Ngày 29/05, Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định vừa ra đề thi thử môn Ngữ văn cho học sinh khối 12 trên địa bàn toàn tỉnh.
Theo đánh giá của cô giáo Diệu Thu - giáo viên trường THPT Trần Quang Khải (Hà Nội) thì đây là một đề hay, mang tính phân loại học sinh cao. Với câu Đọc - hiểu, phân loại mức độ đánh giá năng lực: Từ nhận biết đến thông hiểu và vận dụng thấp khá tốt. Đòi hỏi học sinh phải đọc kĩ đoạn văn, ứng dụng kĩ năng làm bài và suy luận nhanh.
Đề thi thử môn Ngữ văn THPT quốc gia Sở GD&ĐT Nam Định |
Đề thi thử THPT quốc gia lần này của Sở GD&ĐT Nam Định mang tính phân loại tốt với câu nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Đây là những câu mang tính sáng tạo và ở mức vận dụng cao. Ở câu nghị luận xã hội, học sinh muốn làm tốt cần có những hiểu biết cơ bản về kiến thức đời sống, xã hội mới có thể viết hay, viết đúng.
Đối với câu nghị luận văn học, yêu cầu cần nắm vững kiến thức cơ bản của khi phân tích nhân vật. Học sinh cần có tư duy liên hệ, đối sánh với những tác phẩm thuộc chủ đề số phận con người mới có thể viết hay, hấp dẫn.
Dưới đây là phần gợi ý đáp án đề thi thử môn Ngữ văn Sở GD&ĐT Nam Định do cô giáo Diệu Thu soạn thảo:
Phần I - Đọc hiểu: (3.0 điểm)
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận (0.5 điểm)
Câu 2. Theo tác giả, cần phải có tư duy độc lập vì:
+ Nếu có tư duy độc lập sẽ biết cách làm chủ suy nghĩ của mình và chia sẻ cởi mở với những suy nghĩ đó. (0,25 điểm)
+ Nếu không có tư duy độc lập thì bản thân dễ bị choáng ngợp bởi những suy nghĩ của người khác; không đưa ra chính kiến và cảm nhận của riêng mình; không giữ được lập trường của mình. (0,25 điểm)
Câu 3. Ý kiến trên có thể được hiểu là: Nếu trong cuộc sống nếu bạn chỉ biết cố làm hài lòng người khác, sống theo ước muốn, chiều theo nguyện vọng, quan tâm đến cảm nhận của người khác mà không cần biết bản thân muốn gì, cần gì thì bạn sẽ đánh mất đi bản thân mình, đánh mất cá tính, nét riêng của chính mình. (1.0 điểm)
Câu 4. (1.0 điểm) Vì con người vốn là một thể thông nhất giữa tinh thần và thể xác. Nếu không sống thật với chính mình, con người sẽ gây ra đau khổ, tai hoạ cho gia đình, cho những người xung quanh và làm cho chính minh bị tổn thương khi suốt ngày phải giấu cảm xúc, phải mang bộ mặt giả tạo thì làm sao có thể sông tốt, làm sao có thể mang đến hạnh phúc cho những người thương yêu xung quanh họ.
+ Khi sống thật với chính mình, ta đã để những suy nghĩ, cách hành xử của bản thân được tự do bộc lộ ra ngoài, không bị chi phối bởi tác động của người xung quanh
+ Sống thật với chính mình, con người sẽ làm chủ cuộc đời, nhận ra mặt mạnh của bản thân để phát huy, mặt yếu để rút kinh nghiệm;
+ Nhờ có sống thật với chính mình, ta sẽ trở nên lạc quan, tự tin vào bản thân. Từ có , ta sẽ có động lực, sức mạnh tinh thần để vượt qua những cám dỗ của tiến tài, địa vị, đồng thời ta sẽ được được người khác tôn trọng.
Lê Trần Diệu Thu - Giáo viên trường THPT Trần Quang Khải (Hà Nội) |
Phần II - Làm văn (7 điểm)
Câu 1. (2 điểm)
Tư duy độc lập là yếu tố quyết định trực tiếp đến sự thành công của mỗi người. Vậy tư duy độc lập là gì? Tầm quan trọng của nó ra sao? Và làm thế nào chúng ta hoàn thiện được tư duy ấy? Theo tôi, độc lập là không lệ thuộc, ỷ lại vào bất kỳ ai. Người có tư duy độc lập là người có thể tự quyết định, tự hành động, tự lựa chọn cho mình một con đường trong tương lai để bước đi. Đây là một đức tính tốt của con người, giúp bản thân ngày càng sống bản lĩnh, tự tin hơn.
Tư duy độc lập được biểu hiện ở những hành động nhỏ nhất, gần gũi và bình dị nhất trong cuộc sống hằng ngày như: không bắt chước hay làm theo những tiêu chuẩn của người khác; tự nhận thức được thế mạnh của mình, không nghi ngờ năng lực của bản thân; không bị ảnh hưởng xung đột hay than phiền từ người khác... Tư duy độc lập sẽ giúp mỗi người không phải chờ đợi hay lệ thuộc vào người khác, tự quyết định suy nghĩ và hành động của mình.
Đối với thế hệ trẻ thì càng cần phải rèn luyện tư duy này mỗi ngày. Bởi nếu không độc lập, không tự đưa ra quyết định cho mình thì mãi mãi sẽ chỉ là một người chạy phía sau, mất phương hướng khi tiến về phía trước. Bác Hồ chính là một tấm gương điển hình về tư duy độc lập. Người một mình buôn ba khắp năm châu, bốn biển để tìm ra con đường cứu nước, giải phóng cho dân tộc, mở ra kỉ nguyên độc lập - tự do cho đất nước ta.
Rõ ràng, đất nước ta rất cần những người có tư duy độc lập, quyết đoán. Trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa, nếu không là chính mình, không có hướng đi thì rất dễ bị hòa tan. Tuy nhiên, hiện nay còn tồn tại không ít người thiếu tư duy độc lập, họ sống ỷ lại, trông chờ, phụ thuộc vào người khác, phó mặc cho cuộc đời muốn đi đâu thì tới. Lối tư duy của những con người ấy thật buồn và đáng xấu hổ.
Nói tóm lại, tất cả chúng ta, đặc biệt là thế hệ trẻ và bản thân tôi nữa cần rèn luyện tư duy độc lập của mình hằng ngày bằng cách tự bước bằng chính đôi chân, suy nghĩ bằng cái đầu và hành động theo những gì mình cho là đúng. Đó mới là cuộc sống thực sự của bạn. Hãy sống tự lập, sống mạnh mẽ bởi cuộc sống là một cuộc hành trình. Có một hành trang vững vàng, bạn hoàn toàn có thể tự tin bước đi trên đôi chân của chính mình!
Câu 2. (5,0 điểm)
Mở bài:
- Giới thiệu tác giả Nguyễn Minh Châu, tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa
- Giới thiệu vấn đề nghị luận: Cuộc sống nghèo khổ bế tắc của người dân vùng biển qua nhân vật người đàn bà hàng chài.
Thân bài:
1. Tổng quan kiến thức tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa - Nguyễn Minh Châu
- Nguyễn Minh Châu (1930- 1989), quê ở làng Thơi, xã Quỳnh Hải (nay là xã Sơn Hải), huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ông “thuộc trong số những nhà văn mở đường tinh anh và tài năng nhất của văn học ta hiện nay".
Sau 1975, khi văn chương chuyển hướng khám phá trở về với đời thường, Nguyễn Minh Châu là một trong số những nhà văn đầu tiên của thời kì đổi mới đã đi sâu khám phá sự thật đời sống ở bình diện đạo đức thế sự. Tâm điểm những khám phá nghệ thuật của ông là con người trong cuộc mưu sinh, trong hành trình nhọc nhằn kiếm tiền hạnh phúc và hoàn thiện nhân cách.
- Truyện in đậm phong cách tự sự - triết lí của Nguyễn Minh Châu, rất tiêu biểu cho hướng tiếp cận đời sống từ góc độ thế sự của nhà văn ở giai đoạn sáng tác thứ hai. Truyện ngắn lúc đầu được in trong tập Bến quê (1985), sau được nhà văn lấy làm tên chung cho một tuyển tập truyện ngắn (in năm 1987).
=> Vẻ đẹp của ngòi bút Nguyễn Minh Châu là vẻ đẹp toát ra từ tình yêu tha thiết đối với con người. Tình yêu ấy bao hàm cả khát vọng tìm kiếm, phát hiện, tôn vinh những vẻ đẹp con người còn tiềm ẩn, những khắc khoải, lo âu trước cái xấu, cái ác.
2. Phân tích nhân vật người đàn bà hàng chài để cho thấy cuộc sống bế tắc, nghèo khổ của người dân vùng biển
- Nguyễn Minh Châu đã khắc họa nhân vật khá sắc nét bằng bút pháp hiện thực theo lối tương phản giữa bên ngoài và bên trong, giữa thân phận và phẩm chất. Xuất hiện trong tình huống đầy nghịch lí dưới khám khá của nhân vật Phùng, nhân vât người đàn bà hàng chài hiện lên với những vẻ đẹp khuất lấp khiến ta xót xa, lo âu và không khỏi trăn trở.
- Xuất hiện trước mắt độc giả, người đàn bà hàng chài hiện lên với ngoại hình xấu xí, thô kệch: thân hình cao lơn, “khuôn mặt mệt mỏi”, “tái ngắt”, “tấm lưng áo bạc phếch, rách rưới”. Cuộc sống của chị là một chuỗi những tháng ngày vừa lao động vất vả, vừa phải chịu đòn roi của chồng: “Ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng”. Độc giả có thể thông cảm với hoàn cảnh bất hạnh nhưng rất dễ bất bình với sự nhẫn nhục, cam chịu của nhân vật khi im lặng chấp nhận trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình.
- Nhưng phía sau ngoại hình xấu xí và sự nhẫn nhục ấy là cả một tấm lòng vị tha, độ lượng, đức hi sinh cao cả và sự cứng cỏi, can đảm hiếm có của người phụ nữ. Chị chấp nhận cuộc sống ấy bởi lẽ chị yêu thương các con, sẵn sàng hi sinh tất cả để bảo vệ tổ ấm gia đình. Đối với chị thì “đàn bà ở thuyền phải sống cho con chứ không thể sống cho mình”.
Và dù bị đánh đập, hành hạ bao nhiêu thì người đàn bà ấy vẫn cảm thông với những khó khăn của chồng, vẫn cứ chắt chiu từng giây phút hạnh phúc trong cuộc sống. Phía sau sự thất học, quê mùa, người đàn bà hang chài vẫn là người phụ nữ sâu sắc và thấu hiểu lẽ đời. Lí lẽ của chị là lí lẽ của con người từng trải bao song gió, khó khăn, không chỉ khiến chánh án Đẩu, nhiếp ảnh gia Phùng mà còn khiến tất cả chúng ta phải ngạc nhiên, cảm phục.
- Vẻ đẹp của người đàn bà hàng chài dưới ngòi bút của Nguyễn Minh Châu là phẩm chất của người mẹ nặng gánh mưu sinh, hiện lên qua các chi tiết đầy kịch tính trong tình trạng bạo lực gia đình. Nhân vật này không khỏi khiến ta băn khoăn, trăn trở về cách nhìn nhận con người cũng như mối quan hệ giữa nghệ thuật và hiện thực cuộc sống.
- Đằng sau sự nhẫn nhục ấy là bản năng sinh tồn mãnh liệt và một tấm lòng yêu thương đáng thương. Người đàn bà hàng chài vừa lam lũ, chất phác, có tình thương con vô bờ bến, vừa luôn mang nỗi đau, vừa có cái thâm trầm trong việc thấu hiểu các lẽ đời. Vì hoàn cảnh không thể khác, buộc người đàn bà phải chấp nhận số phận như vốn dĩ. Thấp thoáng trong người đàn bà ấy là bóng dáng của biết bao nhiêu người dân lao động vùng biển với cuộc sống nghèo khổ, bế tắc.
Nghệ thuật:
- Tình huống truyện độc đáo, “tình huống nhận thức”, có ý nghĩa khám phá, phát hiện về chân lí đời sống, chân lí nghệ thuật.
- Ngôi kể, điểm nhìn nghệ thuật sắc sảo, đa diện.
- Lời văn giản dị mà sâu sắc.
3. Liên hệ với số phận của những người dân phố huyện trong Hai đứa trẻ của Thạch Lam để nhận xét cách nhìn hiện thực của mỗi nhà văn
- Thạch Lam là nhà văn, nổi tiếng về truyện ngắn. Viết xúc động về người nghèo, những em bé nhà nghèo. Văn nhẹ nhàng, tinh tế với tấm lòng xót thương, nhân hậu. Chất thơ man mác trong văn xuôi.
- Truyện ngắn “Hai đứa trẻ” rút trong tập “Nắng trong vườn” (1938). Tác phẩm nói lên lòng xót thương đối với những kỷ niệm và ước mơ bình dị, cảm động của những em bé nơi phố huyện nghèo ngày xưa.
- Truyện “Hai đứa trẻ” vừa hiện thực vừa mang màu sắc lãng mạn. Ở đó hiện lên số phận của những người dân phố huyện nghèo.
- Trước hết đó là hình ảnh những đứa trẻ nghèo. Đó là chị em Liên còn rất ít tuổi đã phải lăn lội với kiếp sống, phải trông nom gian hàng nhỏ…Chị em Liên già đi trong sự lo toàn từng trải. Đó là những đứa con chị Tí suốt ngày cùng mẹ mò cua bắt ốc, đến tối chưa đc nghỉ, cùng mẹ làm nên cái chông hàng đêm. Đó còn là những đứa trẻ con đang lang thang trên bãi chợ, lầm lũi nhặt rác rưởi – nhặt những mẫu sống thừa về tiếp tục nối dài cuộc sống của mình trong những túp lều xơ xác. Chúng cũng siêu vẹo như cái quán chợ gầy.
- Cùng với hình ảnh những đứa trẻ nghèo là những con người lam lũ như chị Tí suốt ngày cong lưng mỏi gối trên những cánh đồng mò cua bắt ốc, đến tối dọn hàng nước mà thu nhập “nào có ăn thua gì”. Đó là gia đình bác Xẩm xuất hiện trên manh chiếu rách của số phận chỉ có cái chậu sắt chìa ra để hứng những “giọt hạnh phúc” rơi vãi nhưng tuyệt nhiên không có, thỉnh thoảng lại bật lên những tiếng đàn bầu ảo não làm run rẩy cả phố huyện.
Đặc biệt là hình ảnh cụ Thi điên ngửa cổ tu hết cút rượu, loạng choạng lần dần vào bóng tối để lại trong không gian tiếng cười khanh khách nghe ghê rợn để lại một ấn tượng về những cuộc đời tàn tạ. Để tăng thêm cái ấn tượng tàn tạ là những đồ vật tàn, một cái quán ọp ẹp, một cái chõng sắp gẫy, một cái bát sứt, một cái chậu sắt rúm ró. Thế giới của hai đứa trẻ là thế giới đang tàn dần, lụi dần trong đói nghèo lam lũ.
4. Nhận xét về cách nhìn hiện thực của mỗi nhà văn
- Cách nhìn hiện thực tạm hiểu là hướng khai thác những gì diễn ra trong cuộc sống của nhà văn. Và được đưa vào tác phẩm tạo nên một ý nghĩa mà chúng ta nhận thức được nhờ các chi tiết, các yếu tố, các hình tượng nghệ thuật chứa trong tác phẩm.
- Qua tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa, Nguyễn Minh Châu đã thể hiện cách nhìn hiện thực của mình bằng việc tái hiện những cảnh đời, những thân phận trớ trêu, gặp nhiều bất hạnh trong cuộc sống đồng thời gửi gắm những chiêm nghiệm sâu sắc của mình về nghệ thuật: nghệ thuật chân chính phải luôn luôn gắn bó với cuộc đời và vì cuộc đời. Ngoài ra, ông cũng thể hiện những băn khoăn trăn trở về vấn đề bạo lực gia đình cùng niềm xót thương trước tình cảnh nghèo khổ, bi kịch của người lao động hàng chài.
– Thạch Lam không chỉ xót thương cho những đứa trẻ thơ phải sống cuộc đời tẻ nhạt nơi phố huyện mà còn trân trọng khát vọng đổi thay cuộc sống của chúng. Trân trọng khát vọng vượt thoát khỏi cái “ao đời bằng phẳng” của người dân nơi phố huyện. Gía trị hiện thực của tác phẩm đã được tác giả khắc họa thông qua số phận của những mảnh đời trong phố huyện. Làm cho người đọc hiểu rõ hơn về số phận cũng như cuộc sống của con người trong thời kỳ này.
5 Kết luận chung
– Tóm lược lại vấn đề:
– Hai tác phẩm chứa đựng những ý nghĩa nội dung và nghệ thuật đặc sắc sẽ có sức sống lâu bền trong lòng người đọc
Cô giáo Lê Trần Diệu Thu, từng đạt Huy chương Bạc cuộc thi Nghiệp vụ Sư phạm toàn quốc mở rộng lần V - 2013, nhiều năm liền đạt danh hiệu Gương mặt trẻ tiêu biểu, Sinh viên 5 tốt cấp Đại học Quốc gia Hà Nội; Tốt nghiệp loại Giỏi chuyên ngành Sư phạm Ngữ văn; Học viên xuất sắc lớp Thạc sĩ - Lý luận và Phương pháp giảng dạy Ngữ văn (Đại học Quốc gia Hà Nội); Hiện đang công tác tại trường THPT Trần Quang Khải, quận Hoàng Mai, Hà Nội. |
Gợi ý giải chi tiết đề thi thử môn Ngữ văn THPT quốc gia Sở GD&ĐT Kiên Giang Ths. Phan Trắc Thúc Định, người nhiều năm giảng dạy và chấm thi THPT quốc gia môn Ngữ văn gợi ý giải đề thi thử ... |
Đề thi thử THPT quốc gia 2018 môn Ngữ văn Sở GD&ĐT TP HCM Sáng ngày 28/5, Sở GD&ĐT TP HCM vừa tổ chức kỳ thi thử THPT quốc gia năm 2018 cho học sinh. Đề thi thử THPT quốc ... |
Thí sinh hào hứng với đề thi Văn lớp 10 Phổ thông Năng khiếu Đề thi môn Văn không chuyên vào lớp 10 Phổ thông Năng khiếu bàn về tình yêu quê hương và sự học của mỗi người ... |
Đề thi thử THPT quốc gia 2018 môn Ngữ văn Sở GD&ĐT Trà Vinh Sáng ngày 24/5, Sở GD&ĐT Trà Vinh tổ chức kỳ thi thử THPT quốc gia năm 2018 cho học sinh toàn tỉnh. Đề thi thử THPT quốc ... |
Giáo dục 01:56 | 23/06/2018
Giáo dục 23:00 | 22/06/2018
Giáo dục 12:00 | 22/06/2018
Giáo dục 23:00 | 20/06/2018
Giáo dục 12:00 | 20/06/2018
Giáo dục 23:00 | 18/06/2018
Giáo dục 23:00 | 15/06/2018
Giáo dục 12:00 | 15/06/2018