Người đàn ông nhiễm HIV sau một lần xăm hình | |
Những cách xử trí khi bị phơi nhiễm HIV |
Ngày 4/7/2015, ThS.BS Lưu Quốc Khải (Trưởng Khoa Đẻ A2, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) đang trên đường đưa con đến lớp học thêm. Bác sĩ chỉ kịp thả con trước cổng trung tâm, nhờ người bảo vệ đưa bé vào lớp rồi nhanh chóng phóng xe đến nơi mà anh đã gắn bó hơn 20 năm.
Cách đó mấy trăm mét, bác sĩ Nguyễn Nhật Hoan (Phó Khoa Gây mê Hồi sức Tích cực, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) đang làm những công việc quen thuộc của một người bác sĩ trực tại khoa. Nghe thấy thông báo tối cấp cứu, anh dốc sức chạy về Phòng Cấp cứu.
9 giờ 45 phút, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tiếp nhận một ca cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Da bệnh nhân vàng nhợt, mạch yếu; huyết áp tụt sâu tới mức không thể đo được nữa; nhịp tim rời rạc, gần như không đập; máu từ âm đạo tuôn xối xả, phun thành dòng.
Ngay lập tức, lệnh báo động đỏ được đưa ra, 18 y bác sĩ từ các phòng, khoa của bệnh viện được huy động để cấp cứu, giành giật sự sống cho bệnh nhân.
"Có bệnh nhân băng huyết nặng, ngưng tim, anh vào viện ngay!", giọng nói khẩn cấp của người đồng nghiệp vang qua điện thoại của bác sĩ Khải.
Nhận nhiệm vụ của bác sĩ trực cấp cứu thường trực, chỉ vài phút sau cuộc điện thoại từ bệnh viện, bác sĩ Khải đã có mặt kịp thời tại Phòng cấp cứu, chỉ kịp khoác chiếc áo blouse trắng ngoài chiếc áo phông và cái quần sóoc.
Bác sĩ Hoan cùng 18 y bác sĩ khác lao như bay về Phòng Cấp cứu của bệnh viện. 18 y bác sĩ, mỗi người đảm nhiệm một phần công việc chuyên môn của mình. Tất cả đều cấp bách phối hợp giành giật sự sống cho bệnh nhân từ tay tử thần.
Khoảng 5 phút sau khi tiếp cận bệnh nhân, có kết quả thông báo “Bệnh nhân dương tính với virus HIV”. Lúc đó, tất cả mọi người có mặt tại Phòng cấp cứu đều lặng người, ê-kíp mổ đang thao tác phẫu thuật cho bệnh nhân bỗng sững lại. Riêng bác sĩ Khải, anh nhìn ngay xuống chân mình đang ngập trong máu của bệnh nhân và nhớ lại chi tiết chiếc kim mà mình bị chọc vào tay lúc trước.
“Kim nào đây?”, bác sĩ Khải hỏi khi thấy nhói lên do mũi kim đâm vào da thịt mình.
“Kim sạch anh ạ!”, bác sĩ Khải chỉ biết gửi gắm lòng tin vào câu nói của đồng nghiệp.
Nhớ lại khoảnh khắc tiếp cận ca tối cấp cứu, bác sĩ Khải kể: "Chúng tôi không có đủ thời gian để đưa bệnh nhân tới phòng phẫu thuật và cũng không ai nghĩ được việc phải phòng vệ cho bản thân và đồng nghiệp. Chỉ cần chậm 2 – 3 phút, bệnh nhân sẽ không qua khỏi, nên các y bác sĩ không ai kịp trang bị phòng hộ, nhanh chóng thực hiện hồi sức ép tim ngoài lồng ngực cho bệnh nhân. Khi thấy tim bệnh nhân đập trở lại, kíp trực quyết định thực hiện ca mổ ngay trong phòng cấp cứu, vì nếu đưa vào phòng phẫu thuật, bệnh nhân có nguy cơ ngưng tim lần hai và sẽ tử vong."
“Khi nghe tin bệnh nhân bị nhiễm HIV, ai cũng ngỡ ngàng nhưng sau đó, chẳng ai bảo ai, tất cả lấy lại bình tĩnh, khẩn trương làm nốt các phần việc của ca phẫu thuật”, bác sĩ Khải tâm sự.
Trước đó, bác sĩ Khải đã từng phẫu thuật cho bệnh nhân nhiễm HIV. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên anh tiến hành phẫu thuật trong tình trạng chưa có sự chuẩn bị trang phục phòng hộ.
Nhớ lại câu chuyện cách đây vài năm, bác sĩ Khải phẫu thuật cho một bệnh nhân đòi bác sĩ để cho mình được chết. Đó là một sản phụ có thai ngoài tử cung.
“Anh ơi, anh đừng mổ để em chết đi!”, người phụ nữ 26 tuổi gào lên khi bác sĩ Khải và các đồng nghiệp của mình chuẩn bị mổ cấp cứu cho bệnh nhân.
“Nhiệm vụ của anh là phải cứu sống em. Sẽ không có chuyện gì xảy ra đâu. Em sẽ được điều trị bệnh theo phác đồ, sức khoẻ của em sẽ tốt lên, em vẫn có thể lấy chồng và sinh con”, bác sĩ Khải đã thuyết phục được bệnh nhân.
“Mỗi lần bước vào bất kì một ca phẫu thuật nào, tôi cũng như nhiều nhân viên y tế khác đều làm việc như một bản năng của người thầy thuốc. Khi cấp cứu bệnh nhân, chúng tôi đều không kịp suy nghĩ bất cứ điều gì ngoài việc nỗ lực hết sức để cứu sống họ”, bác sĩ Khải thổ lộ.
Cầm chiếc kim được dùng để chuẩn bị lấy ven truyền dịch cho bệnh nhân, vô tình chạm vào tay bác sĩ Khải, bác sĩ Hoan bất chợt dừng lại vài giây khi nghe thông báo “Bệnh nhân dương tính với virus HIV”. Trong ca phẫu thuật đó, bác sĩ Hoan chịu trách nhiệm hồi sức cho bệnh nhân để giúp chị thở trở lại. Anh không kịp mang găng, đeo khẩu trang và bắt tay vào việc luôn.
Ngay sau ca phẫu thuật, bác sĩ Hoan cùng các y bác sĩ tham gia ca phẫu thuật hôm đó đều đã được cấp thuốc uống kháng HIV (ARV). Bệnh viện Phụ sản Hà Nội có 30 nhân viên y tế trực tiếp tham gia ca cấp cứu cho nữ bệnh nhân HIV, trong đó 19 người gồm 18 y bác sĩ bệnh viện và một học viên, phơi nhiễm với căn bệnh thế kỷ do lúc đầu không biết bệnh nhân dương tính với virus này.
“Dù không sẵn sàng nhưng nếu bị lây chéo HIV từ bệnh nhân thì tôi cũng phải chấp nhận”, bác sĩ Hoan chia sẻ. Không giấu giếm, bác sĩ Hoan tâm sự điều này với gia đình và người thân. Anh giải thích cặn kẽ với họ về tình trạng phơi nhiễm và nguy cơ lây nhiễm HIV của mình để gia đình không lo lắng.
Mặc dù tự dặn lòng nguy cơ nhiễm HIV thấp nhưng bác sĩ Hoan không khỏi hồi hộp về kết quả xét nghiệm của mình và các đồng nghiệp.
Vào ngày 8/7/2015, 30 cán bộ, nhân viên nghi phơi nhiễm HIV đã được Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Hà Nội xét nghiệm HIV bằng kỹ thuật xét nghiệm Murex HIV Ag/Ab. Kết quả xét nghiệm của toàn bộ số cán bộ, nhân viên này đều âm tính.
Tới ngày 5/8, theo đề nghị từ phía bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Hà Nội tiếp tục tiến hành lấy mẫu máu DBS cho 18/19 nhân viên y tế có nguy cơ phơi nhiễm cao với HIV (1 nhân viên không có nhu cầu làm xét nghiệm PCR). 24 ngày sau, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Hà Nội thông báo kết quả xét nghiệm PCR cho thấy tất cả 18/18 y bác sĩ đều âm tính với virus HIV.
“Kết quả xét nghiệm khiến chúng tôi đều vui mừng và nhẹ nhõm. Chúng tôi hoàn toàn yên tâm với kết quả này”, bác sĩ Hoan chia sẻ.
Trong ca tối cấp cứu đó, xung quanh bác sĩ Khải và bác sĩ Hoan là các y bác sĩ phụ trách gây mê, truyền máu, hồi sức và những hộ lý đang gấp rút làm công việc của mình. Nhiều người trong số họ chạm vào máu của bệnh nhân bằng tay trần.
Khi đó, bệnh nhân gần như không còn máu nên các y bác sĩ vừa mổ vừa truyền 4 lít hồng cầu và 2 lít chế phẩm máu.
"Tất cả mọi người bình tĩnh, lúc này mà ngưng mổ để tìm cách bảo vệ mình thì chắc chắn bệnh nhân sẽ tử vong", giọng nói vang lên trong phòng cấp cứu.
Vài giây im lặng thoáng qua, kíp mổ lại nhịp nhàng các thao tác phẫu thuật như bình thường. Cũng như các y bác sĩ khác, bác sĩ Hoan không cho phép mình phân tâm, anh lấy lại bình tĩnh, tập trung vào công việc của mình.
Ca phẫu thuật kết thúc thành công, bệnh nhân có sức sống mãnh liệt đến mức nhiều y bác sĩ phải ngạc nhiên. “Với người bình thường mất quá nhiều máu, lại trải qua ca phẫu thuật như thế, phải cả tuần mới đứng dậy được, nhưng bệnh nhân này ngay tối đó đã đứng dậy được, rất kỳ diệu. Sau gần 1 tuần, bệnh nhân bình phục và được xuất viện”, bác sĩ Khải vui mừng nhớ lại.
Theo bác sĩ Khải, đây là một ca phẫu thuật đặc biệt và mang tính nhân văn. Sau ca phẫu thuật, bác sĩ Khải cùng một đồng nghiệp tới tận phòng bệnh thăm bệnh nhân. Chứng kiến nỗi niềm mặc cảm của của bệnh nhân và người nhà, bác sĩ Khải đã ân cần cầm tay bệnh nhân trấn an: “Làm sao mà lây được, không phải ai cũng xa lánh bạn đâu. Chỉ là, trong lúc bất chợt họ có cái nhìn chưa tích cực thôi. Hãy cứ yên tâm để nhanh chóng bình phục…”. Điều này đã khiến bệnh nhân và mẹ chồng của cô cảm động.
Thông thường, các sản phụ được xác định nhiễm HIV sẽ được bố trí sinh mổ ở tại phòng riêng của bệnh viện với quy trình hết sức nghiêm ngặt phòng lây nhiễm cho nhân viên y tế và các sản phụ, bệnh nhân đến sinh và điều trị.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Khải, thời điểm đó kíp phẫu thuật không còn đủ thời gian để chần chừ, để mặc thêm những bộ áo và đeo kính phòng vệ cho bản thân hay đưa bệnh nhân lên phòng phẫu thuật bởi chỉ một tích tắc chậm chạp, sự e ngại của người thầy thuốc sẽ tước đi quyền sống của bệnh nhân.
“Sự việc lần này giúp tôi có những bài học kinh nghiệm về chuyên môn. Tôi chưa bao giờ hối hận vì đã thực hiện ca cấp cứu này cho bệnh nhân. Việc điều trị phơi nhiễm có những bất lợi nhất định nhưng bù lại có thể cứu sống được bệnh nhân thập tử nhất sinh”, bác sĩ Khải cho biết.
Cùng chung niềm vui với bác sĩ Khải, bác sĩ Hoan tự hào khi mình là một trong những giúp bệnh nhân giành giật sự sống ngàn cân treo sợi tóc. Nếu quay lại tình huống đó, cả bác sĩ Khải và bác sĩ Hoan vẫn sẽ xử lý như vậy nhưng sẽ cẩn thận trong việc chuẩn bị trang thiết bị, quy trình tốt hơn, ngay cả trong trường hợp tối cấp cứu.
Bởi với bác sĩ Hoan, “Làm việc phải hết sức tận tâm, mang hết nhiệt huyết, trí tuệ mà mình đã được học tập, tích lũy để hoàn thành công việc chuyên môn của mình. Khi đó, mình sẽ cảm thấy thanh thản và không áy náy điều gì. Tính mạng của bệnh nhân là trên hết”.
Về nguy cơ nhiễm HIV của các y bác sĩ sau ca mổ, TS.BS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, ca mổ của bệnh nhân ngay trong Phòng Cấp cứu là trường hợp bất khả kháng.
Ông cũng đưa ra một điều cần rút kinh nghiệm đối với bệnh viện và với nhiều phòng khám cấp cứu ở các viện phụ sản khác. Là cần trang bị sẵn những bộ bảo hộ phẫu thuật phòng lây nhiễm HIV cho bác sĩ ngay tại phòng khám cấp cứu vì sẽ có những trường hợp như trường hợp bệnh nhân trên.
Về phía gia đình bệnh nhân, nếu biết trước bệnh nhân mắc những bệnh truyền nhiễm nên báo ngay cho thầy thuốc khi vào viện, mặc dù kết quả xét nghiệm sẽ có nhưng chậm hơn. Nếu biết được sớm, người thầy thuốc sẽ có sự phòng vệ cao hơn trong quá trình phẫu thuật, tránh rủi ro đáng tiếc cho họ.
Đặc thù nghề nghiệp mang tính chất rủi to cao, bao gồm nguy cơ lây nhiễm các bệnh truyền qua đường máu như HIV, viêm gan, giang mai… “Công việc mang tính chất rủi ro cao không có nghĩa là mình ngồi đó mà sợ. Bên cạnh việc tuân thủ đúng quy trình về chuyên môn, người bác sĩ sản khoa phải tuyệt đối tôn trọng sản phụ, không được có suy nghĩ bỏ rơi hay miệt thị họ”, bác sĩ Khải chia sẻ.
Sau ca mổ quên mình đó, các y bác sĩ trong ê-kíp Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền trao bằng khen, thưởng đột xuất.
Những cách xử trí khi bị phơi nhiễm HIV | |
Tai nạn 14 người thương vong ở Kon Tum: Thêm 10 người nghi phơi nhiễm HIV | |
Đạp phải kim tiêm, điều trị phơi nhiễm HIV ở đâu? |