Hạnh phúc giản đơn của vợ chồng thầy cô giáo trường Nguyễn Đình Chiểu | |
TP HCM: Vinh danh 214 'nhà giáo trẻ tiêu biểu' |
Giấc mơ về một bệnh viện thực hành…
Thầy Hối trong một giờ lên lớp tại Đại học Y dược TP HCM. (Ảnh BVCC) |
Nhắc đến GS.TS Nguyễn Đình Hối, nguyên hiệu trưởng Đại học Y Dược TPHCM, nguyên giám đốc đầu tiên Bệnh viện Đại học Y Dược người ta nghĩ ngay đến tinh thần tận tụy của một người thầy. Khi còn công tác, dù bận trăm công nghìn việc thì thầy vẫn giữ nếp sinh hoạt chuyên môn, khám bệnh, hội chẩn, nghiên cứu, giảng dạy mỗi ngày.
Nhìn lại chặng đường đã qua, dẫu ở bất cứ góc độ nào, chuyên môn hay quản lý, mỗi chúng tôi đều cảm thấy rất rõ hình ảnh về thầy, người chèo thuyền không mệt mỏi, người hoa tiêu vững vàng.
Câu chuyện bắt đầu từ những năm đầu của thập kỷ 90 với những khó khăn, thiếu thốn, cùng những rào cản của cơ chế bao cấp. Thầy Nguyễn Đình Hối khi đó là Trưởng Khoa Y - ĐHYD TPHCM đã luôn hết lòng vì sự nghiệp giảng dạy và đào tạo. Từ việc phải đưa các bác sĩ tương lai đi thực tập nhiều nơi, thầy luôn đau đáu việc thành lập một cơ sở để có điều kiện khám chữa bệnh, đào tạo, nghiên cứu khoa học cho nhà trường.
Thầy Hối là người thuyền trưởng vững vàng, với ý chí và quyết tâm mãnh liệt. (Ảnh BVCC) |
Lúc ấy, giấc mơ về một bệnh viện thực hành thuộc trường đại học như một con tàu đơn độc trên đại dương giữa muôn trùng sóng gió. Trong hoàn cảnh đó, thầy Hối là người thuyền trưởng vững vàng, với ý chí và quyết tâm mãnh liệt đã lôi cuốn thủy thủ đoàn - những CBVC của nhà trường sẵn sàng chuẩn bị.
GS.TS Trương Công Trung lúc bấy giờ là Hiệu trưởng ĐHYD đã lập tờ trình xin Bộ y tế và nhanh chóng nhận được sự chấp thuận. Tháng 3/1992, khu vực hiệu bộ 3 tầng của trường ĐHYD được sửa chữa thành “Phòng khám đa khoa trường ĐHYD có giường lưu”. Những ngày đầu khó khăn chồng chất, không vốn, không kinh nghiệm, thiếu cơ chế chính sách nhưng với uy tín của GS Hối, bài toán về vốn trở nên dễ dàng. Giáo sư gặp ông Trần Tuấn Tài - một nhà kinh doanh sắc sảo có tâm huyết với ngành y. Ông Tài đã ngay lập tức đồng ý cho vay tiền xây dựng không tính lãi xuất và “giáo sư muốn trả trong bao nhiêu lâu cũng được”.
…Một bệnh viện vươn cao trên bầu trời xanh
Thầy Hối (bên phải) và thầy Nguyễn Hoàng Bắc trong một ca phẫu thuật. (Ảnh BV CC) |
Thiên thời, địa lợi, nhân hòa, Phòng khám đa khoa trường Đại học Y Dược TPHCM có giường lưu ra đời như một sự sáng tạo đột phá và nhanh chóng hoạt động có hiệu quả. Trải qua nhiều giai đoạn phát triển nhưng với định hướng hoạt động đúng đắn được thầy Hối đề ra ngay từ những ngày đầu tiên là Khám chữa bệnh với kỹ thuật cao; Đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho ngành y tế; Nghiên cứu khoa học với những đề tài tầm cỡ vẫn luôn là kim chỉ nam xuyên suốt mọi hoạt động của bệnh viện.
Khi người bệnh đến khám ngày càng đông, nhiều lớp đào tạo bồi dưỡng chuyên môn, thực hành bệnh viện cho bác sĩ, nhiều luận án thạc sĩ, tiến sĩ, chuyên khoa 1, chuyên khoa 2 đã được thực hiện. Trước nhu cầu của người bệnh ngày càng tăng, tháng 10/2000, phòng khám được nâng cấp thành Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM. GS Nguyễn Đình Hối - Hiệu trưởng Đại học Y Dược TPHCM kiêm giữ chức Giám đốc Bệnh viện.
Thầy lại tiếp tục cuộc hành trình trên con đường mới, bằng tấm lòng của một người thầy, kinh nghiệm của một người từng trải, uy tín lớn và quyết tâm cao, thầy đã tập hợp được một đội ngũ những người bạn, những học trò tâm huyết, hết lòng vì mục tiêu chung. Nhờ việc vận dụng chủ trương xã hội hóa và uy tín của thầy, những điều không thể đã trở thành có thể và ước mơ đã trở thành hiện thực.
Buổi lễ ra mắt sách của Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Đình Hối tại TP HCM. |
Giờ đây, nhìn Bệnh viện vươn cao, có quy mô hơn 800 giường bệnh với đầy đủ trang thiết bị hiện đại, một đội ngũ thầy thuốc tay nghề cao, chúng tôi ghi nhớ công lao của GS.TS Hối - người khai lối, mở đường.
Gần thầy, chúng tôi học được nhiều bài học quý giá không chỉ về kiến thức, kinh nghiệm mà còn cả sự tinh tế trong văn hóa giao tiếp, về tình yêu cuộc sống và lòng yêu thương con người. Nhiều người bệnh thấy mình may mắn được giáo sư chữa trị, nhiều thế hệ thầy thuốc tự hào là học trò được GS trực tiếp dạy dỗ.
Nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2016, cuốn sách “Nhà giáo nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Đình Hối – Cuộc đời và sự nghiệp” do Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thị Kim Tiến chủ biên đã được xuất bản. Bộ trưởng viết: “Việc xuất bản sách là dịp để chúng ta vinh danh GS TS BS. Nguyễn Đình Hối, một tấm gương tiêu biểu đã gương mẫu thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thầy thuốc như mẹ hiền”. GS. Nguyễn Đình Hối là niềm tự hào của ngành Y tế, của Trường ĐHYD và BV ĐHYD. Cuốn sách là tài liệu giúp chúng ta trong phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo dức Hồ Chí Minh. Cuốn sách cũng là bài học giáo dục y đạo và y đức cho các sinh viên, thầy thuốc trẻ để rồi tiếp tục xuất hiện những tấm gương mới”.
Với tình cảm sâu sắc, ông Nguyễn Minh Triết - Nguyên Chủ tịch nước Việt Nam đã chia sẻ: “Chúng tôi giữ mãi trong lòng những tình cảm thân thiết và luôn nghĩ đến nhau, cho dù sau này cả anh Hối và tôi đều rất bận rộn với nhiều trọng trách”.
GS Nguyễn Đình Hối (80 tuổi) đã được trao huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhì năm 1985, huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, huân chương lao động hạng Nhì năm 2002, 2009, danh hiệu nhà giáo nhân dân 1996, giải thưởng khoa học sáng tạo công nghệ năm 2006, giải thưởng Tôn Thất Tùng năm 2004 vì những đóng góp to lớn vào sự phát triển của ngành ngoại khoa Việt Nam. |