Bảo quản thức ăn và thực phẩm ngày Tết chính là vấn đề mà các bà nội trợ đều quan tâm. Dưới đây là cách bảo quản thực phẩm, thức ăn ngày Tết mà bạn có thể áp dụng cho gia đình mình:
Ngày Tết, rất nhiều gia đình lựa chọn các loại thực phẩm khô để cất giữ được lâu hơn. Tuy nhiên, nếu không biết cách bảo quản thực phẩm ngày Tết cho đồ khô thì chúng có thể sẽ bị mốc, ẩm ướt và không tốt cho sức khỏe khi sử dụng. Với các loại thực phẩm khô như măng, nấm, mộc nhĩ, các loại hạt, đỗ…, bạn nên chia riêng từng loại, cho vào trong túi nilon rồi dùng máy hàn miệng túi dán kín mép túi lại thật kín. Hoặc bạn có thể bảo quản thực phẩm khô ở trong hộp đựng thức ăn, để ở nơi khô ráo, thoáng mát. Khi sử dụng, bạn cần tránh để những loại thực phẩm này dính nước để có thể tiếp tục lưu trữ vì nơi ẩm ướt sẽ làm chúng bị mốc hoặc lên men.
Đối với các thực phẩm, đồ ăn sẵn bạn nên cho vào hộp và đậy kín nắp lại để tránh không khí tràn vào làm hỏng chúng. Hoặc bạn cũng có thể cho chúng vào bát, sau đó lấy màng bọc thực phẩm bọc kín lại rồi cho vào trong tủ lạnh để cất giữ. Với cách làm này bạn sẽ hạn chế được tình trạng các loại vi khuẩn xâm nhập vào trong. Như vậy, thức ăn sẽ được bảo quản một cách tốt nhất và vi khuẩn cũng không thể làm hỏng được thực phẩm. Còn nếu bạn mua sẵn những đồ ăn đóng hộp thì hãy để nguyên tình trạng bao bì như ban đầu và cho vào tủ lạnh để thời gian bảo quản được lâu và tình trạng thức ăn ở điều kiện tốt nhất.
Nhà nhà ngày Tết đều có rất nhiều các loại đồ ăn tươi sống khác nhau cần được bảo quản đúng cách để sử dụng được lâu dài. Với các loại hải sản, thịt sống, bạn nên sơ chế sạch sẽ rồi cho vào túi bóng hàn kín miệng hoặc túi zip và đẩy hết hơi ra ngoài rồi cất trữ ở ngăn đông của tủ lạnh. Khi cần sử dụng, bạn cần cho các túi ra ngoài và rã đông bằng lò vi sóng. Cách làm này sẽ đảm bảo an toàn và hợp vệ sinh hơn.
Đối với các rau củ, bạn không nên rửa dưới nước trước khi cho vào tủ lạnh mà hãy cắt bỏ phần rễ, lá hỏng và để cho thật ráo nước. Sau đó, bạn cho rau củ vào túi thấm nước dành riêng cho rau củ hoặc xếp riêng vào ngăn dưới cùng của tủ lạnh. Như vậy, các loại thực phẩm này vẫn hoàn toàn tươi ngon trong thời gian dài. Bạn có thể bọc lại bằng giấy báo hoặc túi nilon để giữ cho thực phẩm không bị mất nước và tươi lâu hơn.
Một số loại rau, củ, quả như bắp cải, cải thảo, cà chua, cà rốt, khoai tây,... sau khi mua về bạn có thể để ở nơi thoáng mát, khô ráo là có thể bảo quản chứ không nhất thiết phải cho vào tủ lạnh. Đối với cách này, bạn không cần phải rửa trước mà chỉ khi nào chế biến mới cần rửa với nước. Lưu ý, bạn nên tránh đặt ở những khu vực ẩm ướt để tránh làm củ, quả lên mầm không tốt cho sức khỏe.
Trong những ngày Tết, gia đình nào cũng sẽ chuẩn bị thật đầy đủ và đa dạng các món ăn để chiêu đãi khách đến thăm nhà. Hiển nhiên, thức ăn cũng sẽ luôn ở tình trạng dư thừa, không thể giải quyết hết trong ngày. Chính vì vậy, cách bảo quản thức ăn ngày Tết cho đồ chín cũng rất quan trọng. Sau khi đồ ăn được nấu chín, bạn cần để cho chúng nguội hẳn rồi mới để vào trong hộp đựng thực phẩm riêng từng loại và bảo quản ở trong tủ lạnh.
Khi thức ăn còn nóng, bạn không nên cho vào tủ lạnh ngay. Bởi lẽ, nhiệt độ lạnh đột ngột có thể khiến cho thức ăn bị biến chất, bị ngưng đọng hơi nước, điều này không tốt cho sức khỏe của bạn khi ăn. Ngoài ra, bạn nên sử dụng những hộp đựng thực phẩm được làm bằng chất liệu an toàn để lưu trữ thức ăn chín và trước khi ăn nên nấu sôi lại để bảo đảm vệ sinh, an toàn cho sức khỏe.