Tại cuộc họp triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng, góp phần hạn chế tín dụng đen mới đây, PhóThống đốc NHNN Đào Minh Tú đã chỉ ra một số khó khăn trong quá trình phối hợp giữa ngành ngân hàng và các tổ chức chính trị - xã hội.
NHNN khuyến khích các tổ chức tín dụng cùng vào cuộc để đẩy lùi tín dụng đen. (Ảnh: VnExpress).
Theo Phó Thống đốc, việc ủy thác cho vay thông qua các tổ vay vốn do các tổ chức chính trị - xã hội quản lí mới được thực hiện chủ yếu tại Ngân hàng Chính sách xã hội và Agribank. Do đó, NHNN cho rằng, cần có thêm sự tham gia của các tổ chức tín dụng khác để ngăn chặn tình trạng tín dụng đen đang nở rộ.
Ông Đào Minh Tú cũng chỉ ra thực trạng, tại một số địa phương người dân chưa biết hoặc chưa hiểu rõ, hiểu đúng về các chủ trương, chính sách của về tín dụng ưu đãi.
"Để tạo điều kiện giúp các thành viên vay vốn sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn, cần có cơ chế lồng ghép, phối hợp giữa hoạt động tín dụng ngân hàng với các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ kĩ thuật...", ông Đào Minh Tú phân tích.
Từ thực tế nêu trên, NHNN cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD giúp người dân tiếp cận các chương trình tín dụng của ngành ngân hàng; Agribank, Ngân hàng Chính sách xã hội.
Đồng thời, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng (ngoài Agribank, Ngân hàng Chính sách xã hội) cần tăng cường phối hợp ủy thác cho vay thông qua các tổ vay vốn, tổ tiết kiệm và vay vốn do các tổ chức chính trị - xã hội quản lí nhằm hạn chế tín dụng đen.
Đặc biệt, Phó Thống đốc cũng đề nghị các Tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục phối hợp với NHNN giám sát việc thực hiện các qui định pháp luật về hoạt động tín dụng cũng như các chương trình, chính sách tín dụng của ngành Ngân hàng để người dân ở các địa phương khó khăn được tiếp cận các dịch vụ tài chính một cách toàn diện.
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của NHNN cùng với mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho người dân, Agribank đã tiếp tục triển khai gói 5.000 tỉ đồng trong cơ cấu tín dụng để đáp ứng nhu cầu vốn đột xuất của người dân tại khu vực nông nghiệp, nông thôn, kể cả vùng sâu, vùng xa, khu vực kinh tế khó khăn,....
Theo Agribank, hạn mức mỗi món vay không quá 30 triệu đồng, phục vụ các mục đích tiêu dùng hợp pháp, cấp thiết của khách hàng cá nhân, hộ gia đình như: chi phí học tập, khám chữa bệnh, mua đồ dùng,... với lãi suất hợp lí với thời gian xét duyệt và giải ngân ngay trong ngày.
Với hạn mức vay vốn được Agribank cung cấp sẵn, khách hàng trên địa bàn nông thôn có nhu cầu có thể rút tiền nhanh chóng. Các trường hợp có nhu cầu vay vốn trên 30 triệu đồng, ngân hàng sẽ áp dụng triển khai với các gói tín dụng phù hợp.