Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong (KKT Vân Phong), tỉnh Khánh Hòa đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
Cụ thể, phạm vi điều chỉnh quy hoạch KKT Vân Phong có diện tích 150.000 ha. Trong đó diện tích phần mặt nước khoảng 80.000 ha, phần đất liền và đảo khoảng 70.000 ha thuộc huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa.
Mục tiêu của việc lập quy hoạch nhằm xây dựng Khu kinh tế Vân Phong trở thành trung tâm kinh tế năng động phát triển ngành nghề mới, trình độ cao, trở thành vùng động lực phát triển, đô thị thông minh, bền vững, bản sắc và kết nối quốc tế.
Đây sẽ là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao.
Ngoài ra, việc lập quy hoạch còn nhằm mục tiêu làm cơ sở triển khai các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng, lập các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn khu kinh tế.
Tính chất quy hoạch xác định đây là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực có vai trò đầu tàu thu hút đầu tư và là động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và cho cả nước. Trong đó, kinh tế biển là nền tảng có cảng trung chuyển container quốc tế và dịch vụ logistic, đô thị, dịch vụ, du lịch, công nghiệp giữ vai trò quan trọng, kết hợp phát triển các ngành kinh tế khác.
Khu kinh tế Vân Phong cũng là khu trung tâm dịch vụ du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp cao cấp có những sản phẩm dịch vụ, du lịch độc đáo, khác biệt, hiện đại với chất lượng cao, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh quốc tế.
Theo quyết định được phê duyệt, dân số hiện trạng khoảng 240.600 người đến năm 2030 đạt khoảng 350.000 - 380.000 người và đến năm 2040 đạt khoảng 500.000 - 550.000 người.
Về nhu cầu sử dụng đất, dự kiến đất xây dựng đến năm 2030 khoảng 14.000 - 15.000 ha và đến năm 2040 khoảng 20.000 - 22.000 ha.
Về định hướng không gian phát triển sẽ bao gồm các khu vực phát triển như, khu vực trung tâm bán đảo Hòn Gốm gắn với cảng trung chuyển quốc tế, khu dịch vụ và công nghiệp logistic, cảng du lịch,...
Các khu vực trung tâm công nghiệp gồm khu công nghiệp Vạn Thắng, khu công nghiệp tại Dốc Đá Trắng, trung tâm công nghiệp Ninh Thủy; khu công nghiệp Vạn Lương… các khu công nghiệp nhiệt điện và các cơ sở công nghiệp gắn với cảng nước sâu chuyên dùng tại Ninh Phước.
Bên cạnh đó, các khu vực dịch vụ du lịch và đô thị du lịch sinh thái biển bao gồm: Các khu du lịch tại phía Nam bán đảo Hòn Gốm và đảo Hòn Lớn, khu du lịch đảo Điệp Sơn, khu đô thị du lịch tại khu vực Tuần Lễ - Hòn Ngang - Mũi Đá Son, khu du lịch tại Đại Lãnh, các khu du lịch tại khu vực Dốc Lết, khu du lịch tại Đông - Nam Ninh Phước...
Đối với các khu vực đô thị đa chức năng gồm: khu vực Vĩnh Yên, khu vực Nam Tu Bông đến đèo Cổ Mã, khu vực Đại Lãnh, khu vực thị trấn Vạn Giã và vùng phụ cận, khu vực trung tâm thị xã Ninh Hòa, khu vực Dốc Lết và vùng phụ cận, khu vực Đông Bắc Ninh Hòa và Xóm Quán...
Cùng với đó là các khu vực sinh thái nông - lâm nghiệp và ngập mặn dự kiến nằm ở phía Tây đường sắt quốc gia Bắc - Nam cũng như tại khu vực Lạc An; trồng rừng ngập mặn, tôn tạo cảnh quan và nâng cao giá trị sinh thái của các khu vực ngập mặn ven biển; trồng rừng, tôn tạo cảnh quan trên các khu vực núi thuộc chân dãy núi Hoa Sơn, bán đảo Hòn Gốm, đảo Hòn Lớn, núi Hòn Hèo, núi Ô Gà...
KKT Vân Phong được thành lập vào tháng 4/2006 với tổng diện tích khoảng 150.000 ha.
Khánh Hòa đặt mục tiêu xây dựng Vân Phong thành KKT ven biển đa ngành, đa lĩnh vực, phát triển thành khu vực kinh tế trọng điểm, động lực của tỉnh và khu vực Nam Trung Bộ.
Thời gian tới, Khánh Hòa sẽ tập trung xây dựng đồ án điều chỉnh quy hoạch chung KKT Vân Phong giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến 2050; xây dựng đề án cơ chế, chính sách đặc thù KKT Vân Phong.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp như Sun Group, IPPG, Sovico, Nova Land, T&T, Hòa Phát, Flamingo, Sumitomo (Nhật Bản), Quantum (Hoa Kỳ),... đã đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Vân Phong.