Người đầu tiên nhận phóng viên làm "đệ tử" là Long "sún" (43 tuổi). Long "sún" hiện quản lý hơn 40 tay GrabBike dỏm chuyên hoạt động ở khu vực đường Đồng Khởi - Lý Tự Trọng và bên hông Nhạc viện TP HCM trên đường Nguyễn Du, quận 1, TP HCM.
Khi thâu nạp phóng viên, Long "sún" buộc phải thuộc làu quy định: Mỗi tuần phải đóng tiền bãi 100.000 đồng, chi phí hướng dẫn cài đặt ứng dụng là 500.000 đồng. Long "sún" quả quyết: "Về với tụi anh, cam kết với em mỗi ngày thu nhập gần 1 triệu đồng".
Ngày đầu tiên gia nhập, chúng tôi được Long "sún" dẫn đến lãnh địa trên đường Nguyễn Du, bên hông Nhạc viện TP HCM. Khi đến đây, chúng tôi nhận thấy khoảng 10 người mặc quần áo GrabBike. Lúc này, Long "sún" ra lệnh nhận khách theo thứ tự từng người. Theo gã, sẽ có những thủ thuật để có thể ép khách sử dụng GrabBike giả và cả việc "chặt chém" mà khách không hề hay biết. Long "sún" đề nghị chúng tôi mở ứng dụng Grab dành cho khách hàng. Sau đó, gã chọn vị trí đón ở Cầu Xéo (quận Tân Phú), sân golf Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình)… Chọn xong, Long "sún" bấm vào nút ưu tiên.
Sau khi cài đặt xong, Long "sún" bắt đầu màn thực hành cho chúng tôi kiểm chứng. Ví dụ, nếu khách đi từ Nhạc viện TP HCM để về Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh) thì mở ứng dụng lên, giả vờ chọn cái tên Grab 2 bánh đã định vị ở tận quận Tân Phú khiến số tiền chênh lệch lên đến 50.000 đồng - tức là thay vì khách phải trả 30.000 đồng thì giờ là 80.000 đồng.
"Việc của tao là nhận cuốc xe và sau đó tắt app. Đặt hoài không được thì khách sẽ đi bộ đến mình để hỏi thăm. Nhiệm vụ của mày là mở ứng dụng ra, hỏi họ đi đâu và chọn địa điểm tao đã định vị sai. Nếu họ thắc mắc giá vì sao cao thì đổ lỗi cho giờ cao điểm. Sau đó đưa ứng dụng ra, họ tin ngay đây là giá tiền công ty quy định" - Long "sún" chỉ vẽ.
Khi Long dứt lời, cạnh đó, 2 vợ chồng quê Vĩnh Long vừa đi xin visa ở một tổng Lãnh sự quán vội vã bước ra. Cả hai hỏi: "Phải xe Grab không? Cho vợ chồng tôi xuống ngã ba Tân Vạn". Một đàn em của Long "sún" liền mở ứng dụng và nói: "Giá của cô chú, con kiểm tra lịch trình 320.000 đồng". Long "sún" nhanh chóng tiếp lời: "Cô chú đi xe ôm này có km như taxi, giá báo trước nên yên tâm. Cô chú mà đón mấy xe ôm kia, họ cướp giữa đường rồi "chặt chém" giá cao lắm". Thấy có vẻ thuyết phục, cả hai gật đầu đi xuống Tân Vạn thăm người thân nhưng không hề hay biết đã bị "chém" đẹp hơn 150.000 đồng.
Một "ôm trùm" khác mà chúng tôi được tiếp cận là người đàn ông tên Hoàng, 33 tuổi. Người này trước kia chạy xe ôm truyền thống trước Bến xe Miền Đông. Tuy nhiên, trước sự ra đời của xe ôm công nghệ, Hoàng đã mua những bộ đồ GrabBike để hành nghề. Hoàng đã thu nạp 9 đàn em thay nhau túc trực ở cổng số 1 Bến xe Miền Đông từ sáng đến tối. Hễ khách bước ra, gã vẫy tay kêu đi "dịch vụ Grab" và tự mở ứng dụng để nhập địa chỉ nhưng xài chiêu định vị sai vị trí nhằm "chặt chém".
Khi chúng tôi tỏ ý muốn làm "đệ tử" để kiếm chác chút đỉnh chứ xe ôm truyền thống hay Grab chính hiệu thu nhập kém quá, Hoàng dò tới xét lui ít nhất 2 ngày rồi mới phán: "Tới đường Nguyễn Thái Bình, quận 1 mua bộ đồ Grab rồi về đây tao chỉ. Ngày chạy 1 triệu thì nạp lại cho tao 50.000 đồng".
Sau đó, Hoàng đã chỉ các chiêu thức hoạt động như Long "sún" cho chúng tôi. Hoàng khẳng định chắc nịch địa bàn của gã là cổng số 1 Bến xe Miền Đông và chẳng tay xe ôm công nghệ nào dám tới đây đón khách. Vì vậy, chẳng lo chuyện không có người đi dịch vụ Grab "giả".
Long "sún" hướng dẫn "đệ tử" những chiêu "chặt chém" khách khi đi GrabBike "đểu" |
Lãnh đạo Công an quận Bình Thạnh cho biết vào tháng 2-2018, lực lượng công an đã xử lý 3 trường hợp mạo danh Grab gây mất an ninh trật tự. "Từ phản ánh của báo, chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra và ngăn chặn tình trạng mất trật tự ở Bến xe Miền Đông" - Công an quận Bình Thạnh khẳng định.
Trong khi đó, theo đại diện Công an quận 1, khu vực cuối đường Nguyễn Du buổi sáng rất đông người đến Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc để xin visa. Lực lượng công an thường xuyên có mặt ở đây để bảo đảm an ninh trật tự. Vì thế, hiện nhóm Grab giả thường đậu xe ở khu vực cách đó 100 m. Sắp tới, Công an quận 1 sẽ tăng cường kiểm tra và có biện pháp xử lý hình thức mạo danh xe ôm công nghệ lừa khách hàng.
Nói về việc GrabBike "đểu" lộng hành, ông Nguyễn Trung Thành, Giám đốc bộ phận GrabBike - Grab Việt Nam, cho biết công ty đã ghi nhận tình trạng nhiều người lợi dụng đồng phục GrabBike để đón khách. Những người này không những nhập các điểm đến, điểm đi sai mà còn lựa chọn hình thức dịch vụ không đúng để lấy tiền chênh lệch của khách. "Từ tài liệu điều tra của Báo Người Lao Động cung cấp, công ty đã gửi văn bản đến Phòng An ninh Kinh tế Công an TP HCM nhờ xử lý" - ông Thành cho hay.
Đại diện Grab khuyến cáo khách hàng rằng những chuyến xe không thông qua ứng dụng sẽ không được xem là đang sử dụng dịch vụ của công ty. Vì thế, khi xảy ra sự cố, công ty rất khó hỗ trợ cũng như khách không nhận được mức bảo hiểm lên đến 100 triệu đồng/người. Khách hàng nên đặt xe thông qua ứng dụng Grab để có được thông tin chi tiết về tài xế, chứ đừng vì nôn nóng chưa đặt được xe rồi sập bẫy những GrabBike giả hiệu.
Rất khó xử lý hình sựLuật sư Nguyễn Anh Minh, Đoàn Luật sư TP HCM, cho rằng các nhóm xe ôm giả Grab "chặt chém" khách với số tiền nhỏ. Vì thế, xử lý hình sự những đối tượng này rất khó mà chỉ có thể xử phạt hành chính. Tuy nhiên, để ngăn chặn tình trạng này, phải nói đến trách nhiệm của cơ quan quản lý địa phương. Vì vậy, địa phương phải có biện pháp tăng cường kiểm tra, truy đuổi và liên tục xử phạt thì may ra mới chấm dứt. |