Sáng 14/5 học sinh lớp 12 tại Cà Mau bắt đầu tổ chức kì thi thử THPT quốc gia môn Ngữ văn. Dựa trên đề thi thử THPT quốc gia của Sở GD&ĐT Cà Mau, Ths. Phan Trắc Thúc Định gợi ý giải đề thi để thầy cô và các em học sinh có thêm nguồn tư liệu, phục vụ việc dạy và học. Mời bạn đọc tham khảo:
Dưới đây là đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ Văn của Sở GD&ĐT Cà Mau:
Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ Văn của sở GD&ĐT Cà Mau |
GỢI Ý ĐÁP ÁN:
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Câu 1. Xác định hai phép liên kết trong văn bản trên?
Gợi ý đáp án:
+ Phép nối: “vậy nên”, “nhưng”...
+ Phép lặp: “con cái”, “cha mẹ”...
Câu 2. Khi yêu thương mà không biết cách dạy, cha mẹ đã vô tình tặng cho con món quà đáng sợ nhất. Theo anh/chị món quà đó là gì?
Gợi ý đáp án: Đó là sự bất hiếu, con cái không nghe lời cha mẹ, không hiểu cha mẹ, có khi còn manh nha ăn bám, dựa dẫm vào bố mẹ...
Câu 3: Anh/chị có đồng tình với quan niệm yêu mà không biết dạy, chỉ làm con cái thêm hư không? Vì sao?
Gợi ý đáp án:
- HS nêu được quan điểm của bản thân (đồng tình hoặc có bổ sung với quan điểm của tác giả). HS trình bày rõ ràng, nêu ra căn cứ để thuyết phục quan điểm của mình:
- HS có thể lựa chọn đồng tình, và lí giải
+ Yêu mà khôn biết dạy con sẽ là mù quáng, chiều chuộng con quá mức sẽ dẫn đứa trẻ sinh hư, lêu lổng, không nghe lời, ăn bám, dựa dẫm bố mẹ...
+ Yêu con mà không biết cách dạy con đến nơi đến chốn cũng làm cho đứa trẻ phát triển không hoàn thiện, lệch lạc; đứa trẻ không tự lập và cũng dễ bị cám dỗ bởi các tệ nạn xấu...
Câu 4. Anh/chị mong muốn nhận được điều gì từ sự giáo dục của gia đình mình?
Gợi ý đáp án: HS có thể rút ra những thông điệp – bài học giáo dục, những mong muốn nhận được nhiều điều từ sự giáo dục của gia đình mình như:
+ Mong muốn nhận được từ gia đình là tình yêu thương, quan tâm, chia sẻ.
+ Nhưng yêu thương không đồng nghĩa với chiều chuộng, bao bọc quá mức; đứa con còn cần phải được học cách chịu trách nhiệm với những việc mình làm; đồng thời phải học được tất cả các lễ nghĩa phép tắc lịch sự, đạo đức làm người.
+ Không người con nào là hoàn hảo và cha mẹ cũng không nên đặt kì vọng quá mức vào con cái; thậm chí cha mẹ nên đặt mình vào vị trí của con trẻ; dành thì giờ đối thoại tâm sự với con. Con cái rất cần được yêu thương, khuyến khích, hỗ trợ để phát triển.
+ Con cái cần được cha mẹ trao cho trách nhiệm với cuộc sống, suy nghĩ và việc làm khi mình còn bé; trao cho tính tự chủ, tự lập.
+ Thay vì chỉ dùng những lời nói, sự bao bọc; con cái muốn cha mẹ dùng những hành động gương mẫu để giáo dục con cái...
Thầy giáo Ths. Phan Trắc Thúc Định (giáo viên trường THPT Nguyễn Văn Cừ (Hà Nội). |
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1: (2,0 điểm)
Câu hỏi: Từ vấn đề đặt ra ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn khoảng 200 chữ bàn về lời khuyên: “Đừng biến con thành cây tầm gửi, hãy bồi dưỡng con thành cây đại thụ”.
Gợi ý đáp án:
1. Yêu cầu hình thức: HS đảm bảo viết thành 1 đoạn văn – đảm bảo khoảng 200 chữ (tránh viết quá dài hoặc quá ngắn). HS nêu được luận điểm, sử dụng các thao tác và cách lập luận, diễn đạt rõ ràng.
2. Yêu cầu nội dung: HS triển khai vấn đề nghị luận tập trung, hiệu quả:
HS nêu được vấn đề của đề bài – dẫn dắt từ nội dung của phần Đọc hiểu, gợi cho em nhiều suy nghĩ về lời khuyên: “Đừng biến con thành cây tầm gửi, hãy bồi dưỡng con thành cây đại thụ”.
- Triển khai vấn đề:
+ Giải thích được câu nói: “Cây tầm gửi” – sự dựa dẫm khiến đứa con sẽ lớn lên trong yếu ớt, bị phụ thuộc; “Cây đại thụ” – sự tự lập, bản lĩnh khiến đứa con lớn lên mạnh mẽ, trưởng thành.
+ Phân tích, chứng minh tính đúng đắn của vấn đề: HS có thể dựa trên kiến thức của đoạn đọc hiểu và nêu các dẫn chứng cụ thể.
+ HS bình luận, đánh giá, nêu suy nghĩ về lời khuyên: Đây là lời nhắn nhủ chân tình, khoa học và sâu sắc về cách giáo dục con cái. Lời khuyên nhủ trên giúp cho mỗi chúng ta bài học tích cực giáo dục con cái: nên giáo dục con cái bằng tình yêu thương, quan tâm chia sẻ, nhưng không phải là sự chiều chuộng bao bọc quá mức. Cha mẹ nên trao cho cho con cái tính chịu trách nhiệm với cuộc sống, suy nghĩ và việc làm khi mình còn bé; trao cho tính tự chủ, tự lập (Dẫn chứng cụ thể).
- Kết thúc vấn đề: HS tóm lược vấn đề; rút ra bài học liên hệ.
Câu 2: (5,0 điểm) Phân tích vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật Mị trong đêm giải cứu A Phủ (“Vợ chồng A Phủ” – Tô Hoài). Từ đó, liên hệ với tâm trạng đợi tàu của nhân vật Liên (trích “Hai đứa trẻ” - Thạch Lam) để làm nổi bật khát vọng chân chính của con người trong cuộc sống.
Gợi ý đáp án:
1. Yêu cầu hình thức: HS đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận; diễn đạt rõ ràng, hành văn mạch lạc, lập luận chặt chẽ; liên hệ so sánh phù hợp; dùng từ, đặt câu, viết chính tả chuẩn mực, diễn đạt rõ ràng.
2. Xác định yêu cầu của đề: HS tập trung làm rõ 2 vấn đề:
a. Yêu cầu cơ bản: Phân tích vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật Mị trong đêm giải cứu A Phủ (“Vợ chồng A Phủ” – Tô Hoài).
b. Yêu cầu nâng cao: Từ đó, liên hệ với tâm trạng đợi tàu của nhân vật Liên (trích “Hai đứa trẻ” -Thạch Lam) để làm nổi bật khát vọng chân chính của con người trong cuộc sống.
3. Yêu cầu nội dung: HS triển khai vấn đề nghị luận tập trung, hiệu quả.
A. Nêu vấn đề của đề bài
- Giới thiệu đôi nét về nhà văn Tô Hoài và truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”; giới thiệu ngắn gọn về nhân vật Mị với vẻ đẹp tâm hồn; từ đó dẫn dắt tới vấn đề của đề bài: vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật Mị trong đêm giải cứu A Phủ.
- Dẫn dắt, liên hệ với tâm trạng đợi tàu của nhân vật Liên (trích “Hai đứa trẻ” -Thạch Lam), qua đó giúp người đọc hiểu được khát vọng chân chính của con người trong cuộc sống.
B. Triển khai vấn đề
1. Phân tích vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật Mị trong đêm giải cứu A Phủ (Vợ chồng A Phủ).
a. Giới thiệu sơ lược về Mị và A Phủ (dẫn đến hành động cởi trói cho A Phủ của Mị trong đêm mùa đông).
b.Vẻ đẹp tâm hồn của Mị trong đêm cởi trói cho A Phủ.
- Âm ỉ niềm khát khao sống: Những đêm đầu Mị thổi lửa hơ tay, tâm hồn Mị như tê dại trước mọi chuyện, kể cả lúc ra sưởi lửa, bị A Sử đánh ngã xuống bếp, hôm sau Mị vẫn thản nhiên ra sưởi lửa như đêm trước. Mị rất sợ những đêm mùa đông trên núi cao dài và buồn, nên khi trong nhà đã ngủ yên, Mị tìm đến bếp lửa. Đối với Mị, nếu không có bếp lửa ấy, cô sẽ chết héo ở đây.
– Tình yêu thương với người cùng cảnh ngộ: Mị trông sang A Phủ và nhìn thấy một dòng nước mắt của A Phủ khiến cô nhớ lại đêm năm trước A Sử trói Mị, Mị cũng phải đứng trói thế kia. Rồi Mị phảng phất nghĩ gần nghĩ xa, thương mình và thương người kia việc gì phải chết thế? Điều này thể hiện tình yêu thương chân thành mộc mạc của Mị với người đàn ông xa lạ có cảnh ngộ giống mình kia.
– Tình thương người hơn cả thương mình, lớn hơn nỗi sợ chết, đó là sự dũng cảm đấu tranh cho tự do đến cùng: Cô cũng sợ nếu mình cởi trói cho chàng trai ấy, bố con Pá Tra biết được sẽ trói thay Mị vào đấy và cô lại phải chết trên cái cọc ấy… Song có lẽ tình thương ở Mị đã lớn hơn cả sự chết, niềm thương người hơn cả thương cho bản thân mình, khiến cô dũng cảm, liều lĩnh đi đến hành động cởi trói cho A Phủ.
– Từ cứu người đến cứu mình, đó còn là khát vọng sống mãnh liệt, khát vọng tự do hạnh phúc bùng cháy: Khi cởi trói cho A Phủ xong, Mị đứng lặng trong bóng tối. Khát vọng sống tự do, đã khiến Mị chạy theo người mà mình vừa cứu. Mị giải thoát cho A Phủ Phủ và giải thoát cho cả bản thân mình. Hành động táo bạo và bất ngờ ấy là kết quả tất yếu của sức sống tiềm tàng khi người con gái yếu ớt dám chống lại cả cường quyền và thần quyền.
2. Từ đó, liên hệ với tâm trạng đợi tàu của nhân vật Liên (trích “Hai đứa trẻ” -Thạch Lam)
a. Trước hết nên tìm hiểu nguyên nhân khiến 2 chị em Liên đợi tàu. Chị em Liên đợi tàu không phải để bán được hàng mà đợi tàu vì:
- Chuyến tàu gợi nhắc cho Liên những kỉ niệm xa xăm ở Hà Nội khi thầy chưa mất việc, gợi Liên nhớ về Hà Nội rực rỡ và huyên náo.
- Chị em Liên muốn nhìn thấy hoạt động cuối cùng của đêm khuya. Nói sâu xa, nó xuất phát từ cuộc sống tù túng nghèo nàn và tâm hồn phong phú đa cảm của 2 đứa trẻ muốn nhìn thấy một thế giới tươi sáng, náo nức hơn.
- Chờ tàu còn thể hiện một niềm tin, ước mơ vào tương lai để chị em Liên thoát khỏi cuộc sống của thực tại nhàm chán, tù túng.
b. Biểu hiện tâm trạng chờ tàu của Liên:
- Trước khi tàu đến, tâm trạng của cả hai chị em thể hiện rõ sự háo hức, mong đợi: Dù đã đến đêm khuya, 2 chị em vẫn thức để đợi tàu.
- Khi đoàn tàu đến, tâm trạng của chị em Liên là niềm vui xen lẫn chút buồn thương man mác. Đoàn tàu như mang một thế giới khác đi qua, nhưng vì cuộc sống ngày một khó khăn “tàu hôm nay cũng không đông như mọi khi” – ta thấy tâm trạng vui ấy còn xen lẫn nỗi buồn man mác.
- Khi đoàn tàu đi qua, để lại cả phố huyện sau lưng; và tâm trạng của Liên lại chìm trong bóng tối, trong nỗi buồn thương.
3. Nhận xét về khát vọng chân chính của con người trong cuộc sống.
a. Giống nhau: Cả hai tác phẩm, hai nhà văn đều thể hiện tấm lòng xót thương, đồng cảm với những con người nhỏ bé, bất hạnh, phải chịu nhiều thiệt thòi, đau khổ trong xã hội. Qua hai cảnh trên, cả hai nhà văn đều phát hiện và nâng niu, trân trọng vẻ đẹp ở những con người bất hạnh, đáng thương.
Đó là niềm khát vọng chân chính của con người trong cuộc sống. Đó là sức sống tiềm tàng mãnh liệt, ước mơ, khao khát thay đổi cuộc sống, thoát khỏi thực tại buồn chán, tăm tối trói buộc để được sống cuộc sống có ý nghĩa hơn.
b. Khác nhau:
- Với Thạch Lam: Viết “Hai đứa trẻ” ông viết về những người thị dân nghèo, ông quan tâm đến mảnh đời nhỏ bé, thương xót cho những kiếp người vô danh nhất là những em bé nên đoạn văn “chờ tàu” thể hiện cho ao ước, khát vọng về cuộc sống tốt đẹp, cho tương lai tươi sáng hơn.
Nhưng ông là nhà văn lãng mạn - dù có cái nhìn gắn với thực tại đời sống, thì tâm trạng của những nhân vật như Liên mới chỉ dừng lại ở “khát vọng – ước mơ” mà thôi; nó chưa thành hành động cụ thể; nhà văn chưa tìm được lối thoát cho nhân vật. Niềm mong ước đổi thay của các nhân vật còn nhỏ bé, mơ hồ, mong manh.
- Với Tô Hoài: Viết “Vợ chồng A Phủ” là ông viết về đề tài cuộc sống của người lao động trong xã hội cũ nhưng có cách nhìn, cách lí giải mới gắn với đổi thay trong tư tưởng của nhà văn, vì thế, cuộc sống có ý nghĩa là cuộc sống được tự do, được sống trong niềm vui sống của tuổi trẻ.
Không còn là những khát khao, khát vọng thay đổi trong cảm xúc, trong đêm mùa đông, ở Mị đã chuyển hóa thành những hành động cụ thể, nó là bước đột phá trong sự vận động tâm lí nhân vật, tạo chuyển biến cho hành động trốn khỏi nhà Pá Tra và trốn sang Phiềng Sa, được giáo dục cách mạng sau này.
C. Tóm lược, đánh giá vấn đề.
Đáp án đề thi thử môn Toán kì thi THPT quốc gia sở GD&ĐT Bà Rịa Vũng Tàu lần 2 Đề thi thử môn Toán kì thi THPT quốc gia sở GD&ĐT Bà Rịa Vũng Tàu là dịp để thí sinh ôn luyện, lựa chọn ... |
Khoanh vùng nội dung ôn tập và bộ 6 đề giúp thí sinh giành 7 - 9 điểm môn Vật lý THPT quốc gia Những kinh nghiệm ôn luyện và bộ 6 đề thi thử môn Vật lý của Ths. Ngô Văn Lâm - giáo viên Vật lý tại ... |
Gợi ý giải chi tiết đề thi thử THPT quốc gia môn Ngữ văn Sở GD&ĐT Đồng Tháp Ths Phan Trắc Thúc Định gợi ý giải chi tiết đề thi thử THPT quốc gia môn Ngữ văn Sở GD&ĐT Đồng Tháp. |
Giáo dục 23:33 | 31/05/2018
Giáo dục 23:30 | 30/05/2018
Giáo dục 01:50 | 30/05/2018
Giáo dục 23:00 | 28/05/2018
Giáo dục 07:59 | 28/05/2018
Giáo dục 07:46 | 28/05/2018
Giáo dục 23:00 | 26/05/2018
Giáo dục 23:00 | 25/05/2018