Sáng ngày 5/8, Gojek Việt Nam đã tổ chức sự kiện ra mắt ứng dụng mới. Theo tuyên bố của công ty, hiện Gojek Việt Nam thừa hưởng hệ sinh thái lớn của GoViet cũ với 150.000 đối tác tài xế và 80.000 nhà hàng tại Hà Nội và TP HCM. Lần tái cơ cấu này giúp các công ty triển khai các dịch vụ một cách hiệu quả hơn, mở rộng một cách phù hợp hơn với thị trường Việt Nam.
Chia sẻ tại buổi họp báo, hai đồng giám đốc điều hành Tập đoàn Gojek là Kevin Aluwi và Andre Soelistyo phát biểu: "Ngày hôm nay đánh dấu một thời điểm quan trọng trong hành trình của Gojek, và trong cam kết lâu dài của chúng tôi với thị trường Việt Nam. Chúng tôi trân trọng và đánh giá cao đội ngũ người Việt tuyệt vời mà chúng tôi có, với người đứng đầu là ông Phùng Tuấn Đức. Họ sẽ là những người dẫn dắt chương phát triển tiếp theo của Gojek Việt Nam".
Ông Phùng Tuấn Đức, tân giám đốc Gojek Việt Nam, tiết lộ công ty hướng tới việc tạo lập 3 siêu ứng dụng, chứ không phải một. Ngoài siêu ứng dụng cho khách hàng, công ty còn có các siêu ứng dụng cho tài xế và nhà hàng.
Cụ thể, Gojek Việt Nam sẽ hướng tới việc tạo ra một nền tảng ứng dụng để những tài xế không chỉ đơn thuần là người cung cấp dịch vụ, mà còn có thể làm nhiều việc khác để gia tăng hiệu suất.
Hiện tại, ứng dụng Gojek dành cho tài xế ở Indonesia cho phép người dùng thanh toán tại các cửa hàng tiện lợi. Ngoài ra, ứng dụng còn cho phép tài xế nhận thêm nhiều công việc khác, như kiểm tra giấy tờ cho các nhà hàng liên kết với Gojek.
Trong khi đó, siêu ứng dụng cho nhà hàng sẽ giúp nhà hàng tự thay đổi các chương trình khyến mại, tự tắt, bật nhà hàng trên ứng dụng, thậm chí đặt nguyên vật liệu nấu món trên chính ứng dụng.
Trước khi hợp nhất, GoViet gần như là ứng dụng đặt xe lớn duy nhất chưa hỗ trợ thanh toán phi tiền mặt. Vì Gojek nhận đầu tư từ Tencent, Paypal và Facebook, nhiều người kì vọng Gojek Việt Nam sẽ phát triển và hỗ trợ thanh toán qua ví điện tử.
Ông Đức cho rằng Gojek, cũng giống như các hãng gọi xe lớn khác, thường xoay quanh nền tảng của 3 nhóm dịch vụ trong "tam giác vàng": di chuyển, giao vận và thanh toán. Thanh toán cũng chính là mảng thứ ba và còn lại duy nhất trong hệ sinh thái mà Gojek Việt Nam muốn phát triển trong thời gian tới.
Tân giám đốc Gojek Việt Nam khẳng định quyết định hợp nhất thương hiệu không phải vì công ty gặp vấn đề về dòng tiền. Hợp nhất sẽ giúp Gojek Việt Nam "đứng trên vai người khổng lồ Gojek" bằng cách triển khai các dịch vụ tương tự tại Indonesia một cách tốt hơn.
Ngoài ra, ông Đức không nghĩ rằng cạnh tranh giữa các siêu ứng dụng là trò chơi đốt tiền. Công ty cần phải vừa tăng trưởng, vừa phải phát triển bền vững.
"Chi tiền để phát triển thị phần là việc cần thiết và công ty nào cũng phải trải qua giai đoạn tương tự. Nhưng đến một mức độ, qui mô nào đó, chính sách này sẽ không giúp các công ty trụ lại thị trường, nhất là khi nền kinh tế thế giới đang bất ổn và khủng hoảng diễn ra", ông Đức chia sẻ.
Để lấy dẫn chứng cho lập luận ấy, CEO Gojek cho rằng một số công ty công nghệ trên thế giới thời gian vừa qua đã lao đao do phát triển quá nóng và không có chỗ đứng khi không thể "dùng tiền để chiếm thị phần".
"Chúng tôi luôn luôn tâm niệm rằng nếu công ty tạo ra một sản phẩm phục vụ tốt nhu cầu người dùng và tạo ra giá trị để đối tác ủng hộ, trung thành với chúng tôi, chính sách đó luôn bền vững bất chấp hoàn cảnh khó khăn thế nào", ông Đức nói.