt các băng nhóm 'xã hội đen' vùng giáp ranh
Đánh giá địa bàn vùng giáp ranh TP HCM – Bình Dương – Đồng Nai là khu vực hết sức phức tạp, lực lượng chức năng 3 tỉnh/thành phố này đã đưa các băng nhóm giang hồ khét tiếng vào “tầm ngắm” và lên kế hoạch triệt phá. Nhiều băng nhóm đã tan rã, sa lưới khi bị công an “cất vó”.
Cụ thể, năm 2015, công an TX. Thuận An, Bình Dương đã xoá sổ băng nhóm giang hồ do Công “điên” (tức Trần Thanh Công, 34 tuổi, quê Khánh Hoà). Theo giới giang hồ, Công “điên” có số má với những phi vụ thanh toán đẫm máu từ việc cho vay nặng lãi, bảo kê trong vùng "tam giác đen" Bình Dương – Đồng Nai và TP HCM.
Công sinh ra và lớn lên ở Khánh Hòa, hơn 15 năm trước rời quê vào Bình Dương lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Tại đây, Công nhập nhóm côn đồ “tép riu” lang thang tại các bến xe, quán nhậu ở vùng giáp ranh đòi bảo kê kiếm tiền tiêu xài qua ngày.
Trần Thanh Công, tự Công “điên” (34 tuổi, quê Khánh Hoà) là đối tượng cầm đầu băng nhóm xã hội đen khét tiếng khu vực 550 và 434 ở Bình Dương. Ảnh: CA cung cấp |
Công nghĩ để sống được trong giới giang hồ cần phải có “số má”. Do vậy, trong những cuộc thanh toán tranh giành địa bàn giữa các băng nhóm, Công luôn tỏ ra liều lĩnh, lì lợm sẵn sàng xuống tay triệt hạ đối thủ hết sức dã man bằng hàng “nóng”. Từ đây biệt danh Công “điên” được giới giang hồ vùng ven phải “nể mặt”.
Có được “số má” sau những lần “huyết chiến”, Công thu nạp được khá nhiều đệ tử tạo thành một mạng lưới chân rết để tạo vây cánh. Khi thế đã đủ, lực đã mạnh, Công nhanh chóng vượt ra ngoài tầm kiểm soát của các “ông trùm” tại địa bàn.
Băng nhóm Công “điên” lấy khu vực 434 (phường Bình Hòa, Thuận An) và 550 (khu vực ngã tư tiếp giáp phường Bình Hòa với phường Dĩ An) làm địa bàn hoạt động. Có lãnh địa, số lượng đàn em hùng hậu, Công lấy số “434.550” lên kế hoạch hoạt động bảo kê theo kiểu xã hội đen.
Các băng nhóm xã hội đen thường sử dụng vũ khí nóng như súng, mã tấu để giải quyết mâu thuẫn với nhau. Ảnh: CA cung cấp. |
Hầu hết các quán ăn, nhà hàng, quán karaoke khu vực này đều nằm trong tầm tay của Công “điên”. Đàn em Công quản lý các tụ điểm ăn chơi lớn nhỏ thu tiền bảo kê hàng tháng. Những ai không chịu đóng “hụi chết” đều bị chúng đập phá, cướp tài sản.
Năm 2001, Công “điên” bị một đàn em tố trong một vụ cố ý gây thương tích và cưỡng đoạt tài sản nên phải “xộ khám” một thời gian. Ra tù, hắn ta càng ngông cuồng, tàn ác hơn xưa.
Năm 2006, Công bị Công an TX Dĩ An bắt về tội cưỡng đoạt tài sản và bị xử phạt sáu tháng tù giam. Hai năm sau, khi ra tù được một thời gian thì Công “điên” tiếp tục sa lưới về hành vi cưỡng đoạt tài sản.
Tháng 11/2014, anh Toàn (ngụ Bình Dương) mở cửa hàng game bắn cá ở khu dân cư 434. Đàn em của Công “điên” buộc anh Toàn phải chi 5 triệu đồng/tháng. Nghe anh Toàn than làm ăn khó khăn thì chúng giảm còn 3 triệu đồng/tháng. Tuy vậy, ba ngày sau Công “điên” kêu đàn em đến yêu cầu anh Toàn chi 10% lợi nhuận mỗi ngày. Nếu không chấp thuận sẽ xử theo “luật rừng”.
Ngày 24/11/2014, nhóm đàn em của Công “điên” hẹn anh Toàn đến quán nhậu, buộc anh đưa 3 triệu đồng nhưng anh này không chấp nhận nên bị chúng đánh hội đồng dã man.
Hơn một năm theo dõi, cảnh sát đã bắt 3 tên đàn em của Công là Hiền “còi”, Thắng và Đăng. Đến tháng 5/2015, Công “điên” bị công an TX Thuận An bắt giữ.
Tại Đồng Nai, công an tỉnh này vừa triệt phá băng trộm cướp do Lê Văn Duẩn (quê Nam Định) cầm đầu. “Cõng” trên mình 5 tiền án, tiền sự, Duẩn kéo về miền Tây lập băng nhóm làm ăn và bị động, anh ta trở lại TP HCM bắt tay với một số đối tượng từng vào tù ra khám lập băng đi ăn trộm. Hàng loạt vụ “đá” xe, đột vòm nhà dân ở khu vực giáp ranh xảy ra và Công an rất vất vả mới bắt được Duẩn.
Trước khi gây án, Duẩn cho người đi dò đường, nghiên cứu kỹ quy luật sinh hoạt của bị hại rồi mới ra tay. Với tên giả Dũng “cao”, Dũng “ốm”, băng của Duẩn trộm, cướp hàng trăm xe máy ở nhiều tỉnh, thành. Đặc biệt, vùng giáp ranh và địa bàn Biên Hòa, băng này gây ra hàng chục vụ trộm, cướp.
Tội phạm vùng ven mọc lên như …nấm sau mưa
Mặc dù hàng loạt băng nhóm tội phạm vùng giáp ranh bị công an triệt phá nhưng khu vực này vẫn còn khá nhiều băng nhóm do các tay anh chị có số má “cầm trịch”.
Tại khu vực ngã tư Bình Thung (P. Tân Đông Hiệp, TX Dĩ An, Bình Dương), B. “xăm”- một tay “đàn anh” trong giới giang hồ tiết lộ: mặc dù Công an thường xuyên truy quét nhưng các băng nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen như bảo kê, đòi nợ thuê, cho vay nặng lãi cũng như các băng trộm cướp, mua bán ma tuý vẫn mọc lên như …nấm sau mưa.
Theo B. “xăm”, tại khu công nghiệp Tân Đông Hiệp đang nổi lên băng bảo kê, đâm thuê chém mướn, cho vay nặng lãi do Hai “ti” cầm đầu. Trong giới giang hồ, Hai “ti” được biết đến là từng ngồi chung mâm với các đại ca giang hồ cộm cán ở khu vực lắm tệ nạn ở vùng “tam giác đen”. như Mười Thu, Minh “đen”, Tuấn “chó”. Trong thời gian các băng nhóm bị Công an bố ráp, truy bắt thì Hai “ti” luôn “án binh bất động”. Gần đây, đối tượng này tập hợp đàn em hoạt động mạnh trong lĩnh vực bảo kê, đâm thuê chém mướn và cho vay nặng lãi. Ngoài ra, Hai “ti” còn trấn giữ mảng bảo kê xe tải, quản lý việc mua hàng thanh lý trong các công ty ở khu vực này.
Vũ khí nóng được các đối tượng giang hồ sử dụng để "nói chuyện" với nhau. Ảnh: CA cung cấp. |
Còn tại khu vực Sóng Thần đến KCX Linh Trung do băng nhóm của Hải “mã tấu” trấn giữ, băng nhóm này hoạt động dưới hình thức bảo kê, cho vay nặng lãi.
Ở huyện Hóc Môn, quận Gò Vấp (TP HCM) giáp quốc lộ 1A đang nổi lên băng nhóm của D. “đen”, C. “híp” hoạt động dưới hình thức chuyên cho vay, đòi nợ. Riêng ở Bến xe Lam Hồng(TX Dĩ An, Bình Dương) do các băng nhóm đến từ tỉnh Nghệ An trông coi…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết về thực hiện kế hoạch phối hợp, tấn công trấn áp tội phạm đảm bảo ANTT sau tết, chuyển hóa tình hình khu vực vùng giáp ranh ba tỉnh TP HCM, Đồng Nai và Bình Dương vừa diễn ra ở tỉnh Bình Dương, thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm, Bộ Công An đề nghị các đơn vị cần tập trung tấn công tội phạm mạnh mẽ, kịp thời giải quyết có hiệu quả những vấn đề phức tạp nổi lên ở từng địa phương. Chú ý nghiên cứu tình hình tội phạm theo từng vùng miền để có biện pháp, kế hoạch hiệu quả nhằm chia cắt tội phạm, tránh dàn trải để có giải pháp chỉ đạo đấu tranh phù hợp. Cụ thể, tập trung chỉ đạo đấu tranh với tội phạm hình sự nguy hiểm, hoạt động có tổ chức, băng nhóm theo kiểu xã hội đen, tội phạm là người nước ngoài, giết người do nguyên nhân xã hội, hiếp dâm, cướp, cướp giật tài sản của người nước ngoài tại vùng giáp ranh; đấu tranh với tội phạm trộm tiệm vàng, két sắt, đột nhập công sở, biệt thự ven đường.