Gợi ý đáp án đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn tỉnh Nghệ An năm 2019

Giáo viên Lê Trần Diệu Thu, Trường THPT Trần Quang Khải (Hà Nội) gợi ý đáp án chi tiết đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn tỉnh Nghệ An. Thí sinh có thể tham khảo dưới đây.

Đáp án chi tiết đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn tỉnh Nghệ An năm 2019

Sáng nay (6/6), các thí sinh tại tỉnh Nghệ An đã bước vào kì thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019 - 2020 với bài thi môn Ngữ văn.

Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn tỉnh Nghệ An năm 2019 gồm hai phần: Phần Đọc - Hiểu (2 điểm) và Làm văn (8 điểm) yêu cầu thí sinh vận dụng kiến thức đã được học để trả lời. Mỗi thí sinh có 120 phút để hoàn thành bài thi của mình.

Dưới đây là đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn tỉnh Nghệ An năm 2019

Gợi ý đáp án đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn tỉnh Nghệ An năm 2019 - Ảnh 1.

Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn tỉnh Nghệ An năm 2019

Dưới đây là gợi ý chi tiết đáp án đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn tỉnh Nghệ An năm 2019 của cô giáo Lê Trần Diệu Thu, thí sinh và phụ huynh tham khảo.

Phần 1:

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính: Biểu cảm

Câu 2: Từ đồng nghĩa với từ hành khất: ăn mày

Câu 3: Biện pháp tu từ: Điệp ngữ/nhân hóa (học sinh chọn 1 trong hai)

Câu 4: Suy nghĩ: 

- Lòng nhân ái, sự sẻ chia, tình thương yêu trong cuộc sống giữa người có vai trò quan trọng, cần nhân rộng hơn nữa trong cuộc sống.

- Trau dồi, bồi đắp cho em tình yêu thương, lòng nhân ái.

Phần 2

Câu 1: Nghị luận xã hội: Niềm tin tạo nên sức mạnh.

Hình thức: 

Đảm bảo cấu trúc 1 bài văn gồm 3 phần: Mở bài, Thân bài, Kết bài.

MỞ BÀI:

Nêu vấn đề nghị luận: Vai trò của niềm tin trong cuộc sống, niềm tin tạo nên sức mạnh.

THÂN BÀI:

Giải thích niềm tin là gì?

Phân tích những biểu hiện của niềm tin, vai trò của niềm tin tạo nên sức mạnh cho mỗi con người.

Lấy ví dụ điển hình minh chứng.

Bình luận đánh giá về giá trị của niềm tin, phản đề về những con người thiếu niềm tin hoặc có niềm tin sai lệch.

Bài học nhận thức và hành động cho tất cả mọi người cho giới trẻ và bản thân mình.

Một vài ý nêu ra trong bài viết học sinh có thể tham khảo:

- Niềm tin là một trạng thái tinh thần tồn tại trong ý thức của mỗi người, thường gắn với những cảm xúc tích cực, với ước mơ, khát vọng về tương lai.

- Trong cuộc sống, chẳng phải lúc nào mọi chuyện cũng diễn ra tốt đẹp, ai rồi cũng có lúc vấp ngã hay thất bại thảm hại.

=> Rơi vào tình huống ấy, nếu mất đi niềm tin, sẽ chẳng còn nguồn sức mạnh nào có thể nâng bạn dậy và bước tiếp con đường đã chọn.

- Vậy nhưng, một thực trạng đáng buồn hiện nay là một bộ phận giới trẻ ngày nay quá dễ dàng gục ngã trước thử thách khó khăn, trở nên tự ti, bi quan. Số khác lại quá tự phụ, dẫn đến những niềm tin sai lệch, hão huyền về bản thân.

- Thế hệ trẻ, trong đó có tôi, cần xa rời những lối sống tiêu cực, nghiêm túc học tập và rèn luyện, phát triển các kĩ năng sống và khám phá được khả năng tiềm ẩn của mình, từ đó có được niềm tin để nâng bước tới thành công.

- Bởi chỉ khi biết được mình là ai, mình có thể làm được những gì, chúng ta mới có thể xây dựng được một niềm tin vững chắc.

KẾT BÀI:

Khẳng định lại giá trị của niềm tin trong cuộc sống để kết thúc vấn đề nghị luận.

Câu 2: Nghị luận văn học

Về hình thức

Bài viết đảm bảo 1 bài văn 3 phần: Mở bài, Thân bài, Kết bài.

Về nội dung:

MỞ BÀI:

Nêu vấn đề nghị luận: Ước nguyện của nhà thớ Thanh Hải trong 2 khổ thơ:

''Ta làm con chim hót... Dù là khi tóc bạc''

THÂN BÀI:

Cần đảm bảo những ý sau:

Nội dung:

- Tác giả đã chuyển mạch thơ một cách tự nhiên sang bày tỏ những suy ngẫm và tâm niệm của mình về lẽ sống, về ý nghĩa giá trị của cuộc đời mỗi con người:

                                                        " Ta làm con chim hót

                                                          Ta làm một cànhhoa

                                                          Ta nhập vào hoà ca

                                                          Một nốt trầm xao xuyến".

+ Để bày tỏ lẽ sống của mình, ngay từ những câu thơ mở đầu đoạn, Thanh Hải đã đem đến cho người đọc cái giai điệu ngọt ngào, êm ái của những thanh bằng liên tiếp "ta"-"hoa"-"ca".

+ Điệp từ "ta" được lặp đi lặp lại thể hiện một ước nguyện chân thành, thiết tha.

+ Động từ "làm"-"nhập" ở vai trò vị ngữ biểu lộ sự hoá thân đến diệu kì - hoá thân để sống đẹp, sống có ích.

+ Nhà thơ đã lựa chọn những hình ảnh đẹp của thiên nhiên,của cuộc sống để bày tỏ ước nguyện: con chim, một cành hoa, một nốt trầm. Còn gì đẹp hơn khi làm một cành hoa đem sắc hương tô điểm cho mùa xuân đất mẹ! Còn gì vui hơn khi được làm con chim nhỏ cất tiếng hót rộn rã làm vui cho đời!

+ Các hình ảnh bông hoa, tiếng chim đã xuất hiện trong cảm xúc của thi nhân về mùa xuân thiên nhiên tươi đẹp, giờ lại được sử dụng để thể hiện lẽ sống của mình. Một ý nghĩa mới đã mở ra, đó là mong muốn được sống có ích, sống làm đẹp cho đời là lẽ thường tình.

+ Cái "tôi" của thi nhân trong phần đầu bài thơ giờ chuyển hoá thành cái "ta". Có cả cái riêng và chung trong cái "ta" ấy. Với cách sử dụng đại từ này, nhà thơ đã khẳng định giữa cá nhân và cộng đồng, giữa cái riêng và cái chung.

+ Hình ảnh "nốt trầm" và lặp lại số từ "một" tác giả cho thấy ước muốn tha thiết, chân thành của mình. Không ồn ào, cao giọng, nhà thơ chỉ muốn làm "một nốt trầm" nhưng phải là "một nốt trầm xao xuyến" để góp vào bản hoà ca chung. Nghĩa là nhà thơ muốn đem phần nhỏ bé của riêng mình để góp vào công cuộc đổi mới và đi lên của đất nước.

=> Đọc đoạn thơ, ta xúc động trước ước nguyện của nhà thơ xứ Huế và cũng là ước nguyện của nhiều người.

- Lẽ sống của Thanh Hải còn được thể hiện trong những vần thơ sâu lắng:

                                                  "Một mùa xuân nhỏ

                                                   Lặng lẽ dâng cho đời

                                                   Dù là tuổi hai mươi

                                                   Dù là khi tóc bạc."

+ Cách sử dụng ngôn từ của nhà thơ Thanh Hải rất chính xác, tinh tế và gợi cảm. Làm cành hoa, làm con chim, làm nốt trầm và làm một mùa xuân nho nhỏ để lặng lẽ dâng hiến cho cuộc đời.

+ "Mùa xuân nho nhỏ" là một ẩn dụ đầy sáng tạo, biểu lộ một cuộc đời đáng yêu, một khát vọng sống cao đẹp. Mỗi người hãy làm một mùa xuân, hãy đem tất cả những gì tốt đẹp, tinh tuý của mình, dẫu có nhỏ bé để góp vào làm đẹp cho mùa xuân đất nước.

+ Cặp từ láy "nho nhỏ", "lặng lẽ" cho thấy một thái độ chân thành, khiêm nhường, lấy tình thương làm chuẩn mực cho lẽ sống đẹp, sống để cống hiến đem tài năng phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân.

=> Không khoe khoang, cao điệu mà chỉ lặng lẽ âm thầm dâng hiến. Ý thơ thể hiện một ước nguyện, một khát vọng, một mục đích sống.

- Thanh Hải – nhà thơ xứ Huế trước khi về với thế giới "người hiền" cũng đã ước nguyện: "Lặng lẽ dâng cho đời/Dù là tuổi hai mươi/Dù là khi tóc bạc". Lời ước nguyện thật thuỷ chung, son sắt. Sử dụng điệp ngữ "dù là" nhắc lại hai lần như tiếng lòng tự dặn mình đinh ninh: Dẫu có ở giai đoạn nào của cuộc đời, tuổi hai mươi tràn đầy sức trẻ, hay khi đã già, bệnh tật thì vẫn phải sống có ích cho đời, sống làm đẹp cho đất nước.

=> Đây là một vấn đề nhân sinh quan nhưng đã được chuyển tải bằng những hình ảnh thơ sáng đẹp, bằng giọng thơ nhẹ nhàng, thủ thỉ, thiết tha. Vì vậy, mà sức lan tỏa của nó thật lớn.

=> Bài thơ được viết vào thời gian cuối đời,trước khi nhà thơ đi vào cõi vĩnh hằng, nhưng trong bài thơ không hề gợi chút băn khoăn về bệnh tật, về những suy nghĩ riêng tư cho bản thân. Chỉ "lặng lẽ" mà cháy bỏng một nỗi khát khao được dâng những gì đẹp đẽ nhất của cuộc đời mình cho đất nước. 

Đây không phải là câu khẩu hiệu của một thanh niên vào đời mà là lời tâm niệm của một con người đã từng trải qua hai cuộc chiến tranh, đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời và sự nghiệp của mình cho cách mạng. Điều đó càng làm tăng thêm giá trị tư tưởng của bài thơ.

Nghệ thuật:

- Thể thơ năm chữ, gần với các làn điệu dân ca.

- Bài thơ giàu nhạc điệu, với âm hưởng nhẹ nhàng, tha thiết.

- Kết hợp những hình ảnh tự nhiên, giản dị, từ thiên nhiên với những hình ảnh giàu ý nghĩa biểu tượng, khái quát.

- Cấu tứ chặt chẽ, sự phát triển tự nhiên của hình ảnh mùa xuân với các phép tu từ đặc sắc

KẾT BÀI:

- Kết thúc vấn đề nghị luận.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.