GS Hoàng Chương: ‘Giặc ngoại xâm còn đánh thắng huống chi dẹp vỉa hè’

Nói về khả năng thành công của việc giành lại phần đường cho người đi bộ, GS Hoàng Chương – Chủ nhiệm Dự án văn hóa giao thông cho rằng, giặc ngoại xâm chúng ta còn đánh thắng huống chi chuyện dẹp vỉa hè. 

Thời gian gần đây, vấn đề “dẹp loạn” vỉa hè thu hút sự chú ý rất lớn của người dân. Cơ quan chức năng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt nhằm giành lại vỉa hè cho người đi bộ.

Một số lãnh đạo các cấp tại hai thành phố lớn nhất cả nước cũng đã có những phát ngôn, tuyên bố được cho là “mạnh mẽ” chưa từng có liên quan đến vấn đề này.

Tuy nhiên, không ít người vẫn tỏ ra nghi ngờ về khả năng thành công của “cuộc chiến” giành lại vỉa hè bởi đây là vấn đề không mới mà nó đã diễn ra từ hàng chục năm qua.

Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Hoàng Chương Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn & Phát huy văn hoá dân tộc Việt Nam, Chủ nhiệm Dự án văn hóa giao thông.

giao su hoang chuong giac ngoai xam con danh thang huong chi dep via he
GS Hoàng Chương (Ảnh: NVCC)

- Là nhà nghiên cứu văn hóa, trong đó có văn hóa giao thông, ông có nhận xét gì về tình trạng lấn chiếm vỉa hè tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh?

Điều này thì chúng ta đều biết, trước khi cơ quan chức năng ra quân xử lý thì phần lớn các vỉa hè tại Hà Nội và TP HCM đều bị lấn chiếm làm hàng quán, nơi trông giữ xe... Tình trạng này khiến cho vỉa hè trở nên lộn xộn, người đi bộ không có lối đi, phải đi dưới lòng đường rất nguy hiểm.

Thực tế, không phải bây giờ vỉa hè mới bị lấn chiếm, mà tình trạng này đã diễn ra hàng chục năm nay.

Tôi còn nhớ, lần duy nhất mà các vỉa hè tại Hà Nội được dẹp sạch sẽ đó là cách đây đã lâu rồi, thời ông Võ Văn Kiệt làm Thủ tướng. Khi đó, một trong những quyết sách lớn mà cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt thực hiện, đó chính là dẹp tình trạng lấn chiếm vỉa hè.

Khi đó, toàn bộ vỉa hè của các tuyến phố tại Hà Nội đã được dẹp sạch 'bong', không có bất cứ nơi nào bị lấn chiếm.

Đáng tiếc là chỉ vài năm sau, vỉa hè Hà Nội lại bị tái lấn chiếm. Dù chỉ duy trì được, nhưng đây là lần duy nhất vỉa hè tại Hà Nội thông thoáng liên tục trong một thời gian khá dài.

Như vậy, rõ ràng là việc dẹp lấn chiếm vỉa hè vẫn làm được. Vấn đề đáng bàn là dẹp được rồi thì có giữ được hay không? Thực tế, những năm qua chúng ta đã thất bại, hiện tượng lấn chiếm vỉa hè trở lại như cũ, thậm chí còn nặng nề hơn.

Chúng ta đã nhiều lần nói tới văn hóa trật tự vỉa hè và tiến hành dẹp vỉa hè. Tuy nhiên, thường thì chúng ta chỉ phát động, ra quân dẹp vỉa hè được một vài hôm rồi đâu lại vào đó. Tình trạng giằng co như vậy đã diễn ra hàng chục năm nay rồi.

- Theo ông, lý do tại sao tình trạng lấn chiếm vỉa hè lại xảy ra và hàng chục năm qua chúng ta không giải quyết được?

Có rất nhiều lý do, nhưng có thể kể một số lý do cơ bản.

Thứ nhất, cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng của các phương tiện giao thông, đặc biệt là xe máy. Trước đây, chúng ta có thể không tính tới vấn đề này. Nếu tính được thì chúng ta đã thực hiện ngay các giải pháp từ đầu.

Chẳng hạn như đưa vào quy hoạch nhiều địa điểm để xây dựng các bãi đỗ xe trong thành phố thay vì cho phép xây nhiều nhà cao tầng như hiện nay. Ở các nước phát triển trong mỗi thành phố lớn đều có nhiều khu hầm đỗ xe.

Hiện Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang có hàng triệu xe máy, đó là chưa kể tới số lượng ô tô ngày càng tăng.

Trong khi phương tiện nhiều, bãi đỗ xe trong quy hoạch lại rất thiếu mới dẫn đến nhiều điểm giữ xe tạm bợ ở vỉa hè, thậm chí là lòng đường. Văn hóa giao thông cũng vì vậy mà không còn nữa.

giao su hoang chuong giac ngoai xam con danh thang huong chi dep via he
Một đoạn vỉa hè đường Phạm Hùng bị lấn chiếm trước khi Hà Nội đồng loạt ra quân xử lý. Ảnh: Nguyễn An

Thứ hai, việc kinh doanh trên vỉa hè đem lại cho một bộ phận người dân lợi nhuận rất lớn. Vì thế, nhiều người bất chấp quy định của pháp luật.

Họ có thể chấp nhận bị xử phạt để kinh doanh vì thực tế mức xử phạt hành vi lấn chiếm vỉa hè là rất nhỏ so với lợi nhuận mà họ thu được nên việc lấn chiếm vỉa hè ngày càng gia tăng.

Thứ ba là do thói quen mua sắm, ăn uống của người dân. Rất nhiều người có thói quen ngồi ăn, uống cà phê, trà đá, hút thuốc lá trên vỉa hè.

Nhiều người thường mua sắm tại các chợ cóc trên vỉa hè thay vì đi tới các chợ dân sinh, trung tâm thương mại. Thói quen này khiến cho các hàng quán, chợ cóc trên vỉa hè có cơ hội duy trì và nở rộ khắp nơi trên vỉa hè các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh...

Một lý do quan trọng khác khiến cho vỉa hè bị lấn chiếm đó là sự thiếu quyết liệt của cơ quan chức năng trong việc xử lý vi phạm. Thậm chí, còn có tình trạng “lợi ích nhóm”, có cơ quan chức năng đứng sau chống chống lưng cho các trường hợp lấn chiếm vỉa hè. Điều này Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã nói khá rõ.

- Vậy lần này, ông có tin vào khả năng chúng ta sẽ “dẹp yên” được vỉa hè hay không?

Giặc ngoại xâm hùng mạnh chúng ta còn đánh thắng, huống chi là việc dẹp vỉa hè. Đây là một chiến dịch “chống nội xâm” có tính văn hóa. Tôi thấy việc dẹp vỉa hè từng có khó khăn, phức tạp nhưng không có gì khó lắm. Nếu cơ quan chức năng làm nghiêm, làm quyết liệt thì, chỉ trong một hoặc vài tháng là vỉa hè sẽ thông thoáng trở lại.

Sau khi vỉa hè thông thoáng, người dân phối hợp với chính quyền giám sát, cơ quan có thẩm quyền thường xuyên kiểm tra, xử lý ngay các trường hợp lấn chiếm thì chắc chắn không ai dám tái phạm. Tức là phải làm sao cho con người sống ở vỉa hè biết tự nguyện giữ cho vỉa hè thông thoáng.

Như tôi đã nói, một trong những lý do khiến chúng ta không dẹp được vỉa hè trong nhiều năm qua là tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, chỉ “phát nhưng không động”; bên cạnh đó là có sự bao che của một số cơ quan chức năng và sự thiếu trách nhiệm của người quản lý đường phố.

giao su hoang chuong giac ngoai xam con danh thang huong chi dep via he
Theo Giáo sư Hoàng Chương, cơ quan chức năng phải xử phạt thật nghiêm các trường hợp vi phạm thì mới giữ vỉa hè được thông thoáng lâu dài. Ảnh: Nguyễn An

Lần này, việc dẹp vỉa hè đang có sự vào cuộc đồng bộ của nhiều cơ quan, từ chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an, tới các tỉnh thành, quận huyện, xã phường. Chúng ta tin lời nói như tuyên thệ của các vị lãnh đạo ở quận 1, TP Hồ Chí Minh và sự chỉ đạo sát sao, kiên quyết của Bí thư thành ủy Đinh La Thăng.

Tại Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã thẳng thắn công bố rằng, có tới 87% quán bia vỉa hè trên địa bàn có công an đứng sau, nhiều bãi đỗ xe tại Hà Nội cũng có tình trạng này.

Có thể nói, Chủ tịch Hà Nội đã vạch trần một “ẩn số” mà trước đây chúng ta không dám nêu ra. Điều này cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của lãnh đạo Hà Nội trong việc dẹp vỉa hè.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng đã tuyên bố rằng, nếu nơi nào không dẹp được vỉa hè, hay để vỉa hè bị tái lấn chiếm thì lãnh đạo nơi đó sẽ bị điều chuyển công tác, thậm chí là cách chức.

Nếu làm được điều này thì người đứng đầu địa phương nào cũng phải sợ và thực hiện nghiêm. Và rõ ràng chiến dịch lấn chiếm vỉa hè ở hai thành phố lớn đã bước đầu thành công.

Trong phiên họp thường kỳ Chính phủ diễn ra hồi đầu tháng 3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có chỉ đạo các tỉnh thành không được dẹp vỉa hè kiểu “đầu voi đuôi chuột”. Điều đó có nghĩa là, việc dẹp vỉa hè lần này phải đi với việc kiểm tra, giám sát, không thể để tình trạng ra quân ồ ạt rồi thời gian sau đâu lại vào đó.

Tôi có niềm tin vào Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông là người nói được và làm được. Thủ tướng đã yêu cầu thì tỉnh, thành nào không thực hiện được sẽ phải chịu trách nhiệm. Vì vậy, tôi tin chiến dịch dẹp vỉa hè ở các thành phố lớn sẽ thành công.

- Theo ông, cơ quan chức năng cần phải làm gì để vỉa hè không bị tái lấn chiếm sau khi được dẹp yên?

Như tôi đã nói, dẹp vỉa hè không khó lắm khi cả hệ thống chính trị vào cuộc và sự đồng thuận của nhân dân. Các cơ quan có thẩm quyền phải làm thường xuyên và quyết liệt, tránh tình trạng làm “nửa vời”, đánh trống bỏ dùi như trước đây.

Bất cứ trường hợp nào lấn chiếm vỉa hè thì phải xử phạt thật nghiêm khắc theo quy định. Ở đâu không dẹp được thì phải quy trách nhiệm và xử lý đối với người đứng đầu cơ quan quản lý đó.

Về lâu dài, song song với dẹp vỉa hè phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác, chẳng hạn bố trí thêm bãi đỗ xe; khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân; tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức văn hóa, trong đó có văn hóa giao thông...

Hiện nay, nhiều người buôn bán trên vỉa hè để làm giàu, nhưng có không ít người nghèo khó thực sự. Có người bán hàng rong cả ngày cũng chỉ đủ tiền nuôi sống bản thân và con cái họ mà thôi.

Chính quyền cũng cần quan tâm tạo cho họ một “địa chỉ” để làm ăn chân chính, có thể sống được mà không ảnh hưởng đến môi trường văn hóa thành phố.

Tôi xin nhắc lại, giặc ngoại xâm chúng ta còn đánh thắng huống chi dẹp vỉa hè.

“Cuộc chiến” nào, chiến dịch gì cũng tổn thương không ít thì nhiều. Nhưng vì hạnh phúc của nhân dân, vì sự tồn vong của nền văn hóa dân tộc mà chúng ta phải hành động để cho mỗi thành phố của chúng ta, trước hết là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh trở nên trật tự văn minh như những thành phố ở các nước phát triển.

- Xin cảm ơn Giáo sư!

chọn
Cận cảnh khu đô thị hơn 3.113 tỷ đang mời đầu tư ở Đông Hội và Mai Lâm, Đông Anh
Hà Nội đang mời đầu tư dự án Xây dựng Khu đô thị mới G13 tại các xã Đông Hội và Mai Lâm, huyện Đông Anh với tổng chi phí thực hiện 3.113 tỷ đồng.