Những siêu dự án 'cất cánh' cho khu Đông Sài Gòn vẫn chưa hẹn ngày về đích

Dự án cầu đường trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, bến xe Miền Đông mới, mở rộng xa lộ Hà Nội... là những dự án mà người dân khu Đông TP HCM mong chờ để giải quyết tình trạng kẹt xe nghiêm trọng. Đến nay, các dự án trên vẫn chưa biết khi nào về đích.
congtrinh1

Dự án Khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm được phê duyệt quy hoạch năm 1996 với quy mô 930 ha, trong đó KĐTM 770 ha, Khu tái định cư 160 ha, dân số khoảng 200.000 người, khu tái định cư khoảng 45.000 người. Vị trí của Thủ Thiêm là đất vàng, được kì vọng sẽ hình thành khu phố Đông trong tương lai khi nằm bên bờ sông Sài Gòn đối diện với quận 1 và là trung tâm mới trung tâm thành phố hiện hữu.

congtrinh2

Sau 23 năm, rất nhiều dự án trong KĐTM đã được đầu tư xây dựng hiện đại và đồng bộ như hầm vượt sông Sài Gòn, đại lộ Mai Chí Thọ, cầu Thủ Thiêm... khiến giá bất động sản nơi đây tăng chóng mặt. Khu vực hầm vượt sông Sài Gòn - đại lộ Mai Chí Thọ được xem là trục xương sống chính của khu đô thị này khi có thể kết nối với xa lộ Hà Nội (đi Bình Dương, Đồng Nai), đại lộ Võ Văn Kiệt (đi về các tỉnh miền Tây) và cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây (một phần trong tổng thể cao tốc Bắc - Nam).

congtrinh4

Hiện tại, khu đô thị này kết nối với trung tâm TP thông qua hầm vượt sông Sài Gòn (nối quận 1) và cầu Thủ Thiêm (nối Bình Thạnh). Trong tương lai, siêu dự án của khu Đông Sài Gòn sẽ có thêm các cây cầu Thủ Thiêm 2 (đang thi công, nối quận 1), Thủ Thiêm 3 (nối quận 4) và Thủ Thiêm 4 (nối quận 7). Khi đó, người dân nơi đây sẽ được hưởng hạ tầng giao thông hoàn chỉnh nhất TP, có thể nhanh chóng đi - về các quận khác. Để thực hiện siêu dự án này, TP HCM phải mất 10 năm để giải tỏa trắng gần như toàn bộ bán đảo Thủ Thiêm với khoảng 15.000 hộ dân cùng 30.000 tỉ đồng bồi thường, tái định cư.

congtrinh3

Bên cạnh đó, bốn tuyến đường được đặt kí hiệu R1 (đại lộ vòng cung), R2 (đường ven hồ trung tâm), R3 (đường ven sông Sài Gòn), R4 (đường vùng châu thổ) có tổng chiều dài 11,9 km bao gốm 10 cây cầu, tổng mức đầu tư 12.182 tỉ đồng tạo bộ mặt giao thông hoàn chỉnh cho siêu dự án này. Tuy nhiên vừa qua, Thanh tra Chính phủ kết luận, việc xây dựng bốn tuyến đường chính trong KĐTM Thủ Thiêm khi chưa làm rõ ý kiến của các sở, ngành liên quan là không đúng quy định. Một số khoản phê duyệt không đúng quy định với tổng giá trị hơn 1.500 tỉ đồng.

congtrinh5

Báo cáo của UBND thành phố về đánh giá tổng quan cân đối vốn khi đầu tư KĐTM Thủ Thiêm và kết quả thanh tra cho thấy, tổng chi phí phải trả là hơn 83.335 tỉ đồng (gồm chi phí đầu tư và lãi tiền tạm ứng từ ngân sách). Tổng thu dự kiến đến nay là trên 74.601 tỉ đồng, mất cân đối vốn khoảng 8.734 tỉ đồng cùng hàng loạt sai phạm khác. Hiện nay KĐTM Thủ Thiêm còn tổng quỹ đất khai thác là 55 lô với diện tích gần 794.000m2, dự kiến bán thu về khoảng 22.000 tỉ đồng.

8e3bbdfc2150c70e9e41

Trong khi KĐTM Thủ Thiêm đang ngày càng thu hút các đại gia bất động sản trong và ngoài nước với những dự án tỉ USD thì người dân từng sinh sống trên khu vực này hàng chục năm lâm vào cảnh mất đất, khiếu kiện kéo dài. Điển hình là khu tái định cư Bình Khánh trên diện tích 38 ha với 6.220 căn hộ hoàn thành đã lâu nhưng vắng người dân nằm trong diện tái định cư đến ở. Tháng 11/2019, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã yêu cầu TP HCM tiếp tục tổ chức đối thoại với những người dân Thủ Thiêm còn khiếu nại và báo cáo Thủ tướng trước ngày 1/1/2020 về kết quả các cuộc đối thoại trên và phương án giải quyết vướng mắc của người dân.

DSC_0107

Cùng với xa lộ Hà Nội và các cung đường cửa ngõ khác, tuyến đại lộ Mai Chí Thọ - hầm Thủ Thiêm hiện nay cũng lâm vào tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng vì các dự án bất động sản tăng rất nhanh kéo theo lượng cư dân cùng phương tiện giao thông khổng lồ đến khu vực này. Trong khi đó, dự án cầu Thủ Thiêm 2 đang gặp khó vì vướng giải phóng mặt bằng phía quận 2, Thủ Thiêm 3 và 4 chưa thể khởi động trong khi các tuyến đường vòng cung vẫn trong tình trạng chưa chính thức đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, dự án Trung tâm triển lãm quốc tế tại đây cũng đang phơi mưa nắng khi gần hoàn thành nhưng không thi công tiếp.

congtrinh6

Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP HCM, khởi công vào tháng 8/2012 với tổng mức đầu tư ban đầu là 17.400 tỉ đồng. Dự án có tổng chiều dài 19,7 km đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP HCM) và thị xã Dĩ An (Bình Dương), khoảng 2,6 km đi ngầm (3 nhà ga) và hơn 17 km trên cao (11 nhà ga). Điểm đầu của tuyến tại nhà ga Bến Thành đang được rào chắn để thi công đi ngầm dưới lòng đất.

congtrinh7

Sau hơn 7 năm, toàn bộ dự án đạt 75% tổng khối lượng thi công. Tuy nhiên, tổng mức đầu tư ban đầu từ 17.400 tỉ đồng được TP HCM đề xuất lên gần gấp 3 là 47.000 tỉ đồng. Việc tăng tổng mức đầu tư này vì nhiều nguyên nhân như biến động khách quan của giá nguyên liệu, nhiên liệu; tăng mức lương tối thiểu từ năm 2006 đến năm 2009; tăng đầu tư cho đầu máy, toa xe, trang thiết bị nhà ga; đầu tư đầy đủ cho xưởng bảo trì sửa chữa, đầu tư cho tòa nhà trung tâm điều khiển cả hệ thống đường sắt đô thị của thành phố; đầu tư cho trụ sở công ty vận hành và bảo dưỡng đường sắt đô thị.

congtrinh8

Bên cạnh đó, sự biến động tỉ giá giữa tiền yen Nhật Bản - đồng Việt Nam cũng khiến đầu tư của dự án tăng. Các nội dung điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án đã được Chính phủ báo cáo Quốc hội từ tháng 10/2011 và được Bộ Chính trị thông qua chủ trương điều chỉnh tổng mức đầu tư vào tháng 10/2018 nhưng đến nay các bộ, ngành và TP HCM vẫn chưa hoàn thành việc điều chỉnh vốn đầu tư.

congtrinh9

Ngoài khó khăn lớn nhất là điều chỉnh tổng mức đầu tư, metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên cũng nhiều lần lâm tình trạng đói vốn, nhà thầu dọa ngưng thi công, biến động nhân sự lãnh đạo ở Ban Quản lí đường sắt đô thị TP HCM cũng khiến dự án gặp nhiều vướng mắc. Ban đầu, tuyến đường sắt đô thị của TP HCM dự kiến hoàn thành xây dựng vào năm 2017, vận hành vào năm 2018 nhưng sau đó nhiều lần phải lùi thời gian. Dự kiến mới nhất hiện nay là sẽ vận hành vào quý 4/2021.

congtrinh11

Trong việc tháo gỡ khó khăn cho tuyến metro số 1, mới đây TP HCM đã nhận được ý kiến thẩm định dự án của Bộ Kế hoạch - đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng. Hội đồng thẩm định dự án điều chỉnh metro TP sẽ hoàn tất thủ tục thẩm định để trình UBND TP và HĐND TP xem xét phê duyệt điều chỉnh dự án. Trong cuộc họp vào giữa tháng 11/2019, ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, thông qua rà soát, loại bỏ yếu tố và hạng mục không cần thiết, dự án sẽ tiết kiệm được 3.400 tỉ đồng, tổng mức đầu tư sẽ giảm xuống còn 43.600 tỉ đồng.

congtrinh12

Dự án mở rộng xa lộ Hà Nội từ ngày khởi công năm 2010, dự kiến hoàn thành trong 3 năm nhưng đến nay đã gần 10 vẫn chưa thể về đích. Dự án là hợp đồng giữa Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kĩ thuật TP HCM (CII) và UBND TP HCM, sẽ hoàn thành trong 3 năm sau khi được bàn giao mặt bằng.

congtrinh13

Xa lộ Hà Nội, metro số 1 Bến Thành Suối Tiên qua nút giao thông ngã ba Cát Lái. Giải thích về nguyên nhân chậm tiến độ đến 7 năm, lãnh đạo Ban điều hành dự án xa lộ Hà Nội cho biết vì tình trạng dự án "vướng" dự án. Cụ thể, mở rộng xa lộ Hà Nội đang trùng vị trí thi công với các nhà ga Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái, Thủ Đức của metro số 1 và dự án vệ sinh môi trường nước giai đoạn 2 đang triển khai thi công hệ thống cống thoát nước trên địa bàn quận 2.

congtrinh14

Bên cạnh đó, mặt bằng dự án mở rộng xa lộ Hà Nội qua địa bàn thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương) vẫn chưa được bàn giao hết khiến việc thi công đình trệ. Việc này khiến mức đền bù giải phóng mặt bằng tăng từ 1.410 tỉ đồng lên 2.780 tỉ đồng, thiệt hại 1.370 tỉ đồng.

congtrinh15

Theo CII lí giải, trong dự án xa lộ Hà Nội, TP HCM giao cho quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức chịu trách nhiệm thực hiện đền bù giải tỏa, bàn giao mặt bằng trên địa bàn TP HCM trước ngày 30/4/2010. Khu quản lí giao thông đô thị số 2 là đơn vị thực hiện dự án đền bù giải tỏa trên địa bàn tỉnh Bình Dương, bàn giao mặt bằng trước ngày 30/6/2010. Còn phần diện tích dự án tại thị xã Dĩ An, phải đến tháng 4/2017 thì tỉnh Bình Dương mới hoàn thành phương án đền bù giải tỏa. Đến nay, thời gian hoàn thành sớm nhất được nêu ra là phải đến 2022 khi tỉnh Bình Dương hoàn thành điều chỉnh bồi thường giải tỏa trên địa bàn.

congtrinh16

Theo Kiến trúc sư Võ Kim Cương - nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP HCM, hạ tầng giao thông phải là cái đi trước các hạ tầng khác như nhà ở và dân cư. Tuy nhiên hiện nay nhiều dự án ở khu Đông đang rất chậm chạp vì vướng mắc liên tục trong khi lượng dân cư đang đổ mạnh về khu vực này với các dự án bất động sản càng khiến cho tình hình giao thông ngày một tệ hơn. "Nếu dự án giao thông đi sau dự án về nhà ở hay dân cư, khi hoàn thành thì nó cũng sẽ bộc lộ nhiều hạn chế và nhanh chóng quá tải, lạc hậu", ông Cương nói.

congtrinh17

Một dự án khác gần như đã hoàn thành nhưng người dân TP HCM không biết đến khi nào mới được đưa vào sử dụng là bến xe Miền Đông mới nằm ở quận 9. Công trình này trên diện tích 16 ha, là bến xe rộng nhất nước với tổng mức đầu tư hơn 4.000 tỉ đồng, phục vụ khoảng 7 triệu lượt khách/năm. Dự án do Tổng công ty cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn - TNHH MTV (Samco) làm chủ đầu tư.

congtrinh18

Bến xe có vị trí cực kì thuận lợi khi nằm ngay mặt tiền xa lộ Hà Nội, đầu tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên tại trạm depot Long Bình. Các công trình như hầm chui, cầu vượt, cải tạo mở rộng quốc lộ 1, hệ thống đường Hoàng Hữu Nam sẽ tạo nên mạng lưới kết nối đa dạng vào bến xe này. Do vậy, người dân và chính quyền TP HCM mong muốn án nhanh chóng đi vào hoạt động để giải quyết triệt để ùn tắc giao thông quanh khu vực bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh).

congtrinh19

Nhà ga trung tâm của bến xe với 2 tầng hầm và 4 tầng nổi, rộng 50.000m2 đã hoàn thành nhưng vẫn chưa thể vận hành. Ngoài chức năng vận tải hành khách, bến xe Miền Đông mới còn cung cấp các dịch vụ bãi đậu xe cao tầng, khu vực sửa chữa, trạm tiếp nhiên liệu, khu trung chuyển và giao dịch hàng hóa, khu thương mại dịch vụ, giải trí.

congtrinh20

Ngày 15/8 vừa qua, người dân TP HCM một lần thất vọng khi công trình này chưa thể đi vào hoạt động như dự kiến vì nhiều lí do, trong đó quan trọng nhất là công tác thẩm định giá cho chủ đầu tư thuê đất xây dựng bến xe đang chờ Hội đồng thẩm định giá đất TP xem xét. Do vậy, phái Samco chưa đủ cơ sở pháp lí để ký hợp đồng với đơn vị khai thác dịch vụ quản lí bến xe; chưa có cơ sở pháp lí để đấu thầu, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ tiện ích trong nhà ga theo quy định.

Hiện nay, Samco hoàn tất thủ tục theo quy định nên chưa xác định được thời gian đưa vào khai thác bến xe miền Đông mới dù công tác xây dựng gần như hoàn tất. Nhiều khu vực tại dự án này để lâu ngày nên cỏ dại mọc đầy và cảm giác khá hoang vắng.