Xin đừng để bác sỹ chùn tay trước người bệnh vì bất cứ thứ gì | |
Kỹ thuật mổ tim mới của Việt Nam được thế giới đánh giá cao |
Xây dựng nền y học trên nguyên tắc "Khoa học, dân tộc và đại chúng"
- Thưa Giáo sư, ông có thể chia sẻ những nhận định, đánh giá về quá trình phát triển của ngành Y tế Việt Nam cũng như nhiều mặt trái còn tồn tại của ngành y nước ta, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay?
Theo suốt tiền trình lịch sử phát triển của đất nước, ngành Y của chúng ta đã phát triển một cách vượt bậc và đóng góp vào công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe, Bác nói giản dị nhưng rất dễ hiểu: "Kháng chiến kiến quốc, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công."
Chính nhờ tư tưởng của Chủ tịch HCM mà các thế hệ tiếp nối đã đưa ra những phương châm hành động thể hiện đầy đủ tư tưởng của Bác. Y tế phải đi theo đường lối quần chúng, do dân và vì nhân dân. Coi trọng vấn đề phòng bệnh kết hợp điều trị một cách toàn diện, coi trọng y học dự phòng. Phải kết hợp giữa đông y và tây y để xây dựng một nền y học của ta theo phương châm "Khoa học, dân tộc và đại chúng", như trong bức thư của Bác gửi cho cán bộ ngành Y tế ngày 27/2/1955.
Ai là người đưa ra định nghĩa về sức khỏe đầu tiên trên thế giới? Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải một bác sĩ y khoa nhưng lại rất am hiểu về sức khỏe. Chúng tôi đã tìm hiểu và khẳng định rằng Bác Hồ là người đưa ra khái niệm về sức khỏe đầu tiên trên thế giới. Bằng chứng là ngày 27/3/1946, khi chào mừng Nha Thanh niên và Thể thao Trung ương ra đời, Bác đã viết một bài trên báo Cứu quốc, trong đó có một câu rất triết lí: Khí huyết lưu thông, tinh thần thoải mái thế là sức khỏe. 32 năm sau, vào năm 1978, WHO mới đưa ra định nghĩa chính thức về sức khỏe: Sức khỏe là trạng thái thoải mái cả về thể chất lẫn tinh thần. |
Trong 30 năm đổi mới đất nước, ngành Y tế có rất nhiều thành tựu và thành tích chứ không phải chỉ có khuyết điểm. Đến nay, 70% số xã có bác sĩ, 100% số xã có trạm y tế. Chúng ta có nhân viên y tế từng thôn bản.
Nhiều dịch bệnh đã được ngăn chặn và đẩy lùi thành công. Ngày nay chúng ta không còn thấy bệnh đậu mùa, hoặc họa hoằn mới có ca bại liệt. Rồi những dịch khác như dịch tả, sốt rét chúng ta khống chế rất tốt. Như dịch SARS 2003 chúng ta là nước đầu tiên trên thế giới đã khống chế thành công. Đây là một thành quả lớn của Đảng và Nhà nước trong công tác chăm sóc sức khỏe.
Ngày nay có một hệ thống các bệnh viện từ Trung ương cho tới tuyến huyện và đội ngũ bác sĩ có kiến thức chuyên môn tốt. Chúng ta cũng thực hiện những kĩ thuật mới để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe và cứu sống nhiều người bệnh.
Tuy vậy, có một điều là chúng ta đem cơ chế thị trường vào quản lý các lĩnh vực ở Việt Nam và ngành Y tế cũng hoạt động theo cơ chế thị trường. Trong quá trình ấy chúng ta chưa nhận dạng một cách đầy đủ. Mặt mạnh của thị trường mà chúng ta cần phát huy là cái gì? Mặt trái của thị trường mà chúng ta cần khắc phục trong y tế là gì? Những nguyên tắc của CNXH mà chúng ta cần phải giữ trong Y tế là gì? Chúng ta chưa thực sự định hình một cách rõ nét. Đó là lý do chúng ta lúng túng giữa sự bảo thủ trì trệ và tân tiến, và bản thân người thầy thuốc chưa ý thức hết được. Đồng tiền có hai mặt, một mặt kích thích sản xuất lưu thông nhưng mặt khác cũng nâng chủ nghĩa cá nhân của con người. Và trong chủ nghĩa cá nhân ấy, người thầy thuốc nếu không xác định được thì suy thoái về đạo đức.
- Thưa Giáo sư, nhiều sai sót trong hoạt động của ngành Y tế dẫn đến hậu quả đáng tiếc, nghiêm trọng cho người dân trong những năm gần đây liệu có đang gióng lên một hồi chuông cảnh báo?
Ngành Y cơ bản là vấn đề Nhân đạo. Bất luận trong tình huống nào người thầy thuốc cũng phải đặt quyền lợi, sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân lên trên quyền lợi của chính bản thân mình. Đây cũng chính là điều kiện để người thầy thuốc hành nghề. Nếu tôi không chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân thì người khác ai tìm đến nữa, trên cơ sở đó tôi cũng không có điều kiện hành nghề. Cần xác định điểm mấu chốt trong mối quan hệ ấy trong kinh tế thị trường, về mặt đạo đức. Đồng tiền có thể dẫn đến thương mại hóa nhằm mục đích lời lãi, lợi nhuận mà xa rời mục đích nhân đạo.
Mỗi lĩnh vực, mỗi vấn đề cần được đánh giá khách quan, toàn diện và mang tính lịch sử. Do hoàn cảnh chiến tranh kéo dài kết hợp những khó khăn về kinh tế, cho đến nay ngành y tế Việt Nam vẫn còn những khiếm khuyết, chưa thể hiện tính chuyên nghiệp cao. Kết hợp vấn đề dạy về y đức, cần phải nâng cao tính chuyên nghiệp trong ngành Y.
Trước nhiều sai sót nghiêm trọng xảy ra trong những năm gần đây, nhân dân không hài lòng là đúng. Tuy nhiên xã hội nên có cái nhìn thông cảm, vì ngành y là ngành dễ gây ra sai sót, đây là tổng kết của cả thế giới. Những sai sót ở ngay tại nước Mỹ mà kĩ thuật càng cao bao nhiêu càng dễ gây ra sai sót bấy nhiêu. Chúng ta cần bình tĩnh và phân tích một cách đầy đủ cái gì là chủ quan, cái gì là khách quan. Nếu là do trách nhiệm, do dốt nát thì cần kiên quyết lên án. Nhưng cái gì là do khách quan cũng cần phân tích một cách khoa học, tránh xô bồ hay trả thù, tạo sức ép cho người thầy thuốc làm cho họ không yên tâm với nghề nghiệp.
Bệnh tật là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nghèo đói
- Chúng ta đang nói nhiều đến việc hướng tới một nền y tế chăm sóc sức khỏe toàn dân, làm sao để ngành Y và cả xã hội có thể hiện thực hóa điều này thưa Giáo sư?
Bênh tật là rủi ro hay gặp nhất và là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nghèo đói. Lý do thứ nhất là mất sức lao động và ảnh hưởng đến sự mưu sinh. Ví dụ một gia đình có 1 người nhiễm HIV thì gia đình đó chỉ có khánh kiệt đi thôi. Lý do thứ hai là chi phí khám chữa bệnh, đặc biệt với những bệnh hiểm nghèo là một khoản chi phí cao so với mức thu nhập của người dân nói chung.
Không có ngành nào, dịch vụ nào mà Nhà nước cần phải lo cách chi trả bằng cách nào như các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đó là chi trả qua Bảo hiểm y tế. Chăm sóc sức khỏe liên quan đến vấn đề an sinh xã hội, mà trong đó bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế là hai trụ cột chính.
Mỗi người dân phải tự trang bị cho mình những kiến thức chăm sóc sức khỏe. Có lẽ chính mỗi người dân là thầy thuốc của bản thân họ. Vì sao? Vì họ biết được mức độ sức khỏe của mình. Bác sĩ đưa ra phương cách điều trị, chữa bệnh nhưng bản thân người bệnh chính là người kiểm định và đánh giá những đơn thuốc do bác sĩ kê, bằng chính cơ thể mình chứ không phải ai khác. Cần tổ chức cho người dân tham gia vào các công tác chăm sóc sức khỏe. Biến hoạt động tự phát thành tự giác. Huy động sự đóng góp của nhân dân cả về nhân lực và tài lực.
Xin cảm ơn Giáo sư về cuộc trò chuyện!
Cán bộ ngành y tế hãy nghiên cứu một cách sâu sắc tư tưởng của Bác Hồ, những câu nói và lời dạy của Bác để làm sao đưa được những điều ấy vào trong chính sách y tế. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với ngành Y được thể hiện qua nhiều câu nói hết sức sâu sắc.
- "Mỗi người dân yếu ớt là cả nước yếu ớt. Mỗi người dân mạnh khỏe là cả nước mạnh khỏe. Dân cường thì quốc thịnh". - "Mình dù nghèo ai cấm mình ăn ở sạch sẽ". - "Có sức khỏe thì làm được việc. Làm được việc thì có ăn". Triết lý trong những câu nói này của Bác là ở chỗ: chăm sóc sức khỏe cũng chính là tạo ra của cải vật chất, tạo ra nguồn nhân lực... Chăm sóc sức khỏe phải được bắt đầu ngay từ khi còn nghèo, chứ không phải chờ giàu lên mới lo chăm sóc sức khỏe. Vai trò sức khỏe của người dân đối với vấn đề quốc gia là như thế. (GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng) |