Ngày mai 27/3, TAND TP HCM tiếp tục phân xử vụ ly hôn của vợ chồng "vua cà phê" Trung Nguyên, giữa nguyên đơn là bà Lê Hoàng Diệp Thảo và bị đơn là ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm nhất là việc phân chia khối tài sản hàng nghìn tỷ đồng của cặp đôi này.
Trên thế giới, các cuộc ly hôn của giới siêu giàu cũng rất khác biệt so với những cặp đôi thông thường khác.
Một trong những điểm khác biệt rõ rệt chính là đến từ bản chất của khối tài sản mà các cặp vợ chồng đó nắm giữ, The Atlantic viết.
Với giới siêu giàu, tài sản của họ sẽ đến từ các loại cổ phiếu. Trong vài chục năm trở lại đây, nhiều người trong số họ đã được hưởng lợi rất nhiều do đã đoạt được về mình lượng cổ phiếu đem lại lợi nhuận cao đến từ các công ty đang trên đà phát triển mạnh.
Cuộc ly hôn của CEO tập đoàn Amazon Jeff Bezos và vợ MacKenzie Bezos là một ví dụ. Hồi tháng 1, cặp đôi này tuyên bố đã quyết định ly dị, kết thúc cuộc hôn nhân kéo dài 25 năm.
Số phận các cổ phiếu Amazon mà cặp đôi giàu nhất hành tinh này nắm giữ sau ly hôn là mối quan tâm của nhiều người. Ảnh: Getty. |
Những cặp vợ chồng ly hôn ở bang Washington nơi vợ chồng nhà Bezos sinh sống sẽ phải tuân theo các quy định pháp luật được thông qua ở khoảng 1/5 số bang của nước Mỹ mang tên “Luật về tài sản chung”, theo đó, mọi tài sản mà cả hai vợ chồng tích lũy được trong suốt cuộc hôn nhân sẽ được tòa án phán quyết chia đều 50-50 cho cả hai bên.
"Trong trường hợp của vợ chồng nhà Bezos, họ đã kết hôn khi ông Bezos rời khỏi Phố Wall để gây dựng Amazon, vậy nên chúng tôi cho rằng tất cả tài sản ở tập đoàn Amazon đều được tính là tài sản chung”- ông Mindel cho biết.
Nếu theo cách này, Jeff và McKenzie, mỗi người sẽ có trong tay khối cổ phiếu trị giá 65 tỷ USD Mỹ. Điều đó sẽ khiến Jeff bị tước mất danh hiệu “người đàn ông giàu nhất thế giới” (trả lại danh hiệu này cho Bill Gates), và sẽ biến MacKenzie trở thành “phụ nữ giàu nhất thế giới”, vượt qua người thừa kế của tập đoàn L’Oréal, bà Françoise Bettencourt Meyers.
Thế nhưng một trường hợp khác là lượng cổ phiếu này vẫn giữ nguyên, và 2 người sẽ có quyền kiểm soát. Điều này sẽ giúp cho các nhà đầu tư cũng như ban lãnh đạo điều hành Amazon cảm thấy dễ thở hơn. Khi đó, hai vợ chồng sẽ không phải là hai cổ đông riêng biệt nữa. Họ có thể ủy thác cho cố vấn thân tín của mình bỏ phiếu quyết định trong trường hợp cả hai không cùng nhất trí về một quyết sách nào đó liên quan tới tập đoàn Amazon.
Một trường hợp khác là trước đó, hai người đã có thỏa thuận riêng về mọi vấn đề liên quan một khi hôn nhân của họ đổ vỡ. Một thỏa thuận như vậy sẽ vượt lên các điều luật quy định trong “Luật về tài sản chung”.
Với nhà Jeff Beros, họ đã không ký thỏa thuận tiền hôn nhân. Và không có thông tin nào về việc họ có ký một thỏa thuận nào khác trong thời kỳ hôn nhân hay không. Nhiều khả năng nếu có đó là thời điểm Amazon chuyển mình từ một công ty khởi nghiệp nhỏ lẻ vươn mình trở thành một người không lồ trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Việc đánh giá giá trị của cổ phiếu có thể được coi là một quá trình phức tạp trong vấn đề phân chia tài sản. Tuy nhiên, việc này còn dễ chán so với việc phải đánh giá giá trị của đủ các loại tài sản kì quặc nhất trên đời.
”Từ những bộ đồ chơi búp bê Barbie còn nguyên hộp, đến những bộ sưu tập đàn guitar hiếm có hay một tài khoản ngân hàng ở quần đảo Cayman. Mọi tài sản chung mà các cặp vợ chồng có được đều phải được định giá" - ông Ken Brewe, một luật sư ở bang Washington, viết trong một bài đăng trên website của công ty ông.
Ở Mỹ, tại các tiểu bang mà “Luật về tài sản chung” không được áp dụng, sẽ có một nguyên tắc mặc định mang tên “phân chia công bằng”, theo đó, các tài sản khi ly hôn sẽ được phân chia theo một loạt các yếu tố đánh giá bao gồm cả vai trò của mỗi cá nhân trong quá trình tích lũy khối tài sản đó.
“Khối tài sản có thể được chia ra thành hai phần 75-25, 60-40 hay là 50-50” - bà Bonnie Frost, một luật sư chuyên về luật hôn nhân và gia đình ở bang New Jersey, người có kinh nghiệm làm việc với rất nhiều khách hàng từ tầng lớp bình dân cho tới những tỷ phú siêu giàu có, cho hay.
"Ở New Jersey, vấn đề ngoại tình sẽ không làm ảnh hưởng đến việc phân chia tài sản, trừ khi có bằng chứng chứng minh được rằng người kia đã sử dụng tài sản chung để dành cho những mối quan hệ ngoài luồng (ấy). Nếu có bằng chứng, kẻ phản bội sẽ phải bồi hoàn 50% số tiền đã bỏ ra cho chuyện ngoại tình cho người kia” - bà nói.
Dưới con mắt của một thẩm phán, sẽ có rất nhiều yếu tố liên quan đến việc một người vợ hoặc chồng đã đóng góp vài trò gì trong việc tích lũy khối tài sản cần phân chia. Điều này có thể dẫn đến những tranh cãi hết sức…buồn cười ngay tại tòa án.
Trong một bài đăng về vụ ly dị của một cặp vợ chồng cực kì giàu có, bà Frost đã đưa ra ví dụ trường hợp hy hữu của một ông chủ tập đoàn dầu mỏ ở Oklahoma. Ông ta đã tự hạ thấp vai trò của bản thân trong quá trình thành công của công ty mình. Vì nếu tòa xác minh được rằng ông ta đã hoàn thành xuất sắc vai trò một nhà lãnh đạọ, thì có lẽ số tài sản mà ông ta đã kiếm được trước khi ly hôn bị đem ra tòa để phân chia sẽ lại tăng thêm.
Bà Frost còn cho hay, trong phần lớn các vụ ly hôn mà bà giải quyết, khi mà cả hai vợ chồng đã tích lũy được một gia tài không nhỏ, dù cho người chồng thường là người kiếm được phần lớn số tiền đó, người vợ vẫn thường được chia cho rất nhiều tài sản khi “dứt ao ra đi”.
Trên thực tế, nhiều người phụ nữ nằm trong danh sách những người giàu nhất ở Mỹ và Anh quốc đều là nhờ việc phân chia tài sản khi ly hôn.
Nhưng đôi khi, những người cực kì giàu có cũng có thể trở nên nghèo đi rất nhiều sau khi ly hôn.
Lấy ví dụ: Một người kết hôn có trong tay quỹ tín thác lớn. Khi mọi thứ ngọt ngào, hai vợ chồng dùng chung quỹ đó. Nhưng khi hôn nhân tan vỡ, người chủ ban đầu của quỹ tín dụng có thể sẽ không cho người kia truy cập và sử dụng quỹ tín này nữa.
"Bạn có thể gặp những người có lối sống theo kiểu cực kì thượng lưu, nhưng tất cả có thể sẽ phải ngỡ ngàng một khi họ ly dị. Họ sẽ bị đặt trong một tình cảnh hoàn toàn khác trước", bà nói.
Bà Frost còn cho biết thêm rằng, theo điều luật mà một số bang áp dụng, tài sản mà một người sở hữu trước khi kết hôn, sau khi kết hôn rồi sẽ được tính luôn vào khối tài sản chung của 2 vợ chồng.
Cả bà Frost và ông Mindel cho rằng khi ly hôn điều quan trọng là phụ thuộc vào tính cách của mỗi người và mức độ tin tưởng lẫn nhau của các cặp vợ chồng.
Nếu vợ chồng không có sự tin tưởng lẫn nhau, ông Mindel nói, thì bạn sẽ thấy ngay trên mặt báo, khi mà các luật sư có cơ hội kiếm hàng trăm nghìn USD, nếu không phải là hàng triệu USD khi tìm cách phân chia khối tài sản của vợ chồng đó, giống như bạn sẽ thấy trong một tập đoàn đang có tranh chấp giữa các cổ đông lớn. Ngược lại, nếu thái độ của vợ chồng hòa thuận và vui vẻ thì chuyện của họ sẽ được giải quyết êm đẹp nhanh thôi.