Chị Phạm Thị Bằng, có con học lớp 5 Trường tiểu học Nguyễn Trãi, Hà Đông (Hà Nội) cho biết, năm nay chị dự định sẽ mua hồ sơ cho con dự thi vào Trường Lương Thế Vinh. Chị Bằng đôn đáo tìm giáo viên luyện thi cho con theo học các môn Văn, Toán, Ngoại ngữ. Ngoài giờ học trên lớp, chị chở con đến nhà giáo viên luyện thi để bổ túc thêm kiến thức các môn kín mít tuần.
Tương tự, anh Phạm Tuấn Anh ở Thanh Xuân (Hà Nội) lâu nay rất khao khát cho con được vào Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam. Vì thế, khi hay tin năm nay học sinh có thể thi tuyển vào trường, cả gia đình cứ hân hoan vì con đã có một cơ hội thử sức một cách công bằng, minh bạch. Khoảng 2 tháng nay, vợ anh đã xin nghỉ việc chỉ để làm nhiệm vụ đưa đón con đến trường và học thêm các giáo viên giỏi.
“Khi hay tin, bố mẹ có trách nhiệm tìm kiếm giáo viên giỏi để ôn luyện cho con. Có người mách ở Hải Phòng có giáo viên dạy Toán giỏi, đợt trước Tết gia đình đã cho con về theo học được khoảng 1 tuần”, anh tâm sự.
Trên các trang mạng, diễn đàn năm nay cũng đã nở rộ dịch vụ ôn luyện thi vào lớp 6. Trong đó, một số trang chỉ ôn luyện kiến thức các môn chính như Văn, Toán, Ngoại ngữ nhưng cũng có trang đã lấy các đề kiểm tra, đánh giá năng lực của Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa (TP HCM) những năm trước, xây dựng lại những bộ đề tương tự để thu hút học sinh luyện đề.
Thí sinh sẽ tăng cao
Hiệu trưởng một trường “nóng” tuyển sinh vào lớp 6 ở Hà Nội cho rằng, những năm trước khi bị cấm thi tuyển, trường chẳng có phương án nào khác ngoài xét tuyển học bạ thì vô cùng khổ. Bởi, lượng hồ sơ nộp vào nhiều hơn chỉ tiêu, trong khi 100% học bạ đều đẹp giống nhau, thậm chí tiêu chí phụ là bằng khen, các giải thưởng cũng nhiều vô kể.
“Năm nay, lượng hồ sơ có thể tăng lên so với năm ngoái nhưng trường sẽ chuẩn bị phương án làm bài thi cho tất cả học sinh tham gia. Điểm xét tuyển sẽ được lấy từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu sẽ rất công bằng cho học sinh, trường cũng tuyển được học sinh khá, giỏi đúng như mong muốn”, hiệu trưởng này nói.
Thầy Phạm Trung Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết, đến thời điểm này nhà trường vẫn phải chờ phương án chính thức của Bộ GD&ĐT. Thầy Dũng cho biết, cũng như những năm trước, năm học 2018-2019, trường có chỉ tiêu tuyển sinh khoảng 600 em ở cả hai cơ sở. Những năm trước, tuy xét tuyển nhưng lượng hồ sơ luôn cao hơn rất nhiều so với chỉ tiêu. Không được thi tuyển, việc xét tuyển rất khó khăn.
Riêng năm nay, khi thấy có phương án xét tuyển kết hợp làm bài thi nhà trường khẳng định năm nay đã có phương án tốt hơn. Điều trường băn khoăn là không biết Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ quyết định phương án làm bài thi đánh giá năng lực hay cho các trường kiểm tra kiến thức Văn, Toán.
“Kiểm tra kiến thức Văn, Toán sẽ dễ làm hơn còn ra được đề thi đánh giá năng lực cho học sinh tiểu học cũng không phải dễ vì trường cũng chưa có kinh nghiệm”, thầy Dũng nói.
Trước đó, trao đổi với Tiền Phong, bà Văn Thùy Dương, lãnh đạo nhà trường chia sẻ, phụ huynh không nên vội vàng cho con tới các trung tâm luyện thi. Bởi, trước đây một số trung tâm quảng cáo có giáo viên của trường tham gia luyện thi ở trong đội ngũ ra đề thi, tuy nhiên khi ban giám hiệu đến kiểm tra thì đó chỉ là thông tin giả, nhằm hút học sinh.
Bà Lê Kim Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Cầu Giấy cho biết, năm nay trường vẫn tuyển 280 học sinh chia đều 7 lớp. Tuy nhiên, bà Kim Anh dự tính, lượng hồ sơ đăng ký sẽ cao hơn rất nhiều so với mọi năm, bởi năm nay cơ hội sẽ chia đều cho tất cả học sinh, vì thế sẽ có nhiều em muốn thử sức.
Bà Kim Anh cũng cho rằng, việc xét tuyển kết hợp với thi tuyển là phù hợp, công bằng cho học sinh và là phương án dễ thực hiện cho các trường. Bà mong muốn, sắp tới đây Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ có một phương án cho tất cả các trường “nóng” tuyển sinh lớp 6 để các trường không phải trình phương án riêng về tuyển sinh.
“Làm như vậy sẽ đồng bộ và công bằng cho học sinh”, bà Kim Anh nói. Cũng theo bà Kim Anh có nhiều ý kiến lo ngại, việc cho học sinh thi tuyển có thể sẽ bùng phát việc luyện thi. Riêng điều này, nhà trường đã yêu cầu giáo viên cam kết không được dạy thêm, luyện thi dưới bất kỳ hình thức nào, do đó việc phụ huynh nghe đồn ở trung tâm này, trung tâm nọ có giáo viên của trường đang luyện thi rồi đưa con em mình đến học là không đúng.
Ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, hiện tại sở đã xây dựng phương án tuyển sinh vào lớp 6 cho một số trường không phải thực hiện nhiệm vụ phổ cập. Tuy nhiên, phương án cũng đang được trình duyệt. Sắp tới, sở sẽ công bố sớm để các trường nắm và triển khai cụ thể tới phụ huynh, học sinh. |