Theo Ngân hàng ADB, Myanmar hiện có 4 nhà mạng viễn thông với mật độ phủ là 92% dân số và 65% diện tích lãnh thổ, tỉ lệ thuê bao di động là 101%. (Ảnh: Nikkei.
Cuối cùng, Bkav quyết định đưa sản phẩm công nghệ tâm huyết của mình là Bphone 3 ra mắt thành phố Yangon (Myanmar). Quan khách Myanmar tại sự kiện rất ngạc nhiên về khả năng chống nước IP68 trên Bphone 3 và đặc biệt là tính năng chống trộm Anti-theft có thể giúp tìm lại điện thoại ngay cả khi đã Factory Reset.
Dù được định vị là sản phẩm cấp cao nhưng Bphone 3 vẫn kì vọng đạt doanh số ngay thời gian đầu có mặt tại thị trường mới mẻ này. Ông Lê Quang Hiệp, Tổng Giám đốc Bkav Myanmar, cho biết: “Thị trường gần 54 triệu dân trong những năm gần đây có sự tăng trưởng cao. Đó là lý do muốn chinh phục bằng những mẫu điện thoại cao cấp”.
Trước đó, thương hiệu smartphone Vsmart chính thức thâm nhập thị trường Myanmar khi giới thiệu 4 dòng sản phẩm đầu tay. Sản phẩm Vsmart sẽ được phân phối thông qua gần 1.500 cửa hàng của nhà bán lẻ điện tử tiêu dùng và kinh doanh đa ngành số 1 tại Myanmar. Vsmart đồng thời hợp tác với 2 nhà bán lẻ lớn tại Myanmar là Mytel (của Tập đoàn Viettel) và Shop.com.mm (thuộc Alibaba) để nhanh chóng giành thị phần.
“Chúng tôi tin tưởng với nền tảng phát triển công nghệ, nhân sự và đặc biệt là sự hỗ trợ của các đối tác phân phối, Vsmart sẽ trở thành top những thương hiệu điện thoại thông minh được ưa chuộng tại thị trường Myanmar”, bà Nguyễn Thị Bích Phượng, Phó Tổng Giám đốc Công ty VinSmart, nhận định.
Cả Bphone và Vsmart đều đang kỳ vọng tìm được cơ hội lớn ở thị trường Myanmar - một thị trường còn non trẻ, chưa bị các thương hiệu smartphone lớn cũng như của Trung Quốc chi phối. Chỉ 8 năm trước, điện thoại di động ở Myanmar chỉ là thứ xa xỉ dành riêng cho những người giàu có.
Khi đó, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên là quốc gia duy nhất có số di động ít hơn Myanmar trên toàn thế giới. Tuy vậy, việc thị trường mở cửa với hàng loạt công cuộc cải cách đã giúp người dân nơi đây kết nối được với nhau qua dịch vụ viễn thông cũng như internet. Từ chỗ người dân phải trả 300USD cho 1 SIM điện thoại thì nay chỉ phải trả dưới 1USD.
Theo Ngân hàng ADB, Myanmar hiện có 4 nhà mạng viễn thông với mật độ phủ là 92% dân số và 65% diện tích lãnh thổ, tỉ lệ thuê bao di động là 101%.
Quy mô 54 triệu dân, tốc độ tăng trưởng kinh tế khá nhanh (hơn 6%) là các lý do khiến nhiều doanh nghiệp Việt đầu tư vào Myanmar, đặc biệt trong các lĩnh vực có tiềm năng lớn như viễn thông.
Chính phủ của bà Aung San Suu Kyi thậm chí có nhiều ý định rõ ràng hơn trong tái cơ cấu nền kinh tế, mềm dẻo hơn trong mở cửa với tham vọng thu hút được 200 tỉ USD vốn FDI trong vòng 20 năm tới.
Việt Nam hiện đang là đối tác thương mại đứng thứ 9 của Myanmar, là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 tại Myanmar. Hai bên cũng đề ra phương hướng để sớm đạt kim ngạch thương mại song phương 1 tỉ USD trong thời gian tới.
Đáng chú ý, nhu cầu về phát triển công nghệ là cơ hội cho nhiều doanh nghiệp IT của Việt Nam. Myanmar là thị trường đạt tăng trưởng ấn tượng nhất trong lịch sử đầu tư nước ngoài của Viettel Global.
Tại Mate Sat Market, một khu chợ thuộc vùng Sagain (một trung tâm tôn giáo có diện tích lớn nhất Myanmar), những điểm bán hàng di động của Mytel luôn chật kín khách hàng. Đến tháng 4.2019, Mytel đã vươn lên vị trí top 3 nhà mạng lớn nhất tại Myanmar, chiếm 14% thị phần chỉ trong 8 tháng kinh doanh.
Theo dự kiến, Mytel sẽ có lãi trong năm 2019 và tiếp tục là động lực tăng trưởng lớn nhất của Viettel Global.
Trước đó vài năm, Tập đoàn FPT cũng giành được gói thầu trị giá 11,3 triệu USD cho Bộ Kế hoạch và Tài chính Myanmar. Đến nay, FPT đã triển khai nhiều dự án công nghệ thông tin quan trọng cho Myanmar như hệ thống chuyển mạch tài chính quốc gia Myanmar, cổng thông tin điện tử quốc gia, hệ thống ERP cho UPG - công ty sơn lớn nhất Myanmar…
Câu chuyện của những chiếc smartphone trên đường phố Yangon là một ví dụ điển hình cho những gì diễn ra ở một quốc gia thuần nông, khi điện năng còn là mặt hàng xa xỉ với nhiều người dân và tỉ lệ đói nghèo vẫn còn cao. Sự thay đổi mạnh mẽ bắt đầu diễn ra kể từ năm 2013, khi cựu Tổng thống Myanmar Thein Sein quyết định chấm dứt sự độc quyền nhà nước về dịch vụ điện thoại, nhằm thu hút nhà đầu tư nước ngoài.
Theo đó, Telenor ASA của Na Uy và Ooredoo Q.S.C của Qatar đã chi hàng tỉ USD để xây dựng hệ thống dịch vụ viễn thông với các trạm phát sóng đến tận vùng núi cao hẻo lánh ở Myanmar. Mật độ thâm nhập của viễn thông đã tăng từ 10% lên đến hơn 70%, tốc độ internet tăng vọt và việc sử dụng dữ liệu đã tăng gấp 1.500 lần.
Theo Bloomberg, hiện 60% dân số Myanamar sử dụng Facebook hay những dịch vụ viễn thông khác. Trong khi đó, các ứng dụng như Uber hay Grab Taxi đã được sử dụng tại Yangon. Cuối năm ngoái, FastGo đã chính thức ra mắt dịch vụ tại Myanmar, hợp tác liên doanh với Tập đoàn Asia Sun Group, đánh dấu bước đi của doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên đầu tư ra thị trường nước ngoài ở lĩnh vực gọi xe công nghệ.
Ông Nguyễn Hữu Tuất, Chủ tịch FastGo Group, cho biết dự kiến trong 6 tháng cuối năm 2019, FastGo sẽ phát triển 1 triệu khách hàng tại Myanmar với 20.000 đối tác tài xế, tiếp tục mở rộng hệ sinh thái dịch vụ FastGo, trong đó có mảng thanh toán điện tử và dịch vụ tài chính.
“FastGo được khách hàng và đối tác tài xế tại Myanmar chào đón bởi chính sách không thu phí chiết khấu và giá tốt nhất thị trường”, ông Tuất tiết lộ.
Số liệu của Liên hiệp Quốc (UN) cho thấy hầu hết người dân nơi đây vẫn dùng tiền mặt và chỉ 5% dân số có tài khoản ngân hàng. Nhưng nhiều người đã lạc quan cho rằng, với sự bùng nổ của viễn thông và công nghệ thông tin, những cuộc cách mạng mới về kinh tế tại Myanmar không phải trong 10 năm hay 20 năm nữa, mà chỉ từ 2-5 năm tới.