Hà Nội tiếp tục trễ hẹn dự án vành đai 1

Thay vì hoàn thành vào quý I/2025, dự án vành đai 1 tiếp tục được các đơn vị liên quan hứa hoàn thành trong năm 2025 nếu có mặt bằng thi công.

Sáng 11/12, tại phiên tái chất vấn của HĐND thành phố, đại biểu Nguyễn Quang Thắng nêu vấn đề chậm tiến độ dự án vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục.

"Dự án có tầm quan trọng rất lớn đối với sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố. Tại kỳ họp HĐND tháng 11/2023, lãnh đạo UBND TP Hà Nội cam kết dự án hoàn thành trong năm 2024, chậm nhất đầu năm 2025", ông Thắng nói và đề nghị chủ đầu tư, lãnh đạo hai quận Đống Đa, Ba Đình có dự án đi qua cho biết tiến độ thực hiện dự án và giải phóng mặt bằng.

Hướng tuyến đường vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục. (Đồ họa: Tiến Thành).

Giám đốc Ban Quản lý các công trình dân dụng TP Hà Nội Đồng Phước An (chủ đầu tư) cho biết tiến độ dự án vành đai 1 chưa đáp ứng yêu cầu dù thủ tục đầu tư đã thực hiện đầy đủ, không còn vướng mắc. Dự án dự kiến hoàn thành năm 2024, nhưng công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn do các hộ dân không phối hợp trong đo đạc, kiểm đếm tài sản, nguồn gốc đất. Một số hộ dân đã nhận tiền đền bù, nhưng chưa bàn giao mặt bằng.

Theo ông An, hai quận Đống Đa, Ba Đình cam kết bàn giao mặt bằng sạch vào quý I-II/2025. Ban đã chỉ đạo các nhà thầu sẵn sàng khi có mặt bằng là triển khai ngay. "Nếu nhận được mặt bằng theo đúng cam kết của hai quận thì dự án sẽ hoàn thành trong năm 2025", ông An nói.

Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết quận có 1.334 trường hợp phải giải phóng mặt bằng, nhưng có đến hàng nghìn đơn thư do quá trình quản lý đất nhiều năm trước đây lỏng lẻo. Đến nay, quận đã chi trả 667/1.334 phương án. Những phương án cuối cùng đang được niêm yết. Quận Ba Đình sẽ hoàn thành các phương án trong tháng 12/2024 và quý I/2025 sẽ bàn giao mặt bằng.

Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến. (Ảnh: Hoàng Phong).

Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định đánh giá "vành đai 1 là dự án khó nhất của thành phố và có lẽ của cả nước". Quận có 643 trường hợp cần giải phóng mặt bằng, hiện đã có hơn 100 phương án chi trả xong. Để đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, quận đã đưa ra 8 nhóm chính sách đặc thù và phấn đấu bàn giao trong quý I-II/2025.

Vành đai 1 dài 7,2 km, là trục chính đô thị kết nối từ Đông sang Tây, đi qua trung tâm Hà Nội gồm phố Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt - Xã Đàn - Hoàng Cầu - Voi Phục. Đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục dài hơn 2,2 km, mặt cắt ngang 50 m, điểm đầu giao với đường Cát Linh - La Thành - Yên Lãng tại Hoàng Cầu (quận Đống Đa), điểm cuối tại nút giao Voi Phục (quận Ba Đình).

Dự án vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục có tổng mức đầu tư gần 7.200 tỷ đồng từ ngân sách thành phố, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng 5.800 tỷ đồng, xây dựng đường 636 tỷ đồng. Dự án được phê duyệt từ tháng 12/2017, dự kiến hoàn thành năm 2020, nhưng chậm tiến độ và được lùi đến năm 2025.

Do đi qua các quận lõi của Thủ đô, mật độ dân cư đông nên mỗi lần thực hiện các đoạn tuyến (Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt; Xã Đàn - Hoàng Cầu), tổng mức đầu tư đều rất lớn, phần nhiều chi trả cho giải phóng mặt bằng. Do đó vành đai 1 thường được nhắc đến với tên gọi "con đường đắt nhất hành tinh".

Quy hoạch giao thông vận tải đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội có 7 tuyến vành đai, trong đó có 5 tuyến chính gồm 1, 2, 3, 4, 5 và 2 tuyến hỗ trợ (vành đai 2,5 và 3,5). Tuy nhiên, đến nay chưa tuyến nào hoàn thành.

chọn
Đường cực kỳ quan trọng, liên quan ba khu đô thị ở Hà Nội 'phải hoàn thành năm tới, không có thời điểm lùi'
HĐND TP Hà Nội vừa tái chất vấn về dự án BT giao thông kéo dài 16 năm ở phía nam thành phố, đó là Đường trục phía nam tỉnh Hà Tây cũ.