Yêu nghề từ khi còn bé
Hoàng Thị Kim Dung (sinh năm 1996, Bắc Ninh) tốt nghiệp trường cao đẳng Sư phạm Trung ương. Trong suốt quá trình theo học, Dung giành được nhiều thành tích ấn tượng: Giấy khen hoạt động Đoàn và phong trào hội sinh viên nhiệm kỳ 2013 - 2015, năm học 2015 - 2016, khoá học 2014 – 2017, giấy chứng nhận sinh viên 5 tốt, giấy khen có thành tích tốt trong đợt thực tập tốt nghiệp cấp trường năm 2016 – 2017, giấy khen sinh viên tốt nghiệp loại Giỏi khoá học 2014 – 2017, là sinh viên ưu tú được kết nạp Đảng ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường…
Dung tâm sự, cô theo nghề một phần là do định hướng gia đình ngay từ khi học cấp III. Mẹ của Dung cũng là một cô giáo mầm non có thâm niên trong nghề nên những ngày còn bé, sáng sớm Dung theo mẹ đi lớp, chiều được mẹ đèo về, được tiếp xúc với các bạn, được các cô giáo dạy múa hát. Thế nên đó không chỉ đơn thuần là sự định hướng của gia đình mà còn là tình yêu với nghề được nhen nhóm, thắp lửa từ những năm tháng tuổi thơ.
Với Dung, tình yêu với nghề được nhen nhóm, thắp lửa từ những năm tháng tuổi thơ |
"Trở thành sinh viên của trường cao đẳng Sư phạm Trung ương, mình mong muốn được trở thành một giáo viên mầm non. Quá trình học cũng có nhiều khó khăn vì lý thuyết ở trên lớp không phải lúc nào cũng giống với thực tế giảng dạy.
Nhưng thuận lợi cũng rất nhiều. Giảng viên tại trường tiền thân là giáo viên mầm non nên các cô chia sẻ kinh nghiệm từ chính công việc của các cô. Có nhiều trường hợp, mình áp dụng cách cách ứng xử, phong thái của các cô vào và nhận được nhiều lời khen ngợi.
Trường cũng sắp xếp cho sinh viên đi thực tập nhiều. Năm nào mình cũng được cho đi thực tập, kiến tập, lên tiết dạy nên khi ra trường và trở thành giáo viên, mình không quá khó để bắt kịp với tốc độ chạy chương trình, không lúng túng nhiều khi gặp tình huống bất ngờ xảy ra.
Thuận lợi nữa là mình tham gia tình nguyện, học được nhiều bài thơ, bài hát, trò chơi nên mình áp dụng vào các môn hoặc các giờ giao lưu, quản trẻ. Không chỉ các bé thích mà các cô ở lớp cũng thích", Dung hào hứng chia sẻ.
Dung áp dụng cách cách ứng xử, phong thái của các cô vào và nhận được nhiều lời khen ngợi. |
Giáo viên mầm non dễ lấy chồng
Dung tốt nghiệp với tấm bằng loại Giỏi và trở thành giáo viên mầm non như mong muốn. Kỉ niệm ngày đầu tiên đi làm khá oái oăm khi Dung "dính" tiết thi luôn, mặc dù mới làm quen với các bé trong khoảng thời gian rất ngắn ngủi. Tưởng rằng chưa quen với lớp học và các bé thì sẽ bị "lạc nhịp" nhưng rất may là các bé ngoan, hợp tác nên Dung có một tiết dạy khá thành công và không gặp phải khó khăn gì.
Dung thật thà chia sẻ, cô nghĩ rằng giáo viên mầm non dễ… lấy chồng vì giáo viên mầm non vừa đi làm, vừa thu xếp việc nhà gọn gàng, ngăn nắp, lo cuộc sống chu đáo cho gia đình. Các cô giáo mầm non có tính tỉ mỉ, kiên trì, các bà mẹ chồng cũng thích con dâu mình là giáo viên mầm non vì vừa ngoan, vừa giỏi kiến thức lại chăm con tốt.
"Tưởng tượng ra thì toàn viễn cảnh màu hồng, các cháu ngoan, lễ phép, khi cô dạy thì chú ý lắng nghe. Phụ huynh chia sẻ, thấu hiểu, sếp thì tâm lý với giáo viên. Nhưng thực tế thì không phải phụ huynh nào cũng hiểu và thông cảm cho giáo viên, không phải ban giám hiệu nào cũng tâm lý với giáo viên của mình và không phải trẻ nào cũng giống trẻ nào".
Dung thật thà chia sẻ, cô nghĩ rằng giáo viên mầm non dễ… lấy chồng |
Dung kể, mỗi ngày cô đều phải dậy thật sớm để đi làm, nếu cố ngủ thêm 15 phút thì không kịp ăn sáng. Trưa thường không được ngủ vì phải trông trẻ. Các cô ở lớp chia ca ra trông nhưng nhiều khi sổ sách, làm đồ dùng - đồ chơi, chuẩn bị tiết nào hơi công phu là khỏi ngủ trưa.
Buổi chiều thì bao giờ trả hết trẻ mới được về. Nếu trưa làm không xong thì tối về lại phải thức khuya làm nốt cho xong. Vất vả nhất là công việc chuẩn bị đồ dùng - đồ chơi cho phong phú, sáng tạo và đẹp vì trẻ con cứ đẹp thì mới hứng thú.
"Nhiều bé quấy khóc buổi sáng sớm khi bố mẹ đưa đi học, nhưng sợ nhất là các bé lười ăn. Các bé không thích ăn, các cô vất vả dỗ dành để các bé có đủ chất dinh dưỡng, phát triển mặt thể lực hợp chuẩn. Bé nào bị sút cân là các cô phải lưu tâm hơn. Rồi phải ngồi gần để nhắc nhở, cũng có thể gọi là giám sát các bé ăn. Với trẻ béo phì hoặc suy dinh dưỡng, các cô phải rất khéo léo khi đề cập vấn đề đó với phụ huynh.
Kỉ niệm thì nhiều lắm, như lần trường tổ chức hội thi bé khoẻ bé ngoan. Sau khi thi các bé được tặng quà nhưng lúc đó đến giờ ăn cơm, mình bảo là bạn nào ăn nhanh, ăn ngoan cô sẽ cho bóc quà. Có một bé hồn nhiên nói với các bạn trong bàn là: "Cô Dung không có quà cho lớp mình đâu, nhà cô Dung nghèo lắm" làm mình dở khóc dở cười.
Lần khác, có một bà cụ đến đón cháu nhưng trước đó mẹ của bé đã đón rồi. Bà đứng ở tầng 1 nói vọng lên tầng 3 hỏi bé về chưa. Mình mới bảo "bà đợi con vào lớp con hỏi lại, con mới đi làm đồ dùng về". Vào trong lớp hỏi xong đi ra thì bà đã đi về rồi. Bà vừa đi bà vừa lầm bầm "cô giáo mà lại không biết học sinh về chưa, trông thế trông làm gì".
Là giáo viên mầm non không hề dễ dàng, giống như làm dâu trăm họ |
Dung tâm sự, cô thấm thía câu nói "giáo viên mầm non là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý" bởi làm giáo viên mầm non giống như làm dâu trăm họ: Khéo với trẻ, với phụ huynh, với đồng nghiệp và với lãnh đạo.
Cuộc sống của giáo viên mầm non có niềm vui, có nỗi buồn. Buồn khi không được thấu hiểu, buồn khi trẻ buồn, buồn khi trẻ không hợp tác, áp lực từ gia đình trẻ, nơi làm việc. Nhất là áp lực từ dư luận. Ví dụ việc tốt của các cô thì ít khi chia sẻ, nhưng một lỗi sai của cô giáo nào đó thì tất cả dư luận đổ dồn vào giáo dục mầm non.
"Trẻ mầm non không phải như cấp 1, 2, 3 cả về nhận thức, tính cách, hiểu biết. Ở trẻ mầm non, mọi thứ của trẻ đều đến tay cô. Trẻ các cấp kia thì các cô đến lớp chỉ là truyền đạt kiến thức nhưng trẻ mầm non là những trang giấy trắng, bắt đầu từ số 0 nên việc chăm sóc, dạy dỗ các con cũng khó khăn, nặng nề hơn".