TP HCM điều chỉnh tổng mức đầu tư tuyến metro số 1 còn 43.600 tỉ đồng, tiết kiệm 3.400 tỉ

Thông qua rà soát, loại bỏ yếu tố và hạng mục không cần thiết, tổng vốn đầu tư tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên được điều chỉnh từ 47.000 tỉ đồng xuống còn 43.600 tỉ.

Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên tiết kiệm được 3.400 tỉ đồng tiền vốn

Ngày 13/11, bên lề Hội nghị sơ kết phong trào bảo đảm trật tự an toàn giao thông TP HCM giai đoạn 2017-2018, ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, dự án metro thực hiện trong điều kiện chưa có cơ sở thực tiễn, pháp lí rõ ràng. Từ đó, khi triển khai có những khó khăn nhất định, cũng như vướng mắc về pháp lí, cơ sở xem xét lựa chọn.

1

Tuyến metro số 1. (Ảnh: Trường Nguyên).

"Ngay cả khi nghiên cứu điều chỉnh thiết kế kĩ thuật, để điều chỉnh tổng mức đầu tư phải tính đến trăm ngàn chi tiết. Nếu không chuẩn bị kĩ lưỡng, sau này kiểm tra đánh giá, thanh toán quyết toán sẽ rất khó, vì hồ sơ rất nhiều", ông Hoan nói.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP HCM, sau khi có ý kiến của Trung ương, Bộ Chính trị, TP đã phối hợp tốt với các bộ, hiện mọi thứ đã hoàn thành. Theo đó, TP họp hàng tuần, hội đồng thẩm định điều chỉnh thiết kế kĩ thuật và hội đồng thẩm định điều chỉnh tổng mức đầu tư đều làm việc rất năng suất. Nhiều nhà khoa học, chuyên gia, cán bộ đầu ngành cũng làm việc hết sức khẩn trương.

"Vừa rồi, 2 bộ có ý kiến, TP họp hội đồng thẩm định, cơ bản không vượt tổng mức đầu tư theo quy định Quốc hội", ông Hoan cho biết.

Cụ thể, theo dự kiến, tuyến metro số 1 sẽ sử dụng nguồn vốn 47.000 tỉ đồng. Song, thông qua rà soát, loại bỏ yếu tố và hạng mục không cần thiết, đấu thầu tiết kiệm được 3.400 tỉ đồng. Theo đó, phê duyệt tuyến này còn 43.600 tỉ đồng. Đối với tuyến metro số 2 là hơn 47.000 tỉ đồng.

Sắp tới TP chuẩn bị hồ sơ để trình HĐND TP xem xét ra nghị quyết về bố trí vốn ngân sách để triển khai. Nếu được thông qua sẽ báo cáo Trung ương, vốn đối ứng TP bố trí.

"Vốn Trung ương vay lại thì đề xuất Bộ Kế hoạch bố trí vốn. Những lần trước ứng hơn 5.000 tỉ đồng. Sau khi hoàn tất các thủ tục thì bố trí vốn, TP thanh toán tiếp tục và hoàn vốn ngân sách. Nhà đầu tư, TP khẩn trưởng và đơn vị thi công đều khẩn trương, vì hạn là cuối 2021", Phó Chủ tịch UBND TP HCM nói.

TP bố trí thêm 1.700 tỉ đồng tạm ứng cho doanh nghiệp, người lao động

Cũng theo Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan, sang năm 2020, tất cả công tác liên quan dự án này sẽ hoàn thành. Theo đó, nhiều vấn đề cần triển khai như đưa đầu máy toa xe về, đào tạo đội ngũ lái xe, nhân viên, đưa vào quản lí...

"Cố gắng làm sao đưa công ty đường sắt vào hoạt động sớm. Thành lập rồi, có lãnh đạo rồi, đang tuyển dụng nhân viên đưa đi đào tạo, bố trí vốn cho công ty hoạt động. Công ty tiếp cận ngay bây giờ để vận hành 2021", ông Hoan nói.

Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, hiện tuyến metro số 1 đã hoàn thành 75%, cơ bản nhìn ra được hết yếu tố tác động và khả năng ít điều chỉnh. TP cũng tìm nhiều cách bố trí thêm, nhưng về hạng mục thì không cần bổ sung. "TP đã tính hết điều kiện rồi, yên tâm là không vấn đề gì phát sinh thêm", ông Hoan nhấn mạnh.

"Sau này có tiền nhưng không có liền vì thủ tục phức tạp cần thời gian, TP chủ động chuẩn bị 1.700 tỉ đồng, bố trí tạm ứng tiếp giải quyết giáp ranh năm cũ, năm mới", ông Hoan cho biết. Theo đó, số tiền này sẽ dùng để bổ sung tạm ứng cho doanh nghiệp, người lao động yên tâm làm việc.

Tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên, dài 19,7 km, được phê duyệt từ năm 2007, ban đầu có tổng mức đầu tư 17.400 tỉ đồng. Nến năm 2010, dự án được phê duyệt lại trên cơ sở điều chỉnh thiết kế cộng với sự thay đổi tỉ giá đồng yen Nhật, nâng tổng mức đầu tư lên 47.300 tỉ đồng.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.