Hà Nội xem xét đề án xây hệ thống metro, phát triển xe buýt điện vào đầu tháng tới

HĐND TP Hà Nội sẽ xem xét thông qua một số đề án lớn, trong đó có đề án xây dựng mạng lưới đường sắt đô thị và phát triển xe buýt điện.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ).

HĐND TP Hà Nội đã có văn bản triệu tập kỳ họp thứ 17 HĐND TP khóa XVI. Theo đó, kỳ họp sẽ diễn ra từ ngày 1/7 đến 4/7 sắp tới.

Dự kiến, tại kỳ họp này, HĐND TP sẽ xem xét thông qua nhiều đề án quan trọng. Trong đó có đề án tổng thể Đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô và Phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố. 

HĐND TP cũng sẽ xem xét thông qua Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Hà Nội; đề án Phân loại đô thị TP Hà Nội; Chương trình Phát triển đô thị Hà Nội....

Ngoài ra, HĐND TP sẽ xem xét kết quả giải quyết kiến nghị cử tri 6 tháng đầu năm; xem xét các nội dung điều chỉnh kế hoạch đầu tư công cấp thành phố năm 2024 và định hướng kế hoạch đầu tư công năm 2025, cập nhật, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025...

Theo Quy hoạch Giao thông Vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 519 năm 2016, Hà Nội được quy hoạch 10 tuyến đường sắt đô thị (MRT) với tổng chiều dài 413 km, ba tuyến tàu điện một ray (monorail) với 44 km.

Đến nay, chỉ duy nhất một tuyến đường sắt hoàn thiện và đưa vào khai thác thương mại là tuyến 2A với chiều dài 14 km. Tuyến số 3 đoạn Nhổn - Ga Hà Nội (12 km) mới hoàn thiện và chạy thử một đoạn trên cao dài 8,5 km từ Nhổn đến Công viên Thủ lệ (4 km còn lại đi ngầm từ Công viên Thủ Lệ đến Ga Hà Nội hiện chưa giải phóng xong mặt bằng). Các tuyến còn lại chưa triển khai.

Vừa qua, Hà Nội đã lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2030. Theo dự thảo các quy hoạch mới này, Hà Nội đề xuất điều chỉnh cục bộ một số đoạn tuyến (số 6 và 7), đồng thời quy hoạch thêm ba tuyến mới, nâng tổng chiều dài đường sắt đô thị lên 489 km, chưa bao gồm monorail.  

Liên quan đến mạng lưới đường sắt, năm 2023, Bộ Chính trị có Kết luận Số 49-KL/TW về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tại Kết luận này, Bộ Chính trị định hướng mục tiêu đến năm 2045 sẽ hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội (có tính kết nối với vùng thủ đô) và TP HCM là vào năm 2035.  

chọn
Siêu dự án Nam Hội An 4 tỷ USD đã mang về cho Coteccons bao nhiêu tiền?
Tại ngày 30/6, Coteccons có khoản phải thu gần 176 tỷ đồng từ dự án Hoiana, giảm 812 tỷ đồng so với thời điểm 30/6/2022. Được biết, doanh nghiệp trúng gói thầu tại Hoiana vào năm 2017 với tổng giá trị gần 7.000 tỷ đồng.