Xa lộ Hà Nội cùng với đại lộ Phạm Văn Đồng, đại lộ Mai Chí Thọ, cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây là 4 tuyến đường quan trọng nhất kết nối trung tâm TP HCM với các tỉnh miền Đông như Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và đi ra phía Bắc. Trong đó, xa lộ Hà Nội được xem là tuyến cửa ngõ quan trọng nhất, có lưu lượng giao thông lớn nhất của TP HCM.
Điểm cửa ngõ của xa lộ Hà Nội giáp ranh với thị xã Dĩ An của tỉnh Bình Dương tại cầu Đồng Nai. Toàn tuyến có 5 cây cầu trọng yếu gồm cầu vượt ngã ba Tân Vạn, cầu vượt Trạm Hai, cầu vượt ngã tư Thủ Đức, cầu Rạch Chiếc, cầu vượt ngã ba Cát Lái và cầu Sài Gòn. Mỗi sáng, lượng lớn người dân từ TP Biên Hòa (Đồng Nai), thị xã Dĩ An (Bình Dương), quận 2, 9, Thủ Đức chọn tuyến đường này để vào trung tâm thành phố. Cộng với lượng xe đầu kéo, xe tải nặng vào các cảng dọc xa lộ Hà Nội nên tình trạng ùn tắc thường xuyên xảy ra.
Anh Trần Vĩnh Phong (32 tuổi, ngụ đường Nguyễn Văn Tăng, phường Long Thạnh Mỹ, quận 9) cho biết, để vào cơ quan làm việc tại trung tâm quận 1, mỗi ngày anh chọn tuyến đường đi xuyên Khu Công nghệ cao ra xa lộ Hà Nội rồi hướng vào trung tâm thành phố. Đoạn đường này dài khoảng 20km, trong thời điểm giao thông ổn định, anh di chuyển trong khoảng 30-40 phút là đến nơi.
Anh Phong chia sẻ, mỗi sáng thường dậy đi khá sớm đi làm để tránh mệt mỏi vì ùn tắc giao thông nhưng không hôm nào thật sự thoát khỏi cảnh nhích từng chút một trên tuyến đường này. Trong ảnh: ùn tắc giao thông tại đoạn dốc cầu Rạch Chiếc hướng từ khu quận 2 vào trung tâm, nhiều loại ô tô lưu thông lấn vào phần đường xe máy.
"Đoạn từ Suối Tiên về tới ngã tư Thủ Đức thường đi khá "ngon lành" vì có thêm đường song hành xa lộ Hà Nội. Tuy nhiên, đến các giao lộ ở ngã tư MK, ngã tư Bình Thái thì tình trạng kẹt xe luôn hiện hữu vì rất nhiều xe đầu kéo, xe tải nặng ra vào các cảng Phước Long, Trường Thọ, Kho vận, Sotrans... dọc tuyến đường huyết mạch này. mỗi lần một xe đầu kéo vào là coi như chặn cả con đường, không có lối nào để tránh nữa", anh Phong nói.
Trên toàn tuyến, ùn tắc giao thông nghiêm trọng nhất và diễn ra hầu hết thời điểm trong ngày là đoạn từ chân cầu Rạch Chiếc đến đường dẫn lên cầu vượt ngã ba Cát Lái. "Đoạn này chỉ khoảng 1,5km nhưng trong giờ cao điểm đôi khi phải mất từ 15-20 phút mới qua được. Nếu đi và về trong giờ cao điểm, tôi mất khoảng 2 giờ mỗi ngày vì kẹt xe trên xa lộ Hà Nội", anh Phong chắc chắn.
Nhiều lúc để thoát khỏi ùn tắc trên cây cầu này, nhiều người đi xe máy chạy lên cả phần đường của người đi bộ. Điều này khá nguy hiểm vì phần này chỉ rộng khoảng 1m, rất dễ ngã nếu xảy ra sự cố.
Đáng lo ngại hơn, mỗi khi xảy ra va chạm giữa các xe nhưng hiện trường không được nhanh chóng di dời thì ùn tắc giao thông lập tức. Sáng 13/11, sự cố xe container kéo sập dầm cầu đi bộ gần công viên Suối Tiên khiến giao thông ùn tắc khoảng 2km diễn ra trong nhiều giờ. Lúc này, rất nhiều xe khách, xe buýt, ô tô con lập tức lấn chiếm vào làn xe máy.
"Nhiều lúc, sự cố va chạm xảy ra trên làn ô tô, nếu hiện trường không được giải quyết ngay thì sẽ ùn tắc ít nhất cũng 1-2 giờ. Các tài xế lưu thông sang phần đường xe máy để thoát kẹt, đẩy nhiều người lên vỉa hè. Tình trạng này diễn ra thường xuyên", một người dân quận Thủ Đức ngao ngán.
Nguyên phó Kiến trúc sư trưởng TP HCM, Võ Kim Cương, ngoài nguyên nhân đây là con đường "gánh" gần như phần lớn lượng xe phía Đông đi vào thành phố thì dân cư tăng rất nhanh thời gian qua, lượng phương tiện đi theo tăng mạnh khiến tình trạng ngày càng nghiêm trọng hơn. "Người dân từ cầu Rạch Chiếc trở ra, muốn vào trung tâm thì xa lộ Hà Nội gần như là lựa chọn đầu tiên vì các tuyến đường vành đai chưa hoàn thiện", vị chuyên gia này nói.
Đây cũng là con đường gần như duy nhất đón lưu lượng xe tải nặng, xe đầu kéo chở hàng vào các cảng lớn của TP HCM dọc xa lộ Hà Nội (cảng Phước Long, Trường Thọ, Kho vận, Sotrans), cảng Cát Lái (theo lộ trình Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống), Khu chế xuất Tân Thuận (Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống - cầu Phú Mỹ), đi về khu vực miền Tây (qua Mai Chí Thọ - Võ Văn Kiệt, hoặc Quốc lộ 1A).
Đến giờ cao điểm chiều, lượng lớn xe đầu kéo từ các cảng này trở ra xa lộ Hà Nội cộng với xe máy - ô tô con của người dân đi làm về tiếp tục khiến tuyến đường phía Đông trở nên rất chật chội đông đúc.
Lúc này, xa lộ Hà Nội hướng lưu thông từ trung tâm thành phố đi ra thường xuyên xảy ra ùn tắc trong khi chiều ngược lại khá thưa thớt. Theo số liệu từ cuộc tổng điều tra dân số được công bố vào tháng 7/2019, dân số 3 quận phía Đông gần 1.169.000 người, mật độ dân số đạt 5.437 người/km2, cao hơn mức trung bình của toàn TP HCM (4.363 người/km2).
"Khu phía Đông có nhiều dự án giao thông đang thi công như metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, mở rộng xa lộ Hà Nội, các tuyến đường vành đai... tạo nên cơ sở hạ tầng tốt nên cư dân đổ về sinh sống là điều tất yếu. Nhiều dự án chung cư cao cấp, đa số dọc tuyến metro số 1, xa lộ Hà Nội và nhiều siêu dự án dân cư đang hình thành cũng góp phần khiến dân số khu này tăng rất nhanh. Nếu không có quy hoạch hoàn chỉnh, quyết liệt thì vấn nạn kẹt xe về lâu dài vẫn là bài toán khó...", KTS Võ Kim Cương nói.
Thời điểm 19h trên cầu Rạch Chiếc, làn đường xe máy đi ra ngoại thành không còn chỗ trống, làn ô tô cùng hướng đang ùn tắc kéo dài từ giữa cầu.
Đoạn này thì chiều tối nào cũng vậy, nhất là khu vực qua trạm thu phí gần chân cầu Rạch Chiếc kéo dài về ngã tư Bình Thái.
Những lúc xe đầu kéo ra vào cảng là chặn đứng hàng ngàn phương tiện đang chen chúc trên đường. "Lo lắng nhất là lúc như thế, cảm giác len lỏi qua đầu chiếc xe to lớn đang nổ máy rất khó diễn tả. Dừng lại cũng không được vì phía sau hàng ngàn xe khác đang dồn tới", anh Phong kể.
Để về nhà, người đi xe máy không còn cách nào ngoài việc len lỏi qua những khe hở nhỏ hẹp giữa các ô tô.
Cả đoạn đường dài gần 2km ken đặc xe.
Để tránh giao thông hỗn loạn "chút nào hay chút đó", người đi xe máy rẽ vào các đường dẫn của xe container vào cảng Nam Hòa, Phước Long.
Tuy nhiên, con đường tránh này cũng tập trung nhiều xe tải trọng lớn và đặc biệt là bụi bẩn mù mịt.
Lượng bụi này cũng bị cuốn ra xa lộ Hà Nội khiến tầm nhìn hạn chế rất nhiều.
Hình ảnh người tham gia giao thông khó chịu vì bụi mù mịt trên xa lộ Hà Nội, đoàn từ trạm thu phí hướng về ngã tư Thủ Đức là điều diễn ra mỗi ngày. "Tôi thường chọn cách đi làm về sớm hơn hoặc trễ hơn khung giờ cao điểm để đỡ cảm thấy mệt mỏi vì ùn tắc và bụi đường", một số người bạn của tôi chia sẻ.
Gương mặt tài xế xe buýt khá căng thẳng vì kẹt xe trên xa lộ Hà Nội vào lúc gần 20h.
Còn hành khách trên xe buýt mệt mỏi trên chuyến xe nhích từng chúng một qua "cung đường đau khổ" xa lộ Hà Nội dù trời đã tối khá lâu.
Đô thị 05:00 | 02/12/2019
Đô thị 06:35 | 29/11/2019
Đô thị 05:27 | 28/11/2019
Đô thị 05:57 | 27/11/2019