Vẻ cổ kính độc đáo của ngõ Hàng Hương, một vòm đã được đục thông. ảnh: Q.T |
Nơi “ngủ quên” giữa ồn ào phố thị
Đó là đoạn cầu dẫn bắt đầu từ phố Phùng Hưng đến ga Long Biên có chiều dài 1,2km, xây bằng đá xanh Thanh Hóa. Cầu dẫn có 131 vòm cầu, đỉnh vòm cao từ 3,5m đến 4,5m được xây dựng trong 2 năm (1900 - 1902). Trong số 131 vòm có 4 vòm hiện không bị xây bịt lại.
Hàng chục năm qua, đoạn phố hai bên 131 vòm cầu ít người nhắc đến. Tưởng chừng như nó riêng rẽ, tách rời cuộc sống nhộn nhịp của Thủ đô. Dường như nó ngủ quên như những phiến đá đã phủ dầy rong rêu. Tuy ít người để ý, nhưng ở đây, dân cư đông đúc.
Đặc biệt, đoạn phố Gầm Cầu, các ki-ốt hàng lấn ra từ vòm cầu dày đặc san sát, chiếm đến nửa đường đi. Nhưng lực lượng ra quân dẹp loạn vỉa hè cũng không “nhắc tên” trong suốt 3 tháng Hà Nội đồng loạt ra quân dọn vỉa hè vừa qua.
Bà Nguyễn Thị Thành, chủ nhà số 6 phố Gầm Cầu cho biết: “Phố Gầm Cầu nên ít ai để ý. Buổi tối ở đây vắng hiu, vắng hắt.
Bao nhiêu năm ở đây, không ai nhắc đến, bỗng dưng hôm vừa rồi các anh nhà báo đến chụp ảnh liên tục, tôi mới biết thành phố có ý định đục thông vòm. Gầm Cầu giờ trở nên “nổi tiếng”.
Bà Nguyễn Thị Thành sống ở phố Gầm Cầu từ những năm 60 của thế kỷ trước. Bà là người nắm rõ những thay đổi của đoạn đường sắt trên cao chạy qua trước cửa nhà mình. Bà Thành nói: “Đường ray do người Pháp xây dựng, sau này ta bịt lại, thứ nhất để phục vụ vận tải, thứ hai là ngăn lũ”.
Ngược lại lịch sử, như bà Thành nói, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lạng Sơn đóng vai trò quan trọng trong vận chuyển hành khách và tiếp nhận hàng hóa viện trợ quân sự - dân sự, các tuyến đường lắp thêm đường ray thứ 3 để mở rộng đường tàu từ 1m lên 1,45m.
Các vòm rỗng được sửa chữa gia cố bằng cách xây tường đặc đỡ dưới vòm. Năm 1971, sông Hồng lũ lớn, nước ngập trắng bãi Phúc Xá, Phúc Tân, An Dương, Chương Dương… người dân chạy lũ vào nội thành, tá túc trong các vòm cầu từ phố Gầm Cầu đến phố Phùng Hưng.
Khi nước rút, nhiều người dân tá túc luôn trong các vòm cầu không về nữa do nhà cửa đã bị lũ cuốn trôi. Sau đó, để đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực này, thành phố đã cho xây bịt kín. Trước đây, phố Gầm Cầu thưa vắng, lâu dần nhà cửa, ki - ốt mọc lên.
Ngay mặt những vòm cầu đã bị bịt lại bằng đá là những cửa hàng nhỏ hẹp, san sát nhau. Những cửa hàng này chủ yếu bán đồ gia dụng. Đặt chân tới con phố hẹp này chúng tôi có cảm giác như đang ở khu chợ Trời của phố Huế.
Ngược về phía phố Phùng Hưng, những vòm cầu ở đây có vẻ thông thoáng hơn. Một bên vòm cầu là khu dân cư, một bên là bãi đậu xe giúp cho phố Phùng Hưng thông thoáng, “dễ thở” hơn đối với người đi đường.
Có thể trở thành điểm nhấn của thành phố
Sự chật chội của phố Gầm Cầu. |
Phía sau 4 vòm cầu đã được đục thông trên hai tuyến phố này là những cụm dân cư đông vui nhộn nhịp. Một trong những vòm cầu ấy là ngõ Hàng Hương trên phố Phùng Hưng mang vẻ cổ kính, độc đáo. Bước qua vòm cầu, Hàng Hương là một ngõ dân cư sầm uất, xe cộ, hàng hóa thông thương dễ dàng bởi nó nối liền với phố Lý Nam Đế.
Bác Nguyễn Hùng nhà ở Hàng Hương hình dung ra viễn cảnh bức tường đá được đục thông: “Tôi nghĩ nó sẽ là tuyến phố đẹp và độc đáo. Chưa nói đến việc thông thương, thoáng đãng thì hình ảnh tàu chạy trên những vòm cầu kia rất ấn tượng. Có khi nó sẽ trở thành điểm nhấn của thành phố”.
Phải chăng mỗi vòm cầu được đục thông sẽ mở ra những thuận lợi cho sinh hoạt của người dân? Trước cửa nhà bà Thanh là 2 vòm cầu số 119 và 120.
Bà Thanh cho rằng: “Nếu được đục thông thì nhà tôi thông thoáng hơn rất nhiều. Thành phố tạo ra không gian sinh hoạt văn hóa sẽ sầm uất hơn. Nói thật, vào buổi tối vắng vẻ, không ít người vô ý thức vẫn tè bậy trước cửa nhà, mùi khai và rất mất vệ sinh. Chúng tôi rất bức xúc mà không làm gì được”.
Tuy nhiên bà Thanh cũng lo cho hàng trăm hộ dân buôn bán bám vào những vòm cầu kia: “Tất nhiên đục thông vòm cầu, hàng trăm hộ dân sẽ bị ảnh hưởng đến nồi cơm. Họ sẽ làm gì sau khi không còn chỗ làm ăn trong khi hàng chục năm nay, họ đang yên ổn?”.
Quả thật, đa số những gia đình mặt đường phố Phùng Hưng, Gầm Cầu không buôn bán rất háo hức trước viễn cảnh trước nhà mình thông thoáng, sạch sẽ và sầm uất hơn. Bà Vũ Thị Lý ở Cửa Đông cho biết: “Cái gì có lợi cho thành phố, cho đất nước thì nên làm, chúng tôi ủng hộ”.
Nhưng, những gia đình đang sống nhờ vào những bức vòm bịt kín kia lại băn khoăn, lo lắng. Ông Phạm Long, chủ một ki ốt bày tỏ: “Nếu đục thông vòm thì ảnh hưởng đến hàng nghìn người ở đây. Chúng tôi chờ đợi chủ trương của thành phố với những người ở đây. Phần đông chúng tôi muốn yên ổn để làm ăn”.
Việc đục thông những vòm cầu để làm không gian văn hóa chỉ mới là ý tưởng của thành phố. Để đi đến việc triển khai còn phải có sự thống nhất của nhiều cấp ban ngành, trong đó có Bộ Giao thông Vận tải, đặc biệt là tâm tư của người dân Thủ đô. Cho dù mới là ý tưởng nhưng nó cũng tạo ra sự háo hức không nhỏ trước việc đánh thức một khu vực “ngủ quên” thành một điểm nhấn của Thủ đô.
Cục Đường sắt Việt Nam chưa nhận được văn bản nào của Hà Nội về việc đục thông các ô vòm bên dưới đường sắt phố Gầm Cầu, Phùng Hưng. Nếu nhận được đề nghị của Hà Nội, Cục Đường sắt Việt Nam sẽ nghiên cứu trả lời ngay. Trước khi tiến hành đục thông, cần nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng về an toàn của đường sắt.
Ông Đoàn Duy Hoạch, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, đơn vị này chưa nhận được thông tin chính thức nào từ phía Hà Nội. “Nếu việc đục thông các vòm cầu bên dưới đường sắt phố Gầm Cầu, Phùng Hưng được thực hiện, phải có chủ trương cho phép từ Bộ GTVT”, ông Hoạch nói.
Sốc: Có 23 vết thương trên thi thể bé trai mất tích tại Quảng Bình
Tối ngày 8.7 theo nguồn tin riêng của PV báo Lao Động, kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy trên thi thể cháu Trần ... |