Hà Nội mùa này, phố bỗng như sông...

Hà Nội, thành phố có ý nghĩa tên gọi là vùng đất phía trong sông, có sông trong lòng phố, sông ở bên trong đô thị. Rồi một ngày, người ta gọi là Hà "Lội". Bởi phố bỗng hóa sông. Ấy là khi chỉ một cơn mưa tầm 300 mm trút xuống, chỉ nửa tiếng là phố bỗng mênh mông, khắp nơi nước vỗ.

Hình ảnh hiện về một ngày mưa gió, mặt phố hòa mặt hồ trong một mặt phẳng không ngăn cách, những chiếc ôtô nổi lềnh bềnh trong một bãi đậu xe tạm nguyên là đất dự án. Và ở bên phía đối diện của con đường, một hình ảnh như từ đâu đó xa ngái hiện về, hiện thực đến không nghi ngờ, những chiếc vó bè giăng cách những quãng, đều đặn, trên một làn nước mà phía dưới là đường nhựa.

Hà Nội mùa này, phố bỗng như sông... - Ảnh 1.

Đường phố Hà Nội biến thành sông sau cơn mưa sáng 30/4. (Ảnh: HOÀNG LAN ANH)

Hà Nội thập kỷ 80, mấy ai xa lạ với chiếc vó bè ven sông, hay chỉ ra vùng ven thôi, những mạn như Yên Hòa bây giờ, không thiếu. Khi đó, Hà Nội là của những bóng rợp cây xanh, của những mênh mông sóng nước hồ Tây với diện tích mặt nước hơn 800 ha, từ đường Thanh Niên nhìn qua, chỉ mờ một rặng cây xanh.

Hà Nội khi đó là của vô số hồ lớn nhỏ và đầm ao xen kẽ. Bây giờ, hồ Tây chỉ còn hơn 500 ha mặt nước.

Sự phát triển tất yếu kèm với sự xóa bỏ những cũ kỹ và tàn phai. Tất yếu sẽ không còn những hình ảnh đã xưa lắc. Nhưng tầm nhìn kèm theo của sự phát triển mang tính "thị trường", ăn xổi, là hệ quả để bây giờ gánh chịu.

Hà Nội và TP HCM là hai địa phương đầu tiên của cả nước có cốt cao độ. Tất cả các dự án từ nhỏ đến lớn đều phải xin các số liệu, chỉ tiêu kỹ thuật mà cốt cao độ san nền là một nội dung, liên quan hữu cơ đến số liệu cấp, thoát nước.

Nhưng câu hỏi là các số liệu được cấp đều phải tuân thủ khi thiết kế và được các cấp phê duyệt theo quy mô, lớn thì cấp bộ, trung bình thì cấp thành phố, phù hợp quy hoạch chung đã được phê duyệt. Vậy điều gì đã xảy ra khi mưa là ngập trong sự phát triển này?

Ao hồ, hay các dòng sông vốn đều là nơi thoát nước tự nhiên. Lấp bớt ao hồ để phát triển đô thị, cống hóa các kênh mương đương nhiên giảm sức tháo thoát tự nhiên của dòng chảy. Nhưng cao độ các đô thị mới, sức thoát của cống chảy trong các nền đường mới mở xen quanh các khu dân cư hiện hữu có được tuân thủ hay không? Sự tính toán để thoát nước tự nhiên đã và đang hiện rõ sự bất cập.

Hà Nội đã đứng trong tốp các thủ đô rộng nhất của thế giới. Nhưng mưa là ngập, nhất là ở các nơi đô thị hóa lan đến, vốn trước đây là ruộng đồng, kênh mương, ao hồ. Khi lập các dự án phát triển đô thị đã xảy ra điều gì để "phố bỗng thành dòng sông uốn quanh" mỗi khi mưa lớn?

Khi nhìn một Hà Nội phố cổ Tạ Hiện nước lội sóng vỗ, chợt thèm một Hà Nội vắng vẻ trầm mặc của một thời bao cấp khốn khó, của một chả nhái làng Khương Thượng, của một cá rô Đầm Sét, của cà cuống sông Tô Lịch mà cứ mỗi tối, theo ánh đèn măng-sông va đầy tủ kính nhà bán hàng, lăn quay ra ngất...

Vẫn biết đã xa, đã lâu lắc của một thời xưa cũ chẳng bao giờ trở lại, vẫn cứ mơ trong một ngày phố lội ngập chân, đường hè sóng vỗ.

chọn
Ông lớn bất động sản Thái Bình sắp làm khu công nghiệp đầu tay ở Hà Tĩnh
Dragon Group được biết đến là hệ sinh thái đa ngành sở hữu nhiều dự án bất động sản lớn ở Thái Bình. Sắp tới, doanh nghiệp này sẽ đầu tư thêm KCN Gia Lách mở rộng 194 ha tại Nghi Xuân, Hà Tĩnh.