Hà Nội: Tắc phương án điều chuyển luồng tuyến xe khách

Hơn 1 năm nay, UBND, Sở GTVT Hà Nội và các sở ban ngành liên quan quyết liệt điều chuyển luồng tuyến, chống xe khách xuyên tâm. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lách luật bằng cách chạy liên tỉnh, xuyên tâm Hà Nội để đón trả khách tại trung tâm. Sở GTVT Hà Nội đưa ra giải pháp nhưng Tổng cục Đường bộ chậm trễ phê duyệt.
ha noi tac phuong an dieu chuyen luong tuyen xe khach
Xe Kim Thành Chính chạy tuyến Nghệ An - Bắc Ninh nhưng mục tiêu chính nhằm đón trả khách tại bến xe Mỹ Đình. Ảnh: Bảo An.

Lấy cớ chạy liên tỉnh để về bến Mỹ Đình

Như Tiền Phong phản ánh trong nhiều bài báo gần đây, dù Hà Nội đã thực hiện kế hoạch điều chuyển luồng tuyến xe khách theo hướng xe khách phải dừng tại các cửa ngõ thành phố. Tuy nhiên, tình trạng xe khách chạy xuyên tâm, đặc biệt trên đường vành đai 3 và khu vực bến xe Mỹ Đình vẫn diễn ra phổ biến. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là các doanh nghiệp lách luật bằng cách đăng ký các tuyến xe khách liên tỉnh, “quá cảnh” qua Hà Nội nhưng mục tiêu chính vẫn để đón trả khách trên đường vành đai 3 và bến xe Mỹ Đình.

Thực tế, xe khách giường nằm của hãng Kim Thành Chính chạy tuyến Nghệ An - Bắc Ninh cũng len lỏi xuống cổng Bến xe Mỹ Đình để trả khách. Trong khi nếu từ Nghệ An, đi theo lộ trình xuyên vành đai 3 Hà Nội đi Bắc Ninh (nếu đi theo đường cầu Thanh Trì gần hơn nhiều - PV). Hiện tượng đón trả khách sai hành trình này đã được chúng tôi phản ánh cho ông Nguyễn Viết Hùng, Trưởng phòng Vận tải Sở GTVT Nghệ An từ nhiều tuần. Sau khi nghe phản ánh, ông Hùng cho biết sẽ xử lý quyết liệt xe Kim Thành Chính. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có thông tin hồi âm từ ông Hùng. Trong khi đó, tại bến xe Vinh, vẫn còn rất nhiều xe đăng ký chạy Tuyên Quang, Vĩnh Phúc… nhưng gắn biển sẽ trả khách tại bến xe Mỹ Đình với lộ trình xuyên tâm Hà Nội.

Không chỉ có xe chạy tuyến Nghệ An đi Hà Nội, nhiều doanh nghiệp tuyến cố định khác cũng xảy ra hiện tượng nêu trên. Chẳng hạn, nhiều doanh nghiệp chạy tuyến Hải Phòng – Phú Thọ nhưng thực chất chỉ để vợt khách trên tuyến vành đai 3 Hà Nội và khu vực bến Mỹ Đình. Điều này không chỉ làm ùn tắc giao thông khu vực này, vô hiệu hoá phương án điều chuyển luồng tuyến của Hà Nội mà còn gây tổn thất nặng nề cho doanh nghiệp. “Chúng tôi tuân thủ nguyên tắc điều chuyển của UBND TP Hà Nội, rời khỏi bến xe Mỹ Đình nhưng các doanh nghiệp vẫn lách luật và được các cơ quan nhà nước chấp thuận, khiến chúng tôi mất khách, chỉ kéo dài vài tháng nữa sẽ phá sản” - một chủ doanh nghiệp chạy tuyến Hải Phòng - Hà Nội nêu.

Vì sao Tổng cục Đường bộ chậm trễ?

Để giải quyết tình trạng này, Sở GTVT vừa có văn bản gửi Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ kiến nghị điều chỉnh quy hoạch chi tiết các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh đi và đến Hà Nội, điều chỉnh hành trình hoạt động trên địa bàn thành phố đối với một số tuyến vận tải hành khách liên tỉnh hoạt động thông qua địa bàn Hà Nội để giảm ùn tắc giao thông.

Theo Sở GTVT Hà Nội, Quy hoạch chi tiết tuyến vận tải hành khách tuyến cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 vẫn còn tồn tại một số nội dung chưa phù hợp với tổ chức giao thông trên địa bàn TP Hà Nội, còn những hành trình xe khách đi qua những khu vực có mật độ phương tiện giao thông cao, tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc và mất trật tự ATGT. Sở GTVT Hà Nội khẳng định, đây là một trong những nguyên nhân để các doanh nghiệp vận tải lợi dụng để dừng đỗ, đón trả khách sai quy định, chạy sai hành trình gây mất trật tự ATGT trên địa bàn.

Với những lý do trên, Sở GTVT Hà Nội đề xuất điều chỉnh đối với các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh hoạt động thông qua địa bàn Hà Nội. Theo đó, các tuyến vận tải từ các tỉnh phía Nam, phía Đông, Đông Nam Hà Nội đi các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn… qua Hà Nội với lộ trình cầu Thanh Trì, Quốc lộ 5, cầu Đông Trù. Với các tuyến từ phía Nam, Đông, Đông Nam đi phía Sơn Tây (Hà Nội)…theo hướng Xuân Mai để tránh xuyên tâm Hà Nội.

Cũng trong văn bản nêu trên, GĐ Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện đã liên tục nhắc lại các mốc thời gian đề nghị điều chỉnh luồng tuyến với Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ. Trong đó, ông Viện chỉ ra, lần đề nghị lâu nhất tính đến nay hơn 1 năm rưỡi, lần gần nhất cách nay tám tháng.

Chúng tôi đã đặt câu hỏi này với bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ “vì sao chậm trễ giải quyết đề nghị của UBND TP Hà Nội?”, bà Hiền cho biết, tới đây sẽ xem xét. Trong khi đó, nhân viên của bà Hiền trong nhiều diễn đàn công khai công bố cứ 6 tháng, Tổng cục Đường bộ tiếp nhận đề nghị điều chuyển luồng tuyến của địa phương để xem xét điều chỉnh.

“Việc xe lách luật chạy liên tỉnh, xuyên tâm Hà Nội đã được phản ánh từ nhiều năm nay. Việc chậm giải quyết là rất bất thường. Hà Nội có thẩm quyền quyết việc điều tiết phương tiện qua địa bàn, tuy nhiên, Bộ GTVT quy định phải thông qua bộ. Vì thế, các cơ quan nên sớm ngồi lại với nhau để giải quyết”.

Ông Bùi Danh Liên , Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.