Khánh Hòa: Tránh tình trạng đầu tư 'núp bóng' tại KKT Vân Phong

Một số ý kiến của Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho thấy, thời hạn giải ngân và chuyển nhượng dự án tại KKT Vân Phong theo dự thảo hiện nay là tương đối ngắn, có thể dẫn đến tình trạng đầu tư "núp bóng".

 Một góc KKT Vân Phong. (Ảnh tư liệu: Khải An).

Ngày 19/5, Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) đã có báo cáo thẩm tra về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, trong đó có hoạt động phát triển Khu kinh tế Vân Phong.

Đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS nhất trí với chủ trương thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào KKT Vân Phong, song cần có quy định chặt chẽ,cam kết tuân thủ nghiêm các điều kiện về quốc phòng, an ninh bởi KKT Vân Phong cũng như tỉnh Khánh Hòa có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh.

Có ý kiến đề nghị chưa quy định chính sách ưu đãi đầu tư cho xây dựng trung tâm thương mại, khu đô thị, khu du lịch, sân golf trong KKT Vân Phong vì đây không thuộc lĩnh vực ưu tiên đầu tư.

Về cam kết, nghĩa vụ của nhà đầu tư, Ủy ban TCNS cho rằng, các quy định trên cần gắn với chế tài cụ thể để có căn cứ xử lý trách nhiệm trong việc không thực hiện cam kết, tránh dẫn đến sơ hở, lợi dụng chính sách để hưởng ưu đãi, khó khả thi khi thực hiện.

Về nghĩa vụ ứng trước vốn, đa số ý kiến nhất trí với việc Nhà đầu tư ứng trước kinh phí cho Nhà nước để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất.

Về thời hạn giải ngân và chuyển nhượng dự án, đa số ý kiến nhất trí việc thực hiện giải ngân không quá 3 - 5 năm đối với các dự án Kể từ khi cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, trong thời gian này nhà đầu tư chiến lược không được chuyển nhượng dự án.

Song có ý kiến cho rằng, các quy định này sẽ không mang tính hiệu lực nếu không có chế tài cụ thể; thời hạn không được chuyển nhượng dự án như trên là tương đối ngắn, dễ dẫn đến lợi dụng chính sách để đầu tư “núp bóng”, chưa bảo đảm yêu cầu gắn bó lợi ích lâu dài theo đúng tính chất nhà đầu tư chiến lược; đặc biệt, cần tính đến yếu tố bảo đảm an ninh kinh tế, nhạy cảm quốc phòng.

Vì vậy, đề nghị quy định các biện pháp xử lý trong trường hợp không thực hiện nghĩa vụ; để bảo đảm tính chặt chẽ, đề nghị quy định thời hạn dài hơn.

Cùng với đó, cần quy định rõ việc nếu nhà đầu tư chiến lược không triển khai thực hiện theo các quy định thì sẽ phải thu hồi dự án và chịu các chế tài khác.

Về ưu đãi trừ 150% chi phí nghiên cứu và phát triển thực tế; hưởng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan và thủ tục về thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu cho nhà đầu tư chiến lược, Ủy ban TCNS tán thành với quy định này nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược. Đồng thời nghiên cứu bổ sung thêm một số cơ chế cho phép thực hiện khấu hao nhanh hơn quy định hiện hành.

Về việc xử lý khi nhà đầu tư không thực hiện đúng cam kết, Ủy ban TCNS cho rằng, quy định như dự thảo Nghị quyết chưa mang tính ràng buộc. Cần quy định rõ nội hàm “chịu trách nhiệm về các hậu quả phát sinh do không thực hiện đúng cam kết của mình”; trường hợp nhà đầu tư không thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai và các quy định pháp luật khác có liên quan thì sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

chọn
Địa phương được dự báo là 'thủ phủ công nghiệp' mới ở phía nam vừa hút hơn 1,5 tỷ USD vốn ngoại sau một quý
Quý I/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 13 dự án FDI với tổng vốn đầu thu thu hút hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước với tổng đầu tư thu hút gần 25.000 tỷ đồng.