Chiều 24/5, Quốc hội thảo luận ở tổ dự thảo nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.
Theo Dân trí, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề nghị không nên ưu đãi đầu tư vào các lĩnh vực không thiết yếu ở khu kinh tế (KKT) Vân Phong như sân golf, khu đô thị, khu du lịch, trung tâm thương mại,...
Ông nêu quan điểm, nếu có chính sách ưu đãi cho đầu tư vào sân golf không khéo nhà đầu tư được hưởng ưu đãi về thuế rồi lại đem bán đất để thu lời. Trong khi nhà nước thu tiền không được bao nhiêu.
Theo ông, là nhà đầu tư chiến lược nhưng nếu dự án không trong diện Chính phủ ưu đãi đầu tư thì không được hưởng ưu đãi, dù thí điểm cơ chế đặc thù cho Khánh Hoà.
Ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế, cũng cho rằng ngay cả khi không có chính sách ưu đãi gì, việc đầu tư khu đô thị, trung tâm thương mại cũng đã thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia.
Ông đề nghị Chính phủ giải thích rõ hơn để tăng tính thuyết phục về đề xuất này, bởi nguồn lực đầu tư có hạn, nên chắt chiu để tăng thu hút vào lĩnh vực, ngành nghề đúng, trúng.
Về vấn đề này, khi thẩm tra dự thảo nghị quyết của Chính phủ, một số thành viên Uỷ ban Tài chính ngân sách cũng bày tỏ băn khoăn.
Một số ý kiến của cơ quan thẩm tra đề nghị chưa quy định chính sách đầu tư xây dựng trung tâm thương mại, khu đô thị, khu du lịch, sân golf trong KKT Vân Phong vì đây không thuộc lĩnh vực ưu tiên.
Một vấn đề khác, theo Dự thảo Nghị quyết đề xuất, nhà đầu tư chiến lược không được chuyển nhượng dự án trong 3-5 năm từ khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư.
Ông Phạm Văn Hoà cho rằng thời hạn như vậy là quá ngắn, dễ dẫn tới hệ luỵ nhà đầu tư không đầu tư thực mà chỉ có ý định "chiếm đất, bán sang tay". Vì vậy thời hạn cấm chuyển nhượng dự án cần dài hơn và có chế tài xử lý nếu nhà đầu tư vi phạm.
Ý kiến trong cơ quan thẩm tra cũng lưu ý, thời hạn không được chuyển nhượng dự án như dự thảo là ”ngắn”, dễ dẫn tới lợi dụng chính sách để đầu tư ”núp bóng”.
”Thời hạn này chưa bảo đảm yêu cầu gắn bó lợi ích lâu dài theo đúng tính chất nhà đầu tư chiến lược; đặc biệt, cần tính đến yếu tố bảo đảm an ninh kinh tế, nhạy cảm quốc phòng”, bà Vũ Thị Như Mai Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách nêu trước Quốc hội.
Bà Mai thông tin, có ý kiến trong ủy ban đề nghị quy định rõ việc nếu nhà đầu tư chiến lược không triển khai thực hiện theo các quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai và các quy định pháp luật khác thì sẽ phải thu hồi dự án và chịu các chế tài khác theo quy định.
Tham gia thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình cao với đề xuất của Chính phủ. Các cơ quan "làm ngày, làm đêm" để có những đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, dự thảo nghị quyết đã thiết kế các "van", "khoá" rất chặt chẽ. Ví dụ, cơ chế chính sách về chuẩn bị thu hồi đất, lập đề án như thế nào, ai có thẩm quyền, kết quả đo vẽ phải được sử dụng làm căn cứ pháp lý để sau này tiến hành bồi thường giải phóng mặt bằng…
"Trong quá trình cho ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng khuyến cáo phải làm công tác truyền thông cho tốt, tránh tình trạng bắt đầu động vào kiểm đếm, đo đạc đất đai thì giá đất lại tăng, sốt", Chủ tịch Quốc hội nói.
Hay việc quy định "rất chặt chẽ" về quyết định phê chuẩn dự án, tức là có dự án "mẹ" rồi thì mới được tách dự án độc lập để làm trước.
"Không phải dự án nào cũng được tách. Việc tách dự án nào thì HĐND phải làm chặt chẽ để tránh những mặt trái của nó, vì chính sách bao giờ cũng có hai mặt", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Từ những đề xuất cơ chế đặc thù cho Khánh Hòa, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, điều này rất đáng suy nghĩ. Bởi nếu 10 tỉnh xin cơ chế chính sách như vậy thì trở thành phổ biến, không còn là đặc thù nữa rồi.
Điều này chứng tỏ có những chính sách đặc thù đã trở thành cấp bách từ thực tiễn đặt ra, cần giải quyết. Đơn cử như cơ chế tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án; phân cấp về quản lý đất đai, diện tích đất rừng, diện tích đất lúa, phân cấp liên quan đến khu công nghiệp là những cơ chế chung.
Dự thảo nghị quyết của Chính phủ thiết kế 10 cơ chế, chính sách. Bên cạnh 6 cơ chế, chính sách đặc thù đã áp dụng cho một số tỉnh, thành thì có 4 cơ chế, chính sách mới là: Thực hiện chuẩn bị thu hồi đất tại KKT Vân Phong và huyện Cam Lâm; tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; phát triển KKT Vân Phong; phát triển kinh tế biển tại Khánh Hòa.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ có thông báo về kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa tháng 3 vừa qua.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Khánh Hòa tập trung vào cơ chế, chính sách tạo cơ hội phát triển đột phá để “KKT Vân Phong trở thành động lực phát triển của tỉnh và khu vực Nam Trung Bộ; Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế, góp phần đưa Khánh Hoà sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; thực hiện tốt chủ trương kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển, đảo".
Thủ tướng cũng lưu ý, đối với KKT Vân Phong, cần xác định rõ các cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư chiến lược có tiềm lực mạnh về kinh tế, có năng lực, kinh nghiệm đầu tư đề triển khai ngay định hướng của Bộ Chính trị.