Tại văn bản báo cáo tổng hợp trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 HĐND TP Hà Nội khóa XVI vào tháng 9 vừa qua, trước câu hỏi liên quan đến việc chậm tiến độ thực hiện quy hoạch chung thị xã Sơn Tây lồng ghép đô thị vệ tinh Sơn Tây dẫn đến công tác quản lý đất đai và đầu tư xây dựng trên địa bàn gặp vướng mắc, Hà Nội đã có ý kiến về vấn đề này.
Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 7/2011 đã định hướng thị xã Sơn Tây sẽ là một trong 5 đô thị vệ tinh của thành phố.
Trên cơ sở định hướng Quy hoạch chung xây dụng Thủ đô, UBND thành phố đã phê duyệt Quy hoạch chung thị xã Sơn Tây (lồng ghép đô thị vệ tinh Sơn Tây) vào tháng 10/2015 và giao Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội, UBND thị xã Sơn Tây tổ chức nghiên cứu lập các Nhiệm vụ và đồ án Quy hoạch phân khu đô thị của 9 phường thuộc khu vực trung tâm của thị xã.
Trong quá trình triển khai, căn cứ vào đề nghị của CTCP Tập đoàn T&T, Hà Nội đã thống nhất chủ trương cho phép doanh nghiệp này phối hợp với Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội rà soát và tổ chức lập Quy hoạch phân khu và Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đô thị vệ tinh Sơn Tây, đồng thời cho phép Tập đoàn T&T tài trợ cho công tác lập quy hoạch.
Hà Nội cũng cho biết việc nghiên cứu các đồ án Quy hoạch phân khu theo ranh giới các phường được chỉ đạo tạm dừng thực hiện.
Năm 2020, ý tưởng Quy hoạch phân khu trên địa bàn thị xã Sơn Tây đã được CTCP Tập đoàn T&T phối hợp với đơn vị tư vấn nước ngoài tổ chức nghiên cứu, báo cáo và đã được UBND thành phố chỉ đạo.
Tuy nhiên, do hình thức tài trợ bằng sản phẩm và hình thức ký hợp đồng ba bên trong công tác lập quy hoạch chưa có trong các quy định pháp luật hiện hành, chưa có sự thống nhất của Bộ quản lý chuyên ngành, nên chưa có cơ sở triến khai tiếp theo.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã có các công văn báo cáo UBND thành phố về việc triển khai lập Quy hoạch phân khu đô thị trên địa bàn thị xã Sơn Tây.
Theo đó, kinh phí lập quy hoạch được trích từ nguồn vốn ngân sách nhà nước; việc tài trợ bằng sản phẩm (đồ án quy hoạch) theo như đề xuất của Tập đoàn T&T là không phù hợp và việc tổ chức triển khai theo hình thức ký hợp đồng ba bên chưa có trong quy định của pháp luật.
Để tháo gỡ vướng mắc trong việc giao doanh nghiệp tài trợ sản phẩm và để đẩy nhanh tiến độ lập các đồ án Quy hoạch phân khu trên địa bàn thị xã Sơn Tây, Hà Nội đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị trực thuộc tố chức lập quy hoạch với tổng số 14 đồ án.
Cụ thể, UBND thị xã Sơn Tây tổ chức lập tổng số 8 đồ án. Trong đó, 7 đồ án quy hoạch phân khu đô thị gồm 5 Quy hoạch phân khu đô thị tại một phần khu vực ST1 (các phường Trung Hưng 1, Trung Hưng 2, Phú Thịnh, Viên Sơn, Trung Sơn Trầm), một Quy hoạch phân khu đô thị tại khu vực ST2 và một Quy hoạch phân khu đô thị tại khu vực ST3.
Hiện nay, thị xã Sơn Tây đã cơ bản hoàn thiện đối với 5 Nhiệm vụ quy hoạch tại khu vực ST1. Các đồ án quy hoạch còn lại đang được thị xã tiếp tục hoàn thiện.
Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng (Khu vực phía đông Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cũng được thị xã Sơn Tây tổ chức lập quy hoạch.
Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội tổ chức lập 4 đồ án Quy hoạch phân khu đô thị (tại một phần khu vực ST1, gồm các phường Lê Lợi, Ngô Quyền, Quang Trung, Sơn Lộc).
UBND TP Hà Nội đã phê duyệt 4 nhiệm vụ quy hoạch nêu trên và 4 đồ án đã được Hội đồng thẩm định quy hoạch xây dựng thành phố có kết luận để Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội hoàn chỉnh. Hiện nay đơn vị này đã cơ bản hoàn thiện 4 đồ án quy hoạch nêu trên, dự kiến trình thành phố trong tháng 10 năm nay.
Trong khi đó, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp thành phố tổ chức lập hai đồ án gồm đồ án Quy hoạch phân khu đô thị tại khu vực ST4 và Quy hoạch phân khu xây dựng (tại khu vực hồ Xuân Khanh và phụ cận).
Hiện nay, đơn vị này cũng đang phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành của thành phố để đấy nhanh tiến độ tổ chức thực hiện, đảm bảo quy trình và quy định hiện hành.
Tháng 10/2015, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt Quy hoạch chung thị xã Sơn Tây (lồng ghép Đô thị vệ tinh Sơn Tây) đến năm 2030.
Khu vực nghiên cứu lập quy hoạch nằm về phía tây bắc Thủ đô. Ranh giới phía bắc giáp sông Hồng, phía đông giáp ranh giới hành chính huyện Phúc Thọ, phía đông nam và nam giáp ranh giới hành chính huyện Thạch Thất, phía tây và tây nam giáp huyện Ba Vì.
Diện tích nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 12.185 ha, gồm toàn bộ thị xã Sơn Tây diện tích khoảng 11.353 ha và xã Cam Thượng, huyện Ba Vì khoảng 832 ha.
Quy mô dân số dự kiến đến năm 2030 khoảng 239.800 người (gồm dân số thuộc thị xã Sơn Tây khoảng 230.300 người và dân số thuộc xã Cam Thượng, huyện Ba Vì khoảng 9.500 người).
Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Đô thị vệ tinh Sơn Tây là một trong 5 đô thị vệ tinh của Thủ đô, là thị xã ngoại thành, trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học – kỹ thuật phía tây bắc Thủ đô Hà Nội, có đinh hướng cụ thể là đô thị văn hóa lịch sử và du lịch nghỉ dưỡng.
Về quy mô đất đai, đất phát triển Đô thị vệ tinh Sơn Tây khoảng 4.409 ha, trong đó đất thuộc thị xã Sơn Tây khoảng 3.841 ha và xã Cam Thượng, huyện Ba Vì khoảng 567 ha. Đất xây dựng đô thị khoảng 3.542 ha gồm đất thuộc thị xã Sơn Tây 3231 ha và thuộc xã Cam Thượng, huyện Ba Vì khoảng 311 ha.