Hà Nội qui hoạch những cảng hàng không và sân bay nào?

Sở Qui hoạch - Kiến trúc (Sở QH-KT) Hà Nội vừa có văn bản kiến nghị xem xét phương án bố trí sân bay thứ hai cho vùng Thủ đô Hà Nội.

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, tại Quyết định về phê duyệt nhiệm vụ Qui hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ qui hoạch 5 cảng hàng không và sân bay bao gồm: Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, các sân bay Gia Lâm, Bạch Mai, Miếu Môn, Hòa Lạc.

Cảng hàng không quốc tế Nội Bài: Cải tạo nâng cấp hàng không, sân bay quốc tế Nội Bài thành cảng hàng không, sân bay quốc tế lớn phía Bắc với các giai đoạn như sau:

- Đến năm 2020: Cảng hàng không quốc tế Nội Bài sẽ được qui hoạch là sân bay dùng chung dân dụng-quân sự, đạt cấp 4F theo quy định của ICAO (Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế), có thể khai thác các loại tàu bay lớn nhất hiện tại như B777-X, B747-8, B777-300ER và A380. Lưu lượng hành khách đạt 20 - 25 triệu hành khách/năm và trên 260.000 tấn hàng hóa/năm;

- Đến năm 2030 cảng hàng không cấp 4F có thể tiếp nhận 35 triệu hành khách/năm và sau năm 2030 là 50 triệu hành khách/năm, 500.000 tấn hàng hóa/năm

Cảng hàng không Gia Lâm: Sử dụng chung cho dân dụng nội địa tầm ngắn và quân sự. Cảng cấp 3C và sân bay quân sự cấp II, với hai đường cất hạ cánh kích thước 2000 m x 45 m, với diện tích 302 ha. Lượng hành khách tiếp nhận: 290.000 hành khách/năm. 

Sân bay Hòa Lạc: Phục vụ mục địch quân sự, có thể phục vụ dân sự khi có yêu cầu. Vị trí sân bay này nằm ở Thạch Hòa, huyện Thạch Thất.

Sân bay Miếu Môn: Phục vụ mục địch quân sự, có thể phục vụ dân sự khi có yêu cầu. Vị trí sân bay này nằm ở Mỹ Lương, Trần Phú, Đồng Lạc, huyện Chương Mỹ.

Sân bay Bạch Mai: Là sân bay cứu hộ, trực thăng. San bay thuộc phường Khương Trung, quận Đống Đa.

Sân bay quốc tế thứ hai cho vùng Thủ đô sẽ được định hướng trong qui hoạch vùng Thủ đô Hà Nội.

Hà Nội có những cảng hàng không và sân bay nào? - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Phạm Thanh/Tiền Phong)

Đối với cảng hàng không Gia Lâm, vào tháng 4/2020, Bộ GTVT đã có Quyết định về việc bãi bỏ Quyết định trước đó về việc qui hoạch tổng thể Cảng hàng không Gia Lâm, TP Hà Nội, giai đoạn đến năm 2015, định hướng đến năm 2025, theo Cổng Thông tin điện tử Bộ Giao thông vận tải. 

Trước đó, vào tháng 2/2018, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định phê duyệt điều chỉnh Qui hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, cảng hàng không Gia Lâm không còn nằm trong hệ thống mạng cảng hàng không toàn quốc, đồng thời Thủ tướng đã giao Bộ GTVT thực hiện các thủ tục bãi bỏ qui hoạch tổng thể đã duyệt  trước đó để Bộ Quốc phòng quản lí theo hiện trạng, theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.

Đối với sân bay quốc tế thứ hai cho vùng Thủ đô, mới đây Sở Qui hoạch - Kiến trúc vừa kiến nghị UBND thành phố Hà Nội giao Sở Giao thông Vận tải phối hợp với các sở, ngành liên quan và Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải - Công ty cổ phần (TEDI) xây dựng dự thảo văn bản của thành phố đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét phương án bố trí sân bay thứ hai cho Vùng Thủ đô Hà Nội. 

Đồng thời Sở Qui hoạch - Kiến trúc cũng kiến nghị cân nhắc việc lựa chọn vị trí tại khu vực phía Nam Hà Nội (ngoài việc mở rộng, nâng công suất Cảng hàng không quốc tế Nội Bài lên 100 triệu hành khách/năm), theo báo Hà Nội Mới đưa tin.

Trong Qui hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dự kiến sân bay thứ hai (sân bay quốc tế Nam Hà Nội) đặt tại khu vực huyện Ứng Hòa, cách trung tâm Hà Nội khoảng 35-40 km.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (13/4 - 19/4): Sắp khởi công nhiều cao tốc ở Bình Dương và Thái Bình
Quốc hội cho ý kiến về báo cáo tiền khả thi cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành; sắp khởi công cao tốc CT 08 đoạn qua Thái Bình và cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua Bình Dương... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.