Anh Lê Văn Phương sống tại tầng 14 chung cư Minh Khai (Hai Bà Trưng) cũng bị chóng mặt lúc gần 7h. "Tôi nhìn chai nước để trên mặt bàn rung rinh, đoán ngay có động đất vì mấy hôm trước đã xảy ra hiện tượng như vậy", anh Phương cho hay.
Khoảng 6h49 ngày 28/11, anh Nguyễn Nam Phong sống tại tầng 17, chung cư trên đường Hồ Tùng Mậu (Cầu Giấy) thấy một số đồ vật trong nhà rung lên, người chao đảo. "Ban đầu tôi tưởng mình bị choáng vì mới ngủ dậy, nhưng sau hỏi vợ đang trong bếp thì cũng có cảm giác tương tự", anh Phong nói.
Tại xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng), anh Hoàng Văn Ken nghe tiếng động từ ngọn núi Sá Lìn phía sau nhà, chạy ra ngoài, anh thấy đất đá trên đỉnh lăn ầm ầm xuống chân núi. "Trong trận động đất ba hôm trước, đất đá cũng lăn xuống núi rất nhiều", anh Ken nói.
Ông Nông Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Phong Châu, huyện Trùng Khánh nói, "người nhà tôi đang ngủ thì bị đánh thức bởi xung quanh rung lắc, độ mạnh tương đương với trận động đất hôm 25/11".
Ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lí địa cầu cho biết, khoảng thời gian trên, trận động đất độ lớn 4,7 và độ sâu tâm chấn 10 km xảy ra tại xã Phong Châu, huyện Trùng Khánh. "Đây là trận động đất mức độ nhẹ, tiệm cận trung bình nên người dân trên nhà cao tầng ở Hà Nội có thể cảm nhận được rung chấn", ông Xuân Anh nói.
Vị trí xã Phong Châu, huyện Trùng Khánh.
Ngày 25/11 đã xảy ra hai trận động đất liên tiếp vào lúc 8h18 và 10h56 tại huyện Trung Khánh (Cao Bằng) với độ lớn lần lượt là 5,4 (độ sâu tâm chấn 14 km) và 3,8 (độ sâu tâm chấn 10 km). Lúc 12h31 cùng ngày, trận động đất độ lớn 2,8 và độ sâu tâm chấn khoảng 12 km xảy ra tại khu vực tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
Trước đó lúc 6h50 sáng 21/11, người dân ở một số tòa nhà cao tầng Hà Nội thấy đồ đạc rung nhẹ, cảm giác chóng mặt. Nguyên nhân là động đất độ lớn 6,1 tại Lào.