Gỡ nút thắt về cơ chế để KKT Vân Phong không bỏ lỡ các dự án BĐS tầm cỡ

KKT Vân Phong đã được xác định là vùng động lực phát triển, một trong ba vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Khánh Hòa. Tuy nhiên, đến nay, do không được hưởng các cơ chế ưu đãi về vốn đầu tư hạ tầng nên nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ để xây dựng hạ tầng khu kinh tế cho KKT thời gian qua rất thấp. KKT Vân Phong cũng chưa thu hút được nhiều nhà đầu tiềm năng để đầu tư các dự án quy mô lớn.

Quy hoạch và phát triển thành 5 khu vực trọng tâm

Khu kinh tế (KKT) Vân Phong có diện tích 150.000 ha, trong đó diện tích phần mặt nước khoảng 80.000 ha, phần đất liền, đảo khoảng 70.000 ha thuộc huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa, phía bắc tỉnh Khánh Hòa.

KKT cách TP HCM khoảng 500 km; cách Hà Nội 1.200 km; cách TP Nha Trang (trung tâm tỉnh Khánh Hòa) về phía bắc khoảng 30 km; cách sân bay quốc tế Cam Ranh khoảng 65 km về phía Nam KKT và cách sân bay Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) khoảng 40 km.

Ngày 13/4/2022, Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, quy hoạch KKT có 5 khu vực cụ thể gồm: Các khu vực trung tâm bán đảo Hòn Gốm, gắn với cảng trung chuyển quốc tế, khu dịch vụ và công nghiệp logistic, cảng du lịch,...

Các khu vực trung tâm công nghiệp: KCN Vạn Thắng, KCN tại Dốc Đá Trắng, trung tâm công nghiệp Ninh Thủy, KCN Vạn Lương,... các KCN nhiệt điện và các cơ sở công nghiệp gắn với cảng nước sâu chuyên dùng tại Ninh Phước.

Các khu vực dịch vụ du lịch và đô thị du lịch sinh thái biển gồm: Các khu du lịch tại phía nam bán đảo Hòn Gốm và đảo Hòn Lớn, khu du lịch đảo Điệp Sơn, khu đô thị du lịch tại khu vực Tuần Lễ - Hòn Ngang - Mũi Đá Sơn, khu du lịch tại Đại Lãnh, các khu du lịch tại khu vực Dốc Lết, khu du lịch tại Đông - Nam Ninh Phước,...

Các khu vực đô thị đa chức năng: Khu vực Vĩnh Yên, khu vực Nam Tu Bông đến đèo Cổ Mã, khu vực Đại Lãnh, khu vực thị trấn Vạn Giã và vùng phụ cận, khu vực trung tâm thị xã Ninh Hòa, khu vực Dốc Lết và vùng phụ cận, khu vực Đông Bắc Ninh Hòa và Xóm Quán,...

Các khu vực sinh thái nông - lâm nghiệp và ngập mặn; phía tây đường sắt quốc gia Bắc - Nam cũng như tại khu vực Lạc An; trồng rừng ngập mặn, tôn tạo cảnh quan và nâng giá trị sinh thái của các khu vực ngập mặn ven biển; trồng rừng, tôn tạo cảnh quan trên các khu vực núi thuộc chân dãy núi Hoa Sơn, bán đảo Hòn Gốm, đảo Hòn Lớn, núi Hòn Hèo, núi Ổ Gà,...

Thu hút 150.000 tỷ đồng với nhiều đề xuất đầu tư dự án

Sau hơn 15 năm thành lập, KKT Vân Phong đã thu hút được 155 dự án đầu tư (125 dự án trong nước và 30 dự án có vốn đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đăng ký khoảng 4,1 tỷ USD; trong đó khoảng 100 dự án đã đi vào hoạt động. Tuy nhiên phần lớn là các dự án quy mô vừa và nhỏ. 

Một số dự án công nghiệp có quy mô lớn đang hoạt động có hiệu quả ở khu vực Nam Vân Phong như nhà máy đóng tàu Hyundai - Vinashin, đóng ở xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa.

KKT Vân Phong còn có tổng kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong, do Công ty TNHH liên doanh kho ngoại quan xăng dầu Vân Phong khai thác, với năng lực thông quan 6 triệu tấn/năm.

 Tổng kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong. (Ảnh: Zing).

Một số nhà máy vừa và nhỏ cũng đã được xây dựng đi vào sản xuất nhiều năm nay ở khu KKT Vân Phong.  

Trước đó, vào năm 2016, Khánh Hòa đầu tư gần 1.000 tỷ đồng 14,3 km đường từ QL1 đi Đầm Môn - tỉnh lộ 651. Dự án đang trong giai đoạn hoàn thành những gói thầu cuối cùng và dự kiến tạo quỹ đất rộng hàng nghìn ha với hai mặt giáp biển. 

Ngoài các dự án đã đi vào hoạt động, KKT Vân Phong có nhiều dự án đang triển khai như dự án nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1, do Tập đoàn Sumitomo Corporation (Nhật Bản) làm chủ đầu tư với tổng vốn 2,58 tỷ USD. Hiện, dự án đã hoàn thành hơn 63% tiến độ, dự kiến sẽ đi vào vận hành thương mại trong năm 2023.

Một số dự án du lịch nghỉ dưỡng trong khu KKT Vân Phong có vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng đã được cấp phép, đang trong giai đoạn san lấp mặt bằng, xây dựng. Ngoài ra, nhiều tập đoàn cũng đang xin chủ trương đầu tư nhiều dự án "khủng" với tổng số vốn hàng chục tỷ USD.

KKT đang có ba tập đoàn lớn nghiên cứu hình thành các dự án lớn là CTCP Phát triển Khu Công nghiệp Viglacera Yên Mỹ - Hưng Yên xin đầu tư KCN Dốc Đá Trắng có diện tích khoảng 240 ha ở xã Vạn Hưng và 60 ha ở xã Ninh Thọ (thị xã Ninh Hòa).

Tập đoàn Sungroup và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPG) đã đề xuất ý tưởng quy hoạch và đầu tư tại khu vực xã Vạn Thọ và Vạn Thạnh để hình thành khu thương mại tự do Hòn Gốm.

Ngoài ba "ông lớn" này, trong năm 2021 hàng loạt doanh nghiệp đã tìm đến KKT Vân Phong loạt dự án lớn thuộc lĩnh vực cảng biển, logistics, đặc biệt là du lịch nghỉ dưỡng.

Đáng kể có CTCP Tập đoàn Sovico, Liên danh CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Novaland và CTCP Đầu tư Đất Tâm, CTCP Tập đoàn T&T, CTCP Tập đoàn Hòa Phát, CTCP Tập đoàn Flamingo, Công ty Millennium Energy (Mỹ), Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản), Tập đoàn FPT, Công ty Phương Đông...

Ngoài ra, theo định hướng quy hoạch, KKT Vân Phong sẽ có cảng tổng hợp Nam Vân Phong (trọng tải 70.000 DWT) liền kề khu công nghiệp Ninh Thủy, bến cảng tổng hợp Bắc Vân Phong (trọng tải 50.000 DWT) tại Đầm Môn, cảng Hòn Khói (trọng tải 3.000 DWT) và các cảng chuyên dùng khác. Bến cảng Bắc Vân Phong cũng là khu vực được đề xuất thực hiện khu dịch vụ và công nghiệp hậu cảng, khu đô thị và trung tâm thương mại - tài chính và khu phi thuế quan...

Dự kiến giai đoạn 2021 - 2025, KKT Vân Phong sẽ thu hút vốn đầu tư khoảng 150.000 tỷ đồng từ các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước, vốn giải ngân tối thiểu đạt 75.000 tỷ đồng; đồng thời đóng góp thu ngân sách KKT Vân Phong chiếm từ 30-40%; giá trị công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 40% của tỉnh.  

Cần có cơ chế phát triển phù hợp

Thời gian gần đây, Quốc hội và các bộ ngành đã có nhiều phiên họp liên quan đến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa; trong đó có việc phát triển KKT Vân Phong.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong những năm qua, KKT Vân Phong đã được xác định là vùng động lực phát triển, là một trong ba vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Khánh Hòa.

Tuy nhiên, đến nay, KKT Vân Phong không thuộc nhóm các khu kinh tế ven biển được ưu tiên đầu tư, không được hưởng các cơ chế ưu đãi về vốn đầu tư hạ tầng nên nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ để xây dựng hạ tầng khu kinh tế cho KKT thời gian qua rất thấp. KKT Vân Phong cũng chưa thu hút được nhiều nhà đầu tiềm năng để đầu tư các dự án quy mô lớn.

 Một số khu vực trong KKT Vân Phong vắng bóng các nhà đầu tư, còn nhiều dư địa để phát triển. (Ảnh: Dân trí).

Đến ngày 10/6, Quốc hội thảo luận và đa số các ĐBQH nhất trí có cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.

Về phát triển KKT Vân Phong, có ý kiến đề nghị làm rõ khu vực nhà đầu tư nước ngoài cần được đầu tư; quy định thêm các nguyên tắc, tiêu chí về ngành nghề, vốn để được hưởng ưu đãi; quy định chặt chẽ về nguyên tắc xác định nghĩa vụ của nhà đầu tư chiến lược, chế tài xử lý khi nhà đầu tư chiến lược không thực hiện cam kết. Nhưng có một số ý kiến đề nghị cần có cơ chế hấp dẫn hơn để thu hút đầu tư, đồng thời quy định trách nhiệm về bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng, an ninh. 

Đơn cử, đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) đề nghị bổ sung ưu tiên thu hút các dự án xây dựng khu công viên công nghệ cao, các trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ về biển và đại dương, chăm sóc sức khỏe hiện đại; đề nghị bổ sung hạng mục xây dựng các khu công viên giải trí chuyên đề về biển và đại dương để phát huy tối đa lợi thế biển và hệ sinh thái biển đặc biệt độc đáo nhằm phát triển du lịch.

Trước đó, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề nghị không nên ưu đãi đầu tư vào các lĩnh vực không thiết yếu ở khu kinh tế (KKT) Vân Phong như sân golf, khu đô thị, khu du lịch, trung tâm thương mại,...

Ông nêu quan điểm, nếu có chính sách ưu đãi cho đầu tư vào sân golf không khéo nhà đầu tư được hưởng ưu đãi về thuế rồi lại đem bán đất để thu lời. Trong khi nhà nước thu tiền không được bao nhiêu. 

Ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế, cũng cho rằng ngay cả khi không có chính sách ưu đãi gì, việc đầu tư khu đô thị, trung tâm thương mại cũng đã thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia. 

Một số ý kiến của cơ quan thẩm tra đề nghị chưa quy định chính sách đầu tư xây dựng trung tâm thương mại, khu đô thị, khu du lịch, sân golf trong KKT Vân Phong vì đây không thuộc lĩnh vực ưu tiên.

Một vấn đề khác, theo Dự thảo Nghị quyết đề xuất, nhà đầu tư chiến lược không được chuyển nhượng dự án trong 3-5 năm từ khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư.

Ông Phạm Văn Hoà cho rằng thời hạn như vậy là quá ngắn, dễ dẫn tới hệ luỵ nhà đầu tư không đầu tư thực mà chỉ có ý định "chiếm đất, bán sang tay". Vì vậy thời hạn cấm chuyển nhượng dự án cần dài hơn và có chế tài xử lý nếu nhà đầu tư vi phạm.

Ý kiến trong cơ quan thẩm tra cũng lưu ý, thời hạn không được chuyển nhượng dự án như dự thảo là ”ngắn”, dễ dẫn tới lợi dụng chính sách để đầu tư ”núp bóng”.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ có thông báo về kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa tháng 3 vừa qua.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Khánh Hòa tập trung vào cơ chế, chính sách tạo cơ hội phát triển đột phá để “KKT Vân Phong trở thành động lực phát triển của tỉnh và khu vực Nam Trung Bộ". 

Thủ tướng cũng lưu ý, đối với KKT Vân Phong, cần xác định rõ các cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư chiến lược có tiềm lực mạnh về kinh tế, có năng lực, kinh nghiệm đầu tư đề triển khai ngay định hướng của Bộ Chính trị.

Ngày 13/4/2022, Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. 

Mục tiêu của quy hoạch nhằm xây dựng KKT Vân Phong trở thành trung tâm kinh tế năng động phát triển ngành nghề mới, trình độ cao, trở thành vùng động lực phát triển, đô thị thông minh, bền vững, bản sắc và kết nối quốc tế; là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khoẻ chất lượng cao.

KKT Vân Phong là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực có vai trò đầu tàu thu hút đầu tư và là động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và cho cả nước. Trong đó kinh tế biển là nền tảng có cảng trung chuyển container quốc tế và dịch vụ logistics, đô thị, dịch vụ, du lịch, công nghiệp giữ vai trò quan trọng, kết hợp phát triển các ngành kinh tế khác.

chọn
Những ông lớn địa ốc hiện diện tại 'Đất Tổ' Phú Thọ
Vài năm trở lại đây, Phú Thọ liên tục đón các doanh nghiệp lớn ngành bất động sản như GP Invest, T&T hay BV Land... Hiện nay, Ecopark và Tasco cũng đang hướng đến dự án bất động sản đầu tiên tại địa phương này.