Dưới đây là một số mẹo hay để bạn có thể thoải mái nấu ăn trong những ngày nắng nóng:
Những loại bếp gas hay bếp than truyền thống đều có thể làm tăng thêm độ nóng cho căn bếp của bạn, đặc biệt là những căn bếp nhỏ và không có hệ thống thông gió. Do đó, giải pháp cho tình trạng này là thay thế bằng các loại bếp cảm ứng như bếp điện từ hay bếp hồng ngoại. Hai loại bếp này có khả năng truyền nhiệt trực tiếp vào dụng cụ nấu ăn mà không tỏa nhiệt ra ngoài không khí, giúp cải thiện nhiệt độ đáng kể cho gian bếp của gia đình bạn.
Sử dụng các thiết bị như lò vi sóng, nồi áp suất, nồi cơm điện và vỉ nướng điện cũng là một trong những cách làm mát nhà bếp mà bạn có thể thử áp dụng. Theo đó, thay vì sử dụng bếp như trước, bạn có thể chuyển sang sử dụng các thiết bị này để giảm nhiệt, đồng thời tiết kiệm thời gian vào bếp một cách triệt để.
Đặc biệt, trong những ngày nắng nóng này, lời khuyên là bạn nên tránh sử dụng lò nướng khi không cần thiết. Bởi lẽ, thiết bị này tỏa ra nhiều lượng nhiệt dư thừa và khó mất đi trong thời gian ngắn. Do vậy, trong trường hợp phải sử dụng lò nướng, bạn cần sắp xếp chuẩn bị thức ăn vào buổi sáng khi trời chưa quá nóng và sau đó dùng lò vi sóng để hâm nóng lại.
Quạt là thiết bị có thể giúp lưu thông và điều hòa không khí trong bếp một cách tốt nhất. Nếu gian bếp của bạn đã có sẵn một chiếc quạt trần thì hãy đặt thêm một chiếc quạt bàn nữa để tăng thêm độ mát cho khu vực xung quanh. Ngoài ra, một mẹo hay để “dập tắt” cái nóng nhanh chóng là cho một chai nước đầy vào ngăn đá, sau khi nước đông lại thì bạn gắn chai nước phía trước lồng quạt. “Chiếc máy lạnh” tự chế này sẽ giúp khu bếp của bạn mát mẻ hơn theo cách vô cùng tiết kiệm.
Những căn bếp sử dụng cửa sổ kính thường hấp thu rất nhiều nhiệt từ bên ngoài. Chính vì vậy, bạn nên thiết kế một tấm rèm ngay cửa sổ để ngăn chặn lượng nhiệt từ mặt trời, giúp căn bếp của bạn trở nên mát mẻ hơn. Đồng thời, có thêm một chiếc rèm sẽ tăng thêm độ thẩm mỹ và tính sang trọng cho căn bếp.
Một điều quan trọng mà bạn cần biết là ánh sáng từ bóng đèn cũng có thể làm nóng không gian khá nhiều, đặc biệt là bóng đèn sợi đốt. Thế nên, khi căn bếp vẫn còn đủ nguồn sáng và không quá tối, bạn có thể không bật đèn hoặc chọn phương án chỉ bật một vài bóng ở vị trí cần thiết. Ngoài ra, nếu điều kiện cho phép, bạn nên thay tất cả các bóng đèn trong bếp sang đèn LED, một loại đèn giúp tiết kiệm điện năng và hạn chế nhiệt năng tỏa ra làm nóng căn bếp.
Trên đây là một số mẹo hữu ích để giúp bạn hạ nhiệt nhà bếp trong những ngày nắng nóng. Ngoài những cách nêu trên, bạn cũng có thể tạo thêm luồng khí mát bằng cách đặt một vài chậu cây xanh ở các góc khác nhau, giúp điều chỉnh nhiệt độ đồng thời thanh lọc không khí trong bếp. Bên cạnh đó, bạn nên mặc những bộ quần áo mỏng nhẹ, có màu sáng và có khả năng thấm hút mồ hôi để thoải mái hơn trong quá trình nấu nướng.