Hà Nội dự kiến đặc biệt ưu tiên vốn cho Vành đai 4 năm 2023

Theo tờ trình của UBND TP Hà Nội, nguồn vốn đầu tư công năm 2023 dự kiến là 52.600 tỷ đồng, tằng gần 2% so với năm nay, trong đó, dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô thuộc nhóm đặc biệt ưu tiên vốn.

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã có tờ trình gửi HĐND về việc định hướng kế hoạch đầu tư công năm 2023 của thành phố.

Theo văn bản này, tổng kế hoạch vốn năm nay của TP là 51.583 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách cấp thành phố là 21.819 tỷ đồng; ngân sách cấp huyện là 29.254 tỷ đồng; chi trả nợ lãi, phí các khoản vay là 510 tỷ đồng.

Kết quả giải ngân đến ngày 22/8, toàn TP Hà Nội giải ngân được 13.843 tỷ đồng, đạt 27% kế hoạch thành phố giao. Dự kiến kết quả giải ngân năm nay tương đương tỷ lệ giải ngân chung của cả nước.

 Hà Nội sẽ ưu tiên vốn cho đường Vành đai 4. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ).

Đối với giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 kéo dài sang năm nay, cấp TP được hơn 196 tỷ đồng, đạt gần 16% kế hoạch vốn, cấp huyện được gần 497 tỷ đồng, gần 32% kế hoạch vốn kéo dài.

Đối với kế hoạch đầu tư công của Hà Nội năm 2023, hiện tại, bộ, ngành trung ương chưa thông báo nguồn kế hoạch vốn năm 2023 cho TP Hà Nội, UBND TP sơ bộ xác định nguồn vốn năm 2023 dựa trên cơ sở nguồn vốn được Trung ương giao năm nay, kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 và nhu cầu kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023.

Nguồn vốn đầu tư công năm 2023 dự kiến là 52.600 tỷ đồng, tăng gần 2% so với năm nay. Trong đó, vốn ngân sách trung ương gần 4.900 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách trung ương trong nước gần 187 tỷ đồng; vốn ngân sách trung ương cho dự án Vành đai 4 và các dự án liên kết vùng là 2.400 tỷ đồng; vốn nước ngoài là 2.300 tỷ đồng.

Vốn ngân sách TP gần 47.713 tỷ đồng gồm vốn xây dựng cư bản tập trung trong cân đối gần 20.263 tỷ đồng, tăng 30% so với năm nay; vốn đầu tư từ nguồn thu xổ số kiến thiết 320 tỷ đồng, giảm gần 26%; vốn từ nguồn thu tiền sử dụng đất 18.000 tỷ đồng, giảm 10%; vốn từ nguồn thu cổ phần hóa 3.000 tỷ đồng; vốn từ cải cách tiền lương 5.000 tỷ đồng và vốn từ nguồn DA vay lại là 1.130 tỷ đồng.

Về định hướng, trọng tâm đầu tư, tờ trình đề xuất tập trung bố trí vốn để thực hiện các công trình trọng điểm của TP như: Xây dựng Bệnh viện Nhi Hà Nội giai đoạn 1, Cung Thiếu nhi, Hệ thống xử lý nước tải Yên Xá, Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn 2... Trong đó, UBND thành phố đề xuất đặc biệt ưu tiên bố trí vốn cho dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô theo tiến độ triển khai.

Bên cạnh đó, nguồn vốn cũng tập trung cho các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án có tính chất liên kết vùng; các dự án nhiệm vụ chi TP theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ 17. Dự kiến trong năm 2023, hoàn thành 80 dự án. Ngân sách TP cũng sẽ hỗ trợ bổ sung, đầu tư có mục tiêu cho các huyện, xã khác.

Về đường Vành đai 4, dự án có tổng mức đầu tư là 85,8 nghìn tỷ đồng đi qua Hà Nội và các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang. Nhóm dự án thành phần giao UBND TP Hà Nội là cơ quan chủ quan có tổng mức đầu tư 75,3 nghìn tỷ đồng (các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh có tổng mức đầu tư 10,5 nghìn tỷ đồng). Giai đoạn 2021 - 2025, đoạn qua Hà Nội sẽ được bố trí 27,8 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân sách của thành phố là 19,5 nghìn tỷ đồng, còn lại là ngân sách trung ương. 

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.