Mứt dừa vốn được làm từ cơm dừa và đường trắng, rất dễ bị hư, ẩm, mất đi độ giòn nếu không biết bảo quản đúng cách. Dưới đây là một số cách bảo quản mứt dừa được lâu trong dịp Tết Nguyên đán 2022 tới đây mà gia đình bạn có thể tham khảo và áp dụng:
Phơi dừa dưới nhiệt độ cao: Bạn có thể rải mứt đều trên mâm, bóp mứt nhẹ một vài lần rồi cho vào lò sấy ở nhiệt độ 100°C cho mứt dừa khô hẳn. Ngoài ra, bạn cũng có thể phơi khô mứt dưới nắng to từ 1 – 2 tiếng hoặc lâu hơn để mứt săn lại và lên màu đẹp.
Bảo quản mứt trong lọ thủy tinh: Bạn nên bảo quản mứt dừa trong lọ thủy tinh kín khí, khô ráo và cho vào trong đó 1 lớp đường mỏng. Lớp đường sẽ có chức năng hút ẩm cho mứt giúp bảo quản mứt lâu hơn.
Tránh trộn chung các loại mứt dừa: Bạn lưu ý không để trộn lẫn các loại mứt dừa với nhau để giữ được hương vị gốc của món ăn.
Không bỏ mứt dừa vào tủ lạnh: Nhiều người cho rằng muốn bảo quản mứt dừa tốt và lâu nên cho vào ngăn đá của tủ lạnh. Tuy nhiên đây không phải là cách tốt nhất bởi khi đưa mứt ra khỏi tủ, mứt nhanh chóng chảy nước và khi ăn sẽ không còn ngon nữa.
Chọn khay nắp kín để bày mứt dừa: Nên lựa chọn những loại khay có nắp đậy kín. Khi cho mứt ra khay và khi bạn không sử dụng đến mứt nữa nên đậy kín khay đựng mứt lại. Nếu bạn bày ra khay thì nên áng chừng lượng mứt cần sử dụng để cho mứt ra khay, chỉ nên bày ra đủ dùng, hết lại bày ra tiếp, hạn chế tiếp xúc với không khí ẩm bên ngoài.
Đảo lại mứt nếu có dấu hiệu ẩm: Nếu mứt xuất hiện dấu hiệu chảy nước, bạn đừng vội bỏ mứt đi mà hãy cho vào chảo đảo kỹ lại và phơi khô rồi tiếp tục dùng món mứt thơm ngon này.
Ngoài những cách bảo quản mứt dừa được lâu như ở trên, bạn còn nên chú ý một số điểm sau khi tự tay chuẩn bị mứt dừa trong dịp Tết này:
Sơ chế mứt dừa: Khi áp dụng cách bảo quản mứt dừa lâu, bạn cần phải kỹ càng trong khâu sơ chế dừa. Mứt dừa muốn giữ được độ thơm ngon lâu thì bạn cần phải làm sạch dầu dừa. Cách rửa dừa sạch cũng giúp làm sạch những bụi bẩn để không gây hại cho sức khỏe của bạn.
Nhâm mứt dừa với đường: Cách ngâm dừa với đường quyết định khá nhiều đến độ kết tinh của đường cũng như độ ngon và bùi của mứt. Dừa có thể bị hư nếu như bạn cho quá ít hoặc quá nhiều đường. Bạn chỉ nên sử dụng 400 – 500g đường với 1kg cùi dừa không non, cũng không già. Lượng đường ít thì không thể kết tinh làm dừa không khô được, nhiều đường quá thì đường sẽ bị vón cục và làm cứng mứt, trông mất thẩm mỹ.
Sên mứt dừa: Nếu trong quá trình nấu, bạn thấy đường dính vào chảo mà dừa vẫn còn sệt và chưa khô lại thì bạn nên tắt bếp rồi đảo dừa đều tay 2 – 3 phút. Khi dừa nguội thì bạn bật bếp lại rồi làm như vậy khoảng 2 – 3 lần cho đến khi thấy đường tách ra khỏi dừa và dừa khô lại.
Nhuộm màu mứt dừa: Thay vì dùng màu thực phẩm để tạo mứt dừa, bạn có thể dùng những nguyên liệu từ tự nhiên để làm mứt. Bạn có thể chọn màu hồng từ củ dền, màu xanh từ lá dứa, màu vàng từ chanh dây, màu cam từ nước ép cà rốt… Trường hợp bạn sử dụng màu thực phẩm, tốt nhất, bạn không nên để cặn những nguyên liệu tạo màu trộn lẫn với dừa vì sẽ làm dừa bị thay đổi hương vị và trong lúc nấu phần nguyên liệu bị dính vào cũng có thể bị cháy.