|
|
Cầu Chiếc nằm trên tuyến đường tỉnh lộ 427, bắc qua sông Nhuệ. Đây được coi là cây cầu “huyết mạch” nối giữa huyện Thanh Oai và huyện Thường Tín. Nhưng đã nhiều năm nay cây cầu đã có những dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng, trở thành cái “bẫy” đối với những phương tiện di chuyển qua cầu. |
|
||
Được UBND tỉnh Hà Tây cũ (nay thuộc thành phố Hà Nội) đầu tư xây dựng cách đây khoảng 40 năm. Với thiết kế cầu có chiều dài khoảng 20 mét, chiều rộng 6 mét với hai chân trụ ở giữa. Đến năm 2010, do cầu có dấu hiệu xuống cấp nên cơ quan chức năng đã có đợt sửa chữa cầu, công tác sửa chữa đã được thực hiện bằng việc hàn những tấm thép lên trên mặt cầu. Nhưng chỉ khoảng 3 năm sau những tấm thép đã liên tục có dấu hiệu xuống cấp, đứt gãy thậm chí rời ra khỏi mặt cầu. Tình trạng này càng trở nên nghiêm trọng hơn khi sau vết đứt gãy đó tạo ra những “ổ gà”, cạnh sắt sắc nhọn như “cái bẫy” rình rập người tham gia giao thông. |
|
|
Theo người dân phản ánh, việc bảo dưỡng cầu diễn ra thường xuyên, nhưng do những giải pháp sửa chữa chỉ mang tính tình thế nên sau khoảng vài tuần cây cầu lại trở lại nguyên hiện trạng xuống cấp. Một phần cũng là do cây cầu đã quá cũ không chịu được những chuyến xe có trọng tải nặng chạy qua. |
|
|
Người dân đi qua đây không khỏi lo ngại về tình trạng cầu Chiếc như hiện nay. Ông Trần Văn Hòa (thợ cắt tóc 20 năm nay ở đầu cầu Chiếc) cho biết: “Những vụ tai nạn gây thương tích do đi qua cầu Chiếc thì rất nhiều không đếm được, mới nhất có là trường hợp 1 thanh niên đi qua cầu lao vào “ổ gà” bung xương bánh chè, chúng tôi ở gần đây cũng rất bức xúc vì cầu yếu, lượng xe trọng tải lớn đi qua rất nhiều, nhưng việc sửa chữa chỉ ở mức độ tạm bợ, cứ sau 15 ngày lại có vài người thợ đến hàn tạm những tấm thép vào đó rồi chẳng mấy lại bung ra”. |
|
|
Cô Phan Thúy Vân (sống tại huyện Thanh Oai- thành phố Hà Nội) cho biết: “Ngày nào tôi đi làm qua cây cầu này, mỗi lần đi qua đây tôi luôn cảm thấy lo sợ do những tấm thép đã xuống cấp lộ ra những ổ gà “chết người”, cùng với đó mỗi lần những xe tải lớn đi qua cầu rung lắc rất mạnh”. |
|
|
Theo tìm hiểu của phóng viên, việc cầu Chiếc xuống cấp ngoài nguyên nhân chỉ được đầu tư sửa chữa tạm bợ, vá víu thì tại đây cũng là “điểm nóng” của việc xe chở quá tải quần nát cầu. |
|
|
Lối lên cầu Chiếc đều được cắm biển giới hạn trọng tải, cấm các phương tiện có tải trọng trên 10 tấn qua cầu. Thế nhưng thực tế những chiếc xe tải lớn, tự cơi nới thành thùng chở vật liệu xây dựng vẫn “lén lút” đi qua cầu. Nhiều trường hợp 2 xe tải chạy ngược chiều tránh nhau ngay trên cầu. |
|
|
Trao đổi với phóng viên, Ông Nguyễn Văn Đoàn (Đội trưởng đội CSGT - Trật tự - Phản ứng nhanh công an huyện Thường Tín) cho biết: “Đơn vị chức năng đã không ít lần ra quân xử lý vi phạm, thường xuyên tuyên truyền, lập chuyên đề xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về trọng tải xe tại khu vực cầu Chiếc. Vừa qua, Công an huyện Thường Tín đã thực hiện kế hoạch số 640/KH - CATT ngày 1/5/2016 xử phạt 14 trường hợp chở hàng quá khổ, quá tải trên địa bàn. Do đặc thù của địa phương có các làng nghề truyền thống như Trát Cầu - Tiên Phong (kinh doanh chăn ga gối đệm), xã Hòa Bình và Hiền Giang (kinh doanh đồ gỗ, đá mỹ nghệ xuất khẩu) nên nhiều lái xe lợi dụng khi không có lực lượng trực chốt, tuần tra kiểm soát sẽ cho xe chạy qua cầu”. |
|
|
Đem những phản ánh của người dân đến với lãnh đạo xã Hiền Giang, bà Nguyễn Thị Hoàn - Phó chủ tịch xã Hiền Giang cho biết: “Việc cầu Chiếc xuống cấp chúng tôi đã có nhận được nhiều phản ánh của người dân, chúng tôi đã kiến nghị lên lãnh đạo huyện để có biện pháp khắc phục và sửa chữa đảm bảo cho người dân qua lại. Theo dự kiến vào thời gian tới sẽ có dự án đường vành đai 4 sẽ đi qua khu vực này, trong dự án sẽ có 1 cây cầu mới thay thế cho cầu Chiếc, nhưng cũng chưa rõ khi nào thì hoàn thành”. |
|
|
Trong khi chờ đợi nhiều năm nữa dự án đường vành đai 4 hoàn thành và cùng từng đó thời gian người dân 2 huyện Thanh Oai và huyện Thường Tín có cây cầu mới, hiện đại bắc qua sông Nhuệ. Thì người dân nơi đây vẫn hằng ngày đối mặt với những hiểm họa khôn lường từ cây cầu đầy những nguy hiểm này. |